Sẽ nhớ mãi phong cảnh, lòng mến khách của người Việt Nam

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam, từ ngày 13 đến 15-11, đoàn công tác của Cục Quản lý Di dân Quốc gia, Bộ Công an Trung Quốc đã tới thăm các danh thắng tại TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Phong cảnh cũng như tình cảm của những con người nơi đây đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong suốt chuyến đi của đoàn công tác.

Đồng chí Triệu Xương Hoa (bên trái) tặng quà lưu niệm cho Đại tá Tôn Quốc Khánh.

Đồng chí Triệu Xương Hoa (bên trái) tặng quà lưu niệm cho Đại tá Tôn Quốc Khánh.

Đoàn công tác Cục Quản lý Di dân Quốc gia, Bộ Công an Trung Quốc đến thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam lần này do đồng chí Triệu Xương Hoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Di dân Quốc gia, Bộ Công an Trung Quốc làm trưởng đoàn. Với Phó Cục trưởng Triệu Xương Hoa, đây là lần đầu tiên ông đến Việt Nam. Trước đó, Phó Cục trưởng Triệu Xương Hoa đã nghe nhiều người nói về phong cảnh, ẩm thực cũng như con người Việt Nam nên ông rất háo hức. Trong buổi giao lưu với Bộ Chỉ huy BĐBP Đà Nẵng, Đại tá Tôn Quốc Khánh, Chỉ huy trưởng BĐBP Đà Nẵng hoan nghênh đoàn công tác của Cục Quản lý Di dân Quốc gia, Bộ Công an Trung Quốc đã dành thời gian tới thăm, giao lưu với cán bộ, chiến sĩ BĐBP Đà Nẵng.

Đà Nẵng là thành phố ven biển miền Trung Việt Nam có nhiều danh thắng như bán đảo Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Bà Nà Hills. Hằng năm, thành phố Đà Nẵng đón hàng triệu công dân nước ngoài, trong đó có nhiều công dân Trung Quốc tới du lịch và làm việc. Được đánh giá là thành phố năng động, nhiều danh thắng nổi tiếng cùng nhiều dịch vụ tiện ích, Đại tá Tôn Quốc Khánh tin rằng, Đà Nẵng sẽ khiến mọi người hài lòng trong suốt thời gian lưu trú. Phó Cục trưởng Triệu Xương Hoa và các thành viên trong đoàn rất cảm kích trước sự đón tiếp trọng thị của cán bộ, chiến sĩ BĐBP Đà Nẵng. Ông mong rằng, trong thời gian tới sẽ không chỉ dừng lại ở việc giao lưu, thăm hỏi như hôm nay mà sẽ có nhiều cơ hội để trao đổi kinh nghiệm với BĐBP Đà Nẵng về công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Trước khi chia tay về nước, Phó Cục trưởng Triệu Xương Hoa bảo rằng: Điều tôi ấn tượng về Việt Nam không chỉ là cảnh đẹp của Đà Nẵng hay phố cổ Hội An tráng lệ mà hơn cả là tình cảm của người Việt Nam. Chúng tôi rất mong được đón đoàn cán bộ của Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam sang thăm, làm việc và giao lưu với cán bộ, nhân viên Cục Quản lý Di dân Quốc gia, Bộ Công an Trung Quốc để thêm cơ hội hiểu nhau, cùng hợp tác và phát triển.

Đối với bà Ngô Lệ Hoa, nhân viên phiên dịch cũng là người phụ nữ duy nhất của đoàn công tác Cục Quản lý Di dân Quốc gia, Bộ Công an Trung Quốc thì Việt Nam đã trở nên quen thuộc từ rất lâu rồi. Khi nhận công tác tại Tổng trạm Kiểm tra Biên phòng xuất nhập cảnh tỉnh Quảng Tây - một tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh của Việt Nam, bà Lệ Hoa thường xuyên có những ngày làm việc với các đoàn công tác của các tỉnh này.

Trước đây, bà Lệ Hoa có 1 năm học nâng cao trình độ tiếng Việt ở Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Điều giúp bà Lệ Hoa hiểu hơn về ngôn ngữ, văn hóa của người Việt Nam không chỉ qua sách vở, mà còn qua sự chia sẻ của các thầy, cô trong trường, các bạn cùng lớp. Khi ấy, cô sinh viên Lệ Hoa muốn được đi khắp đất nước Việt Nam để chiêm ngưỡng cảnh đẹp mà các bạn kể với mình, tuy nhiên, vì thời gian không cho phép nên không có cơ hội. Lần này, đứng trên đỉnh Bà Nà Hills, giữa không gian sương mù huyền ảo, bà Ngô Lệ Hoa chia sẻ rằng: Trung Quốc và Việt Nam có nhiều cảnh đẹp tương đồng về núi non, rất hùng vĩ. Đã nghe kể nhiều, nhưng tôi không thể tưởng tượng ở một thành phố ven biển miền Trung đầy nắng gió lại có núi non đẹp như tiên cảnh thế này.

Đại tá Trương Hiểu Xuân, Chủ nhiệm Chính trị, Tổng trạm Kiểm tra Biên phòng xuất nhập cảnh tỉnh Vân Nam, Trung Quốc luôn cảm thấy thân thiết với Thượng tá Nguyễn Xuân Bách, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP dù đây là lần đầu gặp mặt. Trước đây, Thượng tá Nguyễn Xuân Bách có thời gian dài công tác tại BĐBP Lào Cai, nơi có cửa khẩu Hà Khẩu của tỉnh Vân Nam. Tuy hai người chưa có dịp tiếp xúc, làm việc trong thời gian đó, nhưng đối với Đại tá Trương Hiểu Xuân, chỉ cần như thế đã đủ trở thành thân quen rồi. Đại tá Trương Hiểu Xuân rất mong một ngày nào đó, Thượng tá Nguyễn Xuân Bách sẽ đến thăm quan hoặc làm việc với Công an tỉnh Quảng Tây để có dịp hội ngộ trên đất Trung Quốc. Ông cũng rất mong sẽ được tiếp đón Đại úy Nguyễn Văn Kông, phiên dịch của Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam lần này.

Đại úy Nguyễn Văn Kông từng có nhiều năm công tác tại tỉnh Điện Biên - một trong 4 tỉnh của Việt Nam có đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Khi còn ở Điện Biên, Đại úy Nguyễn Văn Kông không chỉ làm phiên dịch cho Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, mà còn nhiều lần làm phiên dịch cho UBND tỉnh, Công an tỉnh, UBND huyện Mường Nhé trong mỗi chuyến làm việc, hội đàm với các lực lượng chức năng của tỉnh Vân Nam. Mỗi lần đến Trung Quốc là một lần Đại úy Nguyễn Văn Kông trau dồi thêm kiến thức phục vụ công việc tốt hơn. Thế nên lần này, ai cũng cảm thấy quý mến chàng phiên dịch tuy trẻ tuổi nhưng lại có kiến thức phong phú và nhiều lĩnh vực này.

Đoàn công tác của Cục Quản lý Di dân Quốc gia, Bộ Công an Trung Quốc chụp ảnh lưu niệm tại khu du lịch Bà Nà Hills.

Khi thăm quan khu phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam, các cán bộ của Cục Quản lý Di dân Quốc gia, Bộ Công an Trung Quốc tỏ ra vô cùng thích thú với những món ăn đặc sản Hội An. Mọi người cũng ấn tượng với những tà áo dài được may cách điệu cho những nhân viên phục vụ. Và, khi đi giữa phố cổ với rực rỡ ánh đèn, ai nấy đều trầm trồ trước những chiếc đèn lồng với đầy đủ màu sắc, hình dáng, kích thước - một vẻ đẹp riêng biệt của Hội An làm say đắm khách thập phương. Chắc chắn, những bức hình lưu lại thời gian ở Đà Nẵng, Quảng Nam sẽ được họ chia sẻ với đồng nghiệp nơi quê nhà để mọi người cảm nhận được phong cảnh cũng như con người Việt Nam.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/se-nho-mai-phong-canh-long-men-khach-cua-nguoi-viet-nam/