Sẽ sửa đổi quy định về hình thức kiểm tra tập sự hành nghề công chứng

Cục Bổ trợ Tư pháp đang xây dựng Thông tư thay thế Thông tư số 04/2015/TT-BTP ngày 15/4/2015 hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng với nhiều quy định mới, trong đó dự kiến sửa đổi quy định về hình thức kiểm tra.

Tạo điều kiện tốt nhất cho người tập sự kiểm tra tập sự

Cục Bổ trợ Tư pháp cho biết, sau hơn 06 năm triển khai thi hành Thông tư số 04/2015/TT-BTP, việc tập sự hành nghề công chứng đã đạt được nhiều kết quả tích cực thể hiện qua số lượng người đăng ký tập sự hành nghề công chứng ngày càng tăng, chất lượng tập sự được nâng cao và công tác quản lý nhà nước về tập sự cũng đi vào nề nếp. Đối với việc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng, từ năm 2016 đến nay Bộ Tư pháp đã tổ chức 03 kỳ kiểm tra cho 1513 người hoàn thành thời gian tập sự, cấp Giấy chứng chứng nhận cho 914 thí sinh đạt yêu cầu. Trong năm 2021, Bộ Tư pháp đã tổ chức kỳ kiểm tra lần thứ 4 tại hai khu vực (phía nam và phía bắc), tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong phạm vi cả nước nên đến nay mới chỉ hoàn thành Đợt 1 của khu vực phía Nam. Việc tổ chức các kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng nghiêm túc, chặt chẽ không chỉ góp phần chọn lọc những người đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên mà còn nâng cao ý thức, trách nhiệm của những người tập sự khác trong việc tuân thủ quy định pháp luật về tập sự để việc tập sự thực chất, hiệu quả.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc tập sự hành nghề công chứng trong thời gian qua cũng còn một số điểm bất cập, hạn chế, mà chủ yếu là do quy định của Thông tư số 04/2015/TT-BTP còn những điểm chưa phù hợp. Một số quy định về người không được đăng ký tập sự và thời gian tập sự chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng ghi danh nhưng không tập sự trên thực tế; quy định về cách thức, thẩm quyền, trách nhiệm đánh giá việc hoàn thành tập sự chưa rõ ràng, trách nhiệm từ chối hướng dẫn tập sự chưa cụ thể… dẫn đến một số vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đối với việc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng thì quy định về nội dung, hình thức, thời gian tổ chức kiểm tra; điều kiện tham dự kiểm tra, quyền và nghĩa vụ của người đăng ký tham dự kiểm tra… cũng có những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung để vừa bảo đảm sự chặt chẽ, nghiêm túc của việc tập sự và kiểm tra kết quả tập sự, vừa tạo điều kiện tốt nhất cho người tập sự trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

Phải soạn thảo một văn bản công chứng cụ thể

Dự thảo Thông tư sửa đổi 25 Điều trong tổng số 35 Điều của Thông tư số 04/2015/TT-BTP. Trong đó, đáng chú ý nhằm nâng cao chất lượng của người tập sự và bảo đảm phù hợp với nội dung kiến thức pháp luật cần thiết đối với các công chứng viên, Thông tư bổ sung pháp luật về dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai, nhà ở, doanh nghiệp, kinh doanh bất động và các quy định pháp luật khác có liên quan vào nội dung kiểm tra.

Thông tư cũng sửa đổi quy định về hình thức kiểm tra để nâng cao hiệu quả tổ chức kỳ kiểm tra, đánh giá đúng năng lực của người tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng. Cụ thể, bên cạnh hình thức kiểm tra gồm 01 bài viết và 01 bài vấn đáp như hiện nay, dự thảo Thông tư đang đề xuất thay kiểm tra vấn đáp bằng 01 bài kiểm tra viết thứ 2 (phương án 2) hoặc bằng một bài kiểm tra trắc nghiệm (phương án 3) hoặc bằng một hình thức cụ thể tùy vào mỗi kỳ kiểm tra và được thông báo trước trong kế hoạch tổ chức kỳ kiểm tra (phương án 4).

Trong đó, phương án 2 là thực hiện 02 bài kiểm tra viết (Bài kiểm tra viết thứ nhất: Kiểm tra các nội dung theo quy định thông qua việc giải quyết đối với những yêu cầu công chứng cụ thể. Thời gian của bài kiểm tra viết này là 180 phút; Bài kiểm tra viết thứ hai: Soạn thảo một văn bản công chứng cụ thể, hoàn chỉnh để giải quyết một tình huống yêu cầu công chứng. Thời gian của bài kiểm tra viết này là 90 phút).

Phương án nói trên đang được Cục Bổ trợ tư pháp đề xuất lựa chọn với lý do vừa đánh giá được trình độ chuyên môn, khả năng khả năng áp dụng pháp luật, khả năng xử lý tình huống của công chứng viên để giải quyết yêu cầu công chứng cụ thể, đồng thời đánh giá đầy đủ, chính xác nhất trình độ của công chứng viên thông qua việc xây dựng một văn bản công chứng cụ thể, hoàn chỉnh. Đầu ra của hoạt động công chứng chính là văn bản công chứng nhưng thực tế cho thấy có không ít công chứng viên hành nghề lâu năm nhưng không tự mình xây dựng được một văn bản công chứng hoàn chỉnh mà đều phụ thuộc vào nhân viên giúp việc, do vậy công chứng viên không đánh giá, kiểm soát được chất lượng của văn bản công chứng.

Để minh bạch quy định về đăng ký tham dự kiểm tra, dự thảo Thông tư quy định rõ về những trường hợp được đăng ký tham dự kiểm tra và những trường hợp không được đăng ký tham dự kiểm tra, gồm người không đủ điều kiện tập sự mà vẫn tập sự hoặc không đủ điều kiện tập sự lại mà vẫn tập sự lại; có hành vi gian dối trong hồ sơ đăng ký tham dự kiểm tra.

Đồng thời, dự thảo Thông tư quy định rõ về cách thức nộp hồ sơ đăng ký tham dự kiểm tra, thời điểm nộp hồ sơ, thành phần hồ sơ và trách nhiệm của Sở Tư pháp, Hội đồng kiểm tra đối với việc đăng ký tham dự kiểm tra. Việc quy định cụ thể các vấn đề này sẽ giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thời gian qua liên quan đến việc nộp hồ sơ đăng ký tham dự kiểm tra.

Thông tư cũng quy định người có vợ hoặc chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ đẻ của vợ hoặc chồng, con đẻ, anh chị em ruột, anh chị em ruột của vợ hoặc chồng tham dự kỳ kiểm tra thì không được tham gia Hội đồng kiểm tra và các Ban của Hội đồng kiểm tra. Quy định này nhằm bảo đảm tính khách quan, công bằng, minh bạch của kỳ kiểm tra.

Hà Anh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/se-sua-doi-quy-dinh-ve-hinh-thuc-kiem-tra-tap-su-hanh-nghe-cong-chung-post443819.html