Sẽ rút ngắn thời gian thu phí nhiều dự án BOT

Nhiều dự án BOT sau khi nhà đầu tư trình quyết toán cho thấy tổng mức đầu tư thực thấp hơn so với tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt. Điều này đồng nghĩa với việc sau khi quyết toán, thời gian thu phí ở các trạm BOT sẽ ngắn lại.

Thời gian thu phí của nhiều trạm BOT được rút ngắn khi dự án được quyết toán xong - Ảnh: Anh Quân

Báo cáo quyết toán của một số nhà đầu tư BOT dự án mở rộng quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên cho thấy hầu hết tổng mức đầu tư thực của các dự án đều giảm so với tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt.

Cụ thể, tại dự án BOT đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua tỉnh Đắk Nông, tổng mức đầu tư ban đầu là 1.023 tỉ đồng, tuy nhiên khi nhà đầu tư báo cáo giá trị quyết toán chỉ là 634 tỉ đồng.

Còn tại dự án BOT đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đắk Lắk, nhà đầu tư báo cáo giá trị quyết toán là 724 tỉ đồng, so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu là 836 tỉ đồng.

Dự án BOT đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Gia Lai, nhà đầu tư báo cáo quyết toán dự án là 1.298 tỉ đồng, tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu là 1.775 tỉ đồng.

Một số dự án khác như BOT quốc lộ 1A đoạn qua Bình Thuận, nhà đầu tư báo cáo giá trị quyết toán hơn 2.193 tỉ đồng, trong khi tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt là 2.608 tỉ đồng.

Còn tại dự án BOT cải tạo nền, mặt đường quốc lộ 1A đoạn Phan Thiết - Đồng Nai, nhà đầu tư báo cáo quyết toán với giá trị 1.943 tỉ đồng, còn tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu là 2.085 tỉ đồng.

Theo nhận định của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), nhiều dự án có giá trị quyết toán chỉ bằng 70% so với tổng mức đầu tư ban đầu.

Giải thích về việc tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt rất cao, song giá trị quyết toán thực tế lại khác, ông Nguyễn Viết Huy, Phó trưởng ban quản lý đầu tư các dự án đối tác công-tư (PPP) thuộc Bộ GTVT cho biết, tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu chỉ là kinh phí dự tính làm cơ sở để chủ đầu tư lập kế hoạch và quản lý vốn khi xây dựng công trình, tổng mức đầu tư này không phải là giá trị để xác định thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án.

Theo quy định, sau khi dự án BOT hoàn thành, giá trị quyết toán mới là giá trị thực để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư ký kết hợp đồng thu phí hoàn vốn cho dự án.

Để tính đúng tính đủ thời gian thu phí, Bộ GTVT sẽ dựa trên kết quả kiểm toán độc lập hoặc kiểm toán Nhà nước để quyết toán dự án, tính toán lại hợp đồng và thời gian thu phí. Vì thế, nhiều công trình sau khi quyết toán sẽ giảm thời gian thu phí so với dự kiến ban đầu.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT và Bộ Tài chính đã thảo luận và xem xét những dự án BOT sau này phải quyết toán xong mới cho thu phí để minh bạch tổng mức đầu tư ở các dự án.

Trước đó hồi tháng 8-2016, sau cuộc kiểm toán chuyên đề tại các dự án BOT ngành giao thông, Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu Bộ GTVT phải rút ngắn thời gian thu phí của 4 dự án ít nhất từ 5 năm trở lên, thậm chí có trạm từ việc được quyền thu phí 24 năm đề nghị phải rút xuống còn 13 năm.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/153799/se-rut-ngan-thoi-gian-thu-phi-nhieu-du-an-bot.html/