'Se sẽ chứ kẻo cánh buồm bay mất'

Vào dịp kỷ niệm 71 năm ngày sinh của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, một nhóm những người yêu thơ là các nhà biên kịch, nhà văn, nhạc sĩ trẻ phối hợp với gia đình nhà thơ tổ chức đêm thơ Lưu Quang Vũ mang tên 'Se sẽ chứ kẻo cánh buồm bay mất'.

Đây cũng là dịp hội ngộ của những người yêu thơ Lưu Quang Vũ, gợi lại ký ức của những bài thơ không năm tháng của anh.

Tại đây, 71 người bạn thơ, người yêu thơ của Lưu Quang Vũ sẽ đến đọc những câu thơ của anh. Bảy mươi mốt là nghịch đảo của mười bảy, cái tuổi được Lưu Quang Vũ xem như là dấu ấn: “Thành phố năm anh mười bảy tuổi/ Viển vông, cay đắng, u buồn”. Nhưng cũng là thành phố của những “vườn trong phố”, của những ngọn lửa tin yêu.

"Con lớn trong nỗi nhọc nhằn của mẹ"

Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ được sinh ra vào một buổi trưa nắng đẹp, năm Mậu Tý, ngày 17-4-1948, tại thôn Gia Điền, xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, nơi cơ quan đặt trụ sở ấn loát (Bộ Tài chính).

Nhà viết kịch Lưu Quang Thuận và vợ, bà Vũ Thị Khánh vừa kết hôn được một tháng thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Tháng 12-1946, vợ chồng theo cơ quan, tản cư lên các nơi Việt Trì, Tuyên Quang, Đầm Hồng, Bản Ti, rồi cuối cùng trụ lại ở Phú Thọ để kháng chiến.

Nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh và 3 người con.

Nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh và 3 người con.

Bà Khánh thường kể lại với các con rằng ngày Lưu Quang Vũ ra đời, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận sung sướng lắm, cứ chạy ra chạy vào không biết làm gì, thấy ai đi qua cũng gọi vào để khoe. Hôm sau, ông Lưu Quang Hòa (ông nội của Lưu Quang Vũ) đang ở Ngòi Khế cũng cho người phi ngựa mang thư khẩn về chúc mừng. Thư vỏn vẹn chỉ có 2 dòng chữ "Hoan hô Lưu Quang Vũ! Hoan hô Vũ Thị Khánh!".

Cũng theo lời người mẹ kể lại, Lưu Quang Vũ nuôi rất dễ: "Vũ ăn khỏe và lớn nhanh như thổi. Khuôn mặt tròn, da trắng và hai mắt đen láy. Mọi người thường gọi đùa là "thằng đĩa tây".

Nhà tôi yêu con lắm, mỗi khi trời bắt đầu tối là không để cho ai bế Vũ. Anh thường ôm con đi khắp nhà, không dám đứng yên một chỗ vì sợ muỗi đốt truyền bệnh sốt rét cho con. Buổi tối, ai đến nhà tôi chơi cũng phải buồn cười khi nhìn thấy cảnh đó. Mỗi khi phải đi công tác xa nhà, anh rất nhớ con và dặn dò tôi đủ mọi thứ trước khi đi. Có lần đi chiến dịch, anh gửi về cho hai mẹ con một mảnh vải dù chiến lợi phẩm và bài thơ "Con vừa 6 tháng". Mảnh vải dù cắt ra may áo cho Vũ”.

Nhà thơ Lưu Quang Vũ.

Đến năm 1949, khi Lưu Quang Vũ mới được mấy tháng, ông Lưu Quang Thuận, lúc đó đang là Giám đốc Nhà in Quốc gia (Ấn thư cục) đã nhập ngũ, hoạt động trong Đoàn kịch Chiến Thắng, đi lưu động khắp nơi. Bà Vũ Thị Khánh và Lưu Quang Vũ chuyển về ở vùng Ao Châu, Ấm Thượng.

Trong vòng có mấy tháng mà bị bom ném sập nhà. Khi ở Ao Châu trước khi đi chiến dịch, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận có về thăm gia đình, đào hầm cá nhân có sẵn sâu thêm ngót một thước nữa làm thang để xuống. Vừa làm xong thì bom nổ cách hầm mấy thước, nhà bên chết người. Bà Khánh và Lưu Quang Vũ bị đất trùm kín.

Hai mẹ con đã cùng nhau vượt qua những ngày tháng gian khổ nhất của cuộc đời trong sự nhọc nhằn và yêu thương của người mẹ. Năm Lưu Quang Vũ mới 6 tuổi, hằng ngày đã phải trông em để mẹ đi chợ bán hàng xén theo chợ phiên 5 ngày một lần cách nhà mấy cây số. Những lúc ở nhà, Lưu Quang Vũ thường đọc các bài ca dao, tục ngữ được bố dạy rồi dạy lại cho các em. Khi mẹ đi chợ về muộn, Vũ dắt mấy em ra đỉnh dốc ngóng mẹ.

Sau này, chính cuộc sống gian khổ, vất vả đồng thời cũng rất trong sáng, lãng mạn trong khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, giàu chất thơ của vùng đồi Phú Thọ đã để lại dấu ấn đậm nét trong tâm hồn cậu bé Lưu Quang Vũ, trở thành nguồn cảm hứng cho hàng loạt sáng tác của anh. Đặc biệt là hình ảnh người mẹ trong những ngày kháng chiến gian khổ được ghi lại thật ấn tượng trong thơ Lưu Quang Vũ: "Vỡ đồi hoang mẹ trồng sắn trồng ngô/ Con lớn trong nỗi nhọc nhằn của mẹ/ Trong cánh tay xóm làng bồng bế/ Trong tiếng hò tha thiết vọng trên nương/ Mẹ ơi thương mẹ nhiều mưa nắng/ Những năm dài khoai sắn nuôi con".

"Trái tim anh trong ngực em rồi đó"

Tròn 71 năm ngày sinh của nhà thơ Lưu Quang Vũ, đúng vào tối nay, 17-4, những người yêu thơ Lưu Quang Vũ đã tổ chức một đêm thơ nhạc phi lợi nhuận, với sự ủng hộ nhiệt tình của đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Điệp cùng nhạc sĩ Giáng Son, nhà văn Nguyễn Trương Quý và rất nhiều các bạn yêu thơ cùng gia đình nhà thơ Lưu Quang Vũ, sẽ tái hiện không gian sống của nhà thơ Lưu Quang Vũ tại căn nhà 96 Phố Huế vào trước ngày anh ra đi mãi mãi cùng vợ là nhà thơ Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ trong tai nạn thảm khốc.

Căn nhà 96 Phố Huế hiện nay của nhà thơ Lưu Quang Vũ.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ: "Tôi được Nhí - cháu ruột của nhà thơ Lưu Quang Vũ dẫn lên 96 Phố Huế. Tôi chẳng biết gì về nơi này ngày xưa. Tôi chỉ được nghe kể rằng, giờ nó đã rất khác với khi anh chị vẫn còn. Là tôi nói về căn phòng bé bằng cái chiếu và tối đến nỗi làm tôi ngơ ngác.

Chúng tôi dùng đèn điện thoại, và chúng tôi đều rất ngạc nhiên không hiểu sao ảnh vẫn lên được rất rõ ràng. Phòng của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh, ngoài 2 vách tường sách và bàn thờ thì còn có gác xép. 1 cái gác xép mà chúng tôi đều không dám trèo hẳn lên. Có một cái cửa sổ không mở được, một bức tường của hàng xóm đã chặn luôn nó rồi.

Căn nhà đã cắt điện, cắt nước. Phía trên kín và tối như một cái hộp với phần nắp rất thấp. Tôi chụp ảnh rất cẩn thận và nhanh. Vừa chụp tôi vừa nghĩ là phải có cách gì phục dựng lại căn phòng này… mối mọt đang ăn những cuốn sách. Những tư liệu, bằng khen, bức tranh của anh Vũ, hình ảnh của chị Quỳnh, em Mí, ảnh ông bà Lưu Quang Thuận, những đồ vật nhỏ xíu xiu… tất cả đều có thể được làm sạch và sắp xếp lại.

Một giấy khen nhà viết kịch Lưu Quang Vũ được dán trên tường, phía dưới và bị lấp là 1 bằng khen khác với hàng chữ ĐIỀU KHÔNG THỂ MẤT. Chính giữa và cũng không nguyên vẹn lắm là chứng nhận em Mí (Lưu Quỳnh Thơ) được giải một cuộc thi vẽ với ban giám khảo quốc tế...

Tôi bỗng bàng hoàng, hóa ra hai nhà thơ lớn cùng hàng chục vở kịch kinh điển của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, cả “Mây Trắng”, cả Thuyền, cả Biển, cả Đêm Sâu hay cả những Ban Mai đều từ trong chiếc hộp tám mét vuông kín bưng này mà ra cả.

Như bài thơ "Nhà chật" ông đã viết: "Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi/ Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo/ Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo/ Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình/ Nhà chật như khoang thuyền hẹp nhỏ giữa sông/ Vừa căng buồm để đi, vừa nấu cơm để sống/ Phải bỏ hết những gì không cần thiết/ Ta chỉ có mấy thước vuông cho hành lý của mình/ Khoảng không gian của anh và em/ Khi buồn bã em không thể quay mặt đi nơi khác/ Anh không giấu em một nghĩ lo nào được/ Ta chỉ có mấy thước vuông để cùng khổ cùng vui/ Anh ngẩng lên là ở cạnh em rồi/ Bạn thuyền ơi, ngoài kia chiều lộng gió/ Bên cửa sổ của gian phòng nhỏ/ Mắt em xanh thăm thẳm những chân trời...".

Nhà thơ Lưu Quang Vũ là một tài năng thơ bẩm sinh. Ngoài thơ ca, các vở kịch, truyện ngắn, thơ của Lưu Quang Vũ giàu tính hiện thực và nhân văn cũng như in đậm dấu ấn của từng giai đoạn trong cuộc sống của ông. Với tuổi đời còn khá trẻ, 40 tuổi ông đã là tác giả của gần 50 vở kịch và hầu hết các vở kịch của ông đều được các đoàn kịch, chèo dựng thành công dưới sự chỉ đạo của nhiều đạo diễn nổi tiếng.

Rất nhiều các tác phẩm của ông đã làm sôi động sân khấu Việt Nam thời kỳ đó như: “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “Lời thề thứ 9”, “Bệnh sĩ”, “Khoảnh khắc và vô tận”, “Ông không phải bố tôi”, “Tôi và chúng ta”, “Tin ở hoa hồng”, “Nàng Sita”... Vở kịch đầu tay "Sống mãi tuổi 17" được trao tặng Huy chương vàng Hội diễn sân khấu.

Bản thảo viết tay của nhà thơ Lưu Quang Vũ.

Lưu Quang Vũ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 (năm 2000) về nghệ thuật sân khấu. Nhưng có lẽ, thơ ca là mạch nguồn sâu lắng nhất chảy dọc thời gian đời người và thế hệ ông. Có người bạn cùng thời của ông chia sẻ rằng, bản năng thi sĩ của ông giàu có trong những nỗi buồn, trong nỗi cô đơn và khổ hạnh.

Khi bị dồn vào chân tường, trong những khoảnh khắc chập chờn sáng tối, những vần thơ ám ảnh của ông tung bứt lên như muốn đối mặt với buồn đau. Nhưng ông là một người yếu đuối và đa cảm, bởi thế yêu và thi ca như một cứu rỗi còn lại qua những dằn vặt u ám. Những day dứt, trăn trở trước cuộc đời đã để lại không ít vết thương trong trái tim nhà thơ.

"Se sẽ chứ kẻo cánh buồm bay mất" như một sự nâng niu, trân trọng lao động của người nghệ sĩ, một nhà thơ, nhà viết kịch tài năng. Lưu Quang Vũ dường như sinh ra như một dấu ấn của thời đại và ảnh hưởng của ông có lẽ còn mãi trong các thế hệ sau.

Trong thời buổi thơ ca đều có chiều hướng mất dần sự yêu thích và thưởng thức trong lòng độc giả, đặc biệt là người trẻ, một đêm thơ của Lưu Quang Vũ chắc hẳn sẽ có được những dư ba để kéo lại những trái tim yêu, như một bài thơ cuối cùng Lưu Quang Vũ đã viết tặng Xuân Quỳnh trước ngày anh chị và người con út ra đi mãi mãi: Trái tim anh trong ngực em rồi đó/ Hãy giữ gìn cho anh/ Đêm hãy mơ những giấc mơ lành/ Ngày yên tĩnh như anh luôn ở cạnh/ Ta chỉ mới bắt đầu những ngày đẹp nhất...".

Trần Hoàng Thiên Kim

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/se-se-chu-keo-canh-buom-bay-mat-541703/