Sẽ nghiêm cấm chăn nuôi trong nội thành?

Hoạt động chăn nuôi hàng năm tạo ra khoảng 13 tỷ tấn chất thải, một phần trong số này được tái sử dụng, số còn lại được thải ra ngoài môi trường…

Đây là thông tin được TS Nguyễn Thành Trung, Trưởng bộ môn Môi trường chăn nuôi - Viện Chăn nuôi cho biết tại hội thảo về dự án Luật Chăn nuôi, do Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội vừa tổ chức.

Theo ông Trung, năm 2017, số lượng lợn và gia cầm lần lượt là 27,41 và 385,46 triệu con; đàn bò thịt có hơn 5 triệu con và trâu có 2,66 triệu con. Lượng chất thải rắn ước tính khoảng 84,5 triệu tấn/năm.

Các chất ô nhiễm từ chăn nuôi có thể gây ảnh hưởng đến không khí, nước mặt và nước ngầm. Trong đó, phân động vật là một mối nguy hiểm cho môi trường do chứa nồng độ cao các chất gây ô nhiễm như: nitrate, phosphate, kali và amoniac. Còn thức ăn chăn nuôi có thể chứa các kim loại nặng để kích thích tăng trưởng như đồng và kẽm, khí thải ra ngoài môi trường, chúng bị lưu giữ vào đất nên cũng có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của con người và động vật. Khi con người sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm bởi chất thải chăn nuôi, hàm lượng nitrat cao trong nước gây thiếu oxy cung cấp cho cơ thể, có thể gây ra phát triển không bình thường ở thai nhi và ung thư nếu sử dụng lâu dài.

 Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng cần sớm ban hành Luật Chăn nuôi. ẢNH: P.Thảo

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng cần sớm ban hành Luật Chăn nuôi. ẢNH: P.Thảo

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo, nếu không có biện pháp thu gom và xử lý chất thải chăn nuôi một cách thỏa đáng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người, vật nuôi và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đặc biệt là các virus biến thể từ các dịch bệnh như: H5N1, lở mồm long móng, dịch bệnh tai xanh ở lợn có thể lây lan nhanh chóng không chỉ gây bùng phát dịch bệnh mà còn đe dọa đến sinh mạng của nhiều người.

Do đó, ông Trung cho rằng, cần phải thay đổi khung chính sách dành cho ngành chăn nuôi. Công việc ưu tiên hàng đầu hiện nay là điều chỉnh các loại phí tài nguyên và phí xả thải sao cho sao hợp lý cả về mặt kinh tế và môi trường. Bởi hiện nay, hầu hết các nguồn tài nguyên như đất, nước, các hồ xả thải đang được ngành chăn nuôi sử dụng thoải mái mà không phải trả phí hoặc với mức phí thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực.

TS. Nguyễn Hữu Cường băn khoăn, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2017 Việt Nam đã chi hơn 3 tỷ USD nhập khẩu nguyên liệu (đỗ tương, ngô, lúa mì, dầu mỡ động vật…) làm thức ăn chăn nuôi nhưng về mặt quản lý thì trong số đó có bao nhiêu phần trăm (%) là ngô, đỗ tương biến đổi gen?

Theo TS. Nguyễn Hữu Cường, vẫn có thông tin thức ăn chăn nuôi có sử dụng chất cấm hoặc loại nguyên liệu không được phép dùng trong chăn nuôi, như các chất tạo màu, hóc môn tăng trưởng; các khoáng chất chỉ sử dụng trong ngành công nghiệp nhưng lại sửu dụng trong chăn nuôi hay sử dụng kháng sinh … Như vậy, sản phẩm vật nuôi khi sử dụng loại nguyên liệu này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người khi sử dụng sản phẩm.

Từ thực tiễn này, ông Cường cho rằng, cơ quan quản lý phải tăng cường thường xuyên lấy mẫu phân tích, kiểm tra chất lượng cả nguyên liệu (đầu vào) và thức ăn chăn nuôi (đầu ra). Đồng thời, với những cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi hoặc cơ sở chăn nuôi sử dụng chất cấm cần xử lý nghiêm, thu giấy phép kinh doanh ngay và có thể chịu cả trách nhiệm hình sự. Những cơ sở sản xuất không đúng chất lượng công bố hoặc sai quy định nên phạt nặng và cũng thu giấy phép kinh doanh trong thời gian nhất định, nếu tái phạm thì thu giấy phép kinh doanh vĩnh viễn. Đồng thời, công bố danh sách các đơn vị vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng cho hay, các quy định pháp luật về chăn nuôi còn phân tán trong nhiều văn bản có hiệu lực pháp lý khác nhau: chẳng hạn như quản lý giống vật nuôi thực hiện tuân thủ theo Pháp lệnh giống vật nuôi; quản lý thức ăn chăn nuôi lại được thực hiện ở Nghị định. Một số quy định quản lý còn chưa phù hợp với thực tế, còn quy định về các đối tượng vật nuôi mới, loại hình chăn nuôi gia công, nuôi động vật cảnh... lại chưa được thể chế hóa vào luật. Vì vậy, việc sớm ban hành Luật Chăn nuôi là cần thiết.

Theo dự thảo lần 5, dự án Luật Chăn nuôi có 8 chương, 65 Điều. Đáng quan tâm, Dự thảo quy định, nghiêm cấm chăn nuôi trong nội thành, nội thị, trừ nuôi động vật cảnh và chăn nuôi nhỏ lẻ không vì mục đích thương mại theo quy đinh của Bộ NN&PTNT; chăn nuôi trang trại trong khu dân cư.

Các hành vi bị nghiêm cấm 1.Chăn nuôi trong nội thành, nội thị, trừ các động vật làm cảnh. 2.Chăn nuôi quy mô trang trại, chăn nuôi tập trung, công nghiệp trong khu dân cư. 3.Giết mổ nhằm mục đích thương mại dưới bất kỳ hình thức nào trong các khu vực nội thành, nội thị. 4.Chăn nuôi các giống gia súc, gia cầm, động vật có trong Danh mục giống vật nuôi cấm sản xuất, kinh doanh. 5.Sản xuất, kinh doanh, sử dụng, xuất nhập khẩu các loại nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi, hóa chất, hóa dược, kháng sinh có trong Danh mục cấm sản xuất, kinh doanh. 6.Tổ chức sản xuất, chăn nuôi khi không đủ các điều kiện quy định tại Điều 17, Điều 39, Điều 63 của Luật này. 7.Sản xuất, kinh doanh chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi có gây hại, gây mất an toàn cho sức khỏe con người, nguồn gen vật nuôi, môi trường, hệ sinh thái. 8.Sản xuất, kinh doanh giống giả, giống vật nuôi không đạt tiêu chuẩn chất lượng. 9. Chăn nuôi, khai thác ở hộ gia đình các loài động vật hoang dã có tên trong Danh mục các loài động vật hoang dã nguy cấp. 10. Phá hoại, chiếm đoạt nguồn gen vật nuôi, xuất khẩu, nhập khẩu trái phép nguồn gen vật nuôi quý hiếm. 11. Công bố tiêu chuẩn chất lượng, quảng cáo, thông tin sai sự thật về giống vật nuôi. (Trích Điều 7 Dự thảo Luật Chăn nuôi)

Phương Thảo - Phú An

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/se-nghiem-cam-chan-nuoi-trong-noi-thanh-113210.html