Sẽ sửa đổi nhiều chính sách trợ giúp xã hội

Trong thời gian tới, chính sách trợ giúp xã hội sẽ đổi mới theo hướng hoàn thiện hệ thống văn bản quy định chính sách như sửa Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, sửa đổi Nghị định 136/2013/NĐ-CP, ban hành bổ sung chính sách chưa được thể chế hóa như chính sách về công tác xã hội...

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh; Bùi Tư

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh; Bùi Tư

Ngày 29/7, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức hội thảo định hướng đổi mới chính sách trợ giúp xã hội và ứng dụng công nghệ thông tin.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Toản - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết, chính sách trợ giúp xã hội trong thời gian qua đã giúp xã hội đổi mới nhận thức về trợ giúp xã hội, nhìn nhận trợ giúp xã hội không chỉ là công cụ hỗ trợ thực hiện quyền của người dân, mà là đầu tư phát triển.

Cùng với đó, chính sách trợ giúp xã hội đã từng bước mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách đến năm 2020 hỗ trợ 3,2 triệu đối tượng. Trong đó, đã tính đến ưu tiên các nhóm khó khăn như trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật. Đồng thời, chính sách đã điều chỉnh chế độ phù hợp với nhu cầu của người hưởng lợi, phù hợp điều kiện kinh tế và hệ thống an sinh xã hội. Cụ thể, từ năm 2000-2015 đã 4 lần điều chỉnh mức hưởng và hệ số...

Tuy nhiên, cũng theo ông Toản, hệ thống trợ giúp xã hội hiện nay chưa toàn diện, tính linh hoạt thấp, chưa kịp thời điều chỉnh theo tình hình mới.

Cùng với đó, mức chính sách còn thấp, chưa phù hợp, một số địa phương chưa bố trí đủ kinh phí để thực hiện chính sách, đề án; một số chính sách đối với người cao tuổi, người khuyết tật chưa được quan tâm thực hiện đầy đủ. Đặc biệt, hiện nay chưa ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin, giải pháp thanh toán trong thực hiện chính sách.

Theo ông Toản, trong thời gian tới, chính sách trợ giúp xã hội sẽ đổi mới theo hướng hoàn thiện hệ thống văn bản quy định chính sách như sửa Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, sửa đổi Nghị định 136/2013/NĐ-CP, ban hành bổ sung chính sách chưa được thể chế hóa như chính sách về công tác xã hội, chính sách về cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội…

Cùng với đó, trong thời gian tới sẽ nâng mức chuẩn, mở rộng đối tượng hưởng theo hướng ưu tiên khó khăn, hướng đến phổ cập đối tượng, tích hợp chính sách, hệ thống tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, sẽ xây dựng hệ thống đăng ký hưởng chính sách và chi trả điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia an sinh xã hội nhằm tiết kiệm chi phí hành chính, hạn chế sai sót, tăng cường minh bạch…

Cũng tại hội thảo, đại diện của Liên Hợp quốc tại Việt Nam cho biết, hệ thống trợ giúp xã hội tại Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng đã phát sinh một số hạn chế. Đó là khó khăn trong việc xác định đối tượng thụ hưởng; chính quyền địa phương thiếu ngân sách để thực hiện chính sách trợ giúp xã hội.

Theo vị đại diện này, nguyên nhân là do tình trạng phân tán, diện bao phủ còn hạn chế, mức hưởng còn thấp. Đặc biệt, nhóm giữa bị bỏ sót trong khi họ cần được hỗ trợ ngay lập tức do mất hoặc giảm sinh kế do đại dịch, nhưng chưa được bảo vệ bởi bất kỳ chế độ an sinh nào. Hệ thống trợ giúp xã hội thiếu năng lực để ứng phó với các cú sốc đồng biến trên quy mô lớn.

Hiện nay, Liên Hợp quốc tại Việt Nam đang phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH xây dựng chương trình chung về phát triển hệ thống trợ giúp xã hội. Mục tiêu của chương trình là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang hệ thống an sinh xã hội bao trùm và tích hợp nhằm thúc đẩy giải quyết các rủi ro theo vòng đời và tăng cường phát triển nguồn nhân lực.

Theo đó, chương trình áp dụng cách tiếp cận theo vòng đời, nhạy cảm giới và tập trung vào con người, tránh áp dụng cách tiếp cận theo đối tượng mục tiêu hoặc phân loại, hạn chế đối tượng áp dụng.

Chương trình sẽ tăng cường kết hợp giữa sàn an sinh xã hội phổ cập do ngân sách nhà nước tài trợ và bảo hiểm xã hội có đóng góp nhằm khắc phục các rủi ro theo vòng đời. Cùng với đó, chương trình sẽ tiếp cận theo hướng giải quyết đồng thời nhiều mục tiêu chính sách như mở rộng phạm vi bao phủ của bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội; đảm bảo quyền được hưởng trợ giúp xã hội cho trẻ em, người khuyết tật, người lớn tuổi, cải cách hệ thống quản lý và giải quyết chế độ, chính sách.

Ngoài ra, chương trình sẽ kết hợp nhiều cơ chế tài chính, huy động kinh phí từ nguồn tiền đóng bảo hiểm xã hội và phân bổ từ ngân sách nhà nước./.

Bùi Tư

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/xa-hoi/2020-07-29/se-sua-doi-nhieu-chinh-sach-tro-giup-xa-hoi-90166.aspx