Sẽ mở rộng điều tra nhiều CDC trên cả nước

Khi Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội và đồng phạm bị bắt vì vi phạm pháp luật trong việc mua thiết bị xét nghiệm COVID-19, dư luận cả nước rúng động. Ngay sau đó, liên tiếp có nhiều thông tin nghi vấn về hành vi tương tự ở một số tỉnh, thành phố khác.

Trao đổi với phóng viên ANTG ngày 27-4, Đại tá Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Cảnh sát kinh tế), Bộ Công an cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục điều tra mở rộng tới các địa phương khác có dấu hiệu vi phạm theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, với tinh thần “không có vùng cấm”.

Suốt 13 ngày đêm, CBCS Cục Cảnh sát kinh tế không ai được nghỉ ngơi để quyết tâm làm rõ hành vi của các đối tượng nâng khống giá trị máy xét nghiệm COVID-19 nhằm “ăn” chênh lệch tới hàng tỷ đồng xảy ra tại CDC thành phố Hà Nội gây bức xúc trong dư luận vừa qua.

Qua công tác nắm tình hình và nguồn tin người dân cung cấp về việc có sự thông đồng nâng khống giá mua máy xét nghiệm COVID-19, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo CBCS Cục Cảnh sát kinh tế thu thập tài liệu, chứng cứ để đấu tranh. CDC Hà Nội là đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, chỉ đạo và thực hiện các hoạt động chuyên môn về công tác y tế dự phòng trên địa bàn Hà Nội.

“Thực sự anh em rất áp lực vì trong khi dịch bệnh phức tạp, từ Thủ tướng Chính phủ đến từng người dân đều đồng lòng, dành mọi tâm huyết để chống dịch, thậm chí có những cụ già dành toàn bộ tiền tiết kiệm của mình để tặng cho công tác chống dịch, thế nhưng các đối tượng lại lợi dụng vị trí công tác của mình để kiếm lợi bất chính nên dư luận rất bức xúc. Chính vì vậy, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an là phải thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng nhanh nhất, xử lý nghiêm theo pháp luật, anh em chúng tôi đã làm không ngừng nghỉ, vừa thu thập chứng cứ về các vi phạm vừa phải liên hệ với các cơ quan chức năng để kiểm tra, so sánh giá cả...

Một Hệ thống xét nghiệm Real time PCR tự động (ảnh minh họa).

Một Hệ thống xét nghiệm Real time PCR tự động (ảnh minh họa).

Sau đúng 13 ngày (vụ việc được phát hiện từ ngày 9-4), Cơ quan CSĐT đã có đủ tài liệu chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng, ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, được viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn. Đây là một trong những thành công bước đầu của chuyên án” - Đại tá Nguyễn Văn Long Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế Bộ Công an chia sẻ.

Bước đầu, Cơ quan điều tra xác định các bị can trong vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại CDC thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội đã mua máy xét nghiệm COVID-19 với giá chênh lệch hàng tỷ đồng so với giá thực tế. Cụ thể, Nguyễn Nhật Cảm (Giám đốc CDC Hà Nội) và các đối tượng đã thông đồng nâng khống giá trị máy để “ăn” khoản chênh lệch 4,7 tỷ đồng. Chỉ riêng hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng, chống COVID-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỷ đồng nhưng khi CDC Hà Nội mua vào lại có giá lên tới 7 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 22-4, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đang điều tra vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại CDC thành phố Hà Nội, Công ty cổ phần Định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan; khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 7 đối tượng gồm Nguyễn Nhật Cảm (SN 1963), Giám đốc CDC Hà Nội; Nguyễn Vũ Hà Thanh (SN 1979), Trưởng phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội; Đào Thế Vinh (SN 1975), Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST); Nguyễn Trần Duy (SN 1980), Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành; Nguyễn Ngọc Nhất (SN 1986), nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech; Nguyễn Thanh Tuyền (SN 1985), nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông; Lê Xuân Tuấn (SN 1982), nhân viên Phòng Tài chính kế toán CDC thành phố Hà Nội.

Việc nâng giá hệ thống Realtime PCR tự động được các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau. Sau đó, Công ty cổ phần Định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành căn cứ vào đó để đề xuất mức giá và CDC Hà Nội mua vào.

Thành công của chuyên án này không chỉ đấu tranh, làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng mà còn là “tiếng chuông” cảnh báo khiến cho nhiều tỉnh, thành trong cả nước xem xét lại giá trị mua các trang thiết bị y tế. Điển hình như tại Quảng Ninh, sau khi các đối tượng tại CDC Hà Nội bị bắt thì giá máy xét nghiệm đã được giảm từ 8,4 tỷ đồng xuống còn 5,2 tỷ đồng; tại Quảng Nam giá từ 7,5 tỷ đồng xuống còn 7,2 tỷ đồng; tại Hải Phòng báo giá máy xét nghiệm lên tới 10 tỷ đồng nhưng đang được doanh nghiệp “cho mượn”, chưa trả tiền; tỉnh Lào Cai cũng đang “mượn” máy của doanh nghiệp để sử dụng nên chưa có giá...

“Hiện chúng tôi đang tích cực đấu tranh làm rõ hành vi vi phạm tại CDC Hà Nội, sẽ mở rộng điều tra sang các tỉnh, thành khác trong thời gian tới với quyết tâm xử lý đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, không có vùng cấm đúng theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an” - Đại tá Nguyễn Văn Long cho biết.

Thời gian qua, ngoài vụ án tại CDC Hà Nội, Cơ quan công an đã phát hiện 15 vụ sản xuất thiết bị y tế là hàng giả, hàng kém chất lượng, 98 cơ sở kinh doanh tăng giá bán thiết bị y tế, 50 trường hợp đầu cơ, găm hàng và hơn 100 vụ tàng trữ, vận chuyển trái phép không hóa đơn, chứng từ các trang thiết bị phòng chống dịch bệnh.

Phương Thủy

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/se-mo-rong-dieu-tra-nhieu-cdc-tren-ca-nuoc-593202/