Sẽ mở cửa thêm hai căn hầm bí mật tại Hoàng thành Thăng Long

Ngày 8-11, tại Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức Tọa đàm, gặp gỡ nhân chứng lịch sử hầm 59 và hầm 66. Hai căn hầm này đã được sử dụng phục vụ Bộ Tổng chỉ huy tối cao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Lịch sử của (và qua) hai căn hầm quan trọng được vén tầm màn thời gian để có thể giới hiệu với công chúng trong thời gian tới.

Cửa hầm được làm bằng thép, hai lớp, rất kiên cố.

Cửa hầm được làm bằng thép, hai lớp, rất kiên cố.

NDĐT - Ngày 8-11, tại Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức Tọa đàm, gặp gỡ nhân chứng lịch sử hầm 59 và hầm 66. Hai căn hầm này đã được sử dụng phục vụ Bộ Tổng chỉ huy tối cao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Lịch sử của (và qua) hai căn hầm quan trọng được vén tầm màn thời gian để có thể giới hiệu với công chúng trong thời gian tới.

Hai căn hầm đang tạm được đặt tên theo năm xây dựng (1959 và 1966). Hầm 59 là văn phòng giúp việc Bộ Tổng Tham mưu. Hầm 66 của bộ phận cơ yếu, chuyên mã hóa, bảo mật các mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh gửi đến các đầu mối chiến trường.

Các căn hầm được thiết kế đủ sức chống chịu các cuộc tấn công thông thường bằng bom, tên lửa hạng nặng và cả trong trường hợp có chiến tranh hạt nhân hoặc chiến tranh hóa học. Mỗi căn hầm chỉ có hai ngăn, diện tích chưa được 20m², không khí ở độ sâu từ 5 - 7m đầy mùi ẩm mốc.

Những đợt máy bay Mỹ đánh phá khu vực Hà Nội (năm 1967 - 1968, năm 1972), tất cả công việc phải chuyển xuống hầm, ngột ngạt và chật chội vì thường xuyên có từ 7 - 10 nguời thay nhau cùng làm việc 24/24 giờ. Những căn hầm kiên cố trong khu tổng hành dinh đã góp phần quan trọng bảo đảm an toàn cho cơ quan chỉ huy tối cao, bảo đảm cho những mệnh lệnh chỉ huy toàn bộ cuộc kháng chiến được phát đi thông suốt, kịp thời. Nhiều kíp cán bộ chiến sĩ đã trực phục vụ chỉ huy chiến đấu ở hai căn hầm 59 và 66 suốt cả cuộc kháng chiến, qua những giai đoạn ác liệt, khẩn trương nhất cũng như chứng kiến giờ phút vỡ òa của niềm vui chiến thắng.

Tọa đàm gặp mặt nhân chứng lịch sử hầm 59 và hầm 66.

Câu chuyện lịch sử của những căn hầm và của những người đảm nhiệm những cương vị quan trọng và bí mật trong hai căn hầm vẫn còn chưa được kể. Cuộc tọa đàm là một dịp để thu thập thêm những thông tin hồi ức đó. Nhiều nhân chứng lịch sử là các chiến sĩ cơ yếu, các chiến sĩ thông tin, cán bộ văn phòng phục vụ tại hai căn hầm đã kể lại những kỷ niệm khó quên trong 12 ngày đêm khói lửa mùa đông năm 1972, những ngày khẩn trương của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, những kỷ niệm làm việc với các tướng lĩnh và cả buổi liên hoan mừng thắng lợi trưa ngày 30-4-1975 có bia Hà Nội, thuốc lá Điện Biên và kẹo Hải Hà…

Những di tích cách mạng và kháng chiến là một bộ phận của khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội. Chúng lưu giữ những chứng tích lịch sử thời đại Hồ Chí Minh, kết nối với lịch sử 13 thế kỷ trước đó. Những giá trị này cần được phát huy trong nỗ lực bảo tồn, tôn tạo và phục dựng.

Hệ thống thiết bị cung cấp không khí cho căn hầm trong trường hợp có chiến tranh hóa học.

Tại khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội đã có hai căn hầm quan trọng được mở cửa đón khách tham quan là hầm phục vụ Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương (hầm D67) và hầm của Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu (hầm T1). Hai căn hầm 59 và 66 đang trong kế hoạch phục dựng, kết nối với hệ thống di tích cách mạng kháng chiến tại đây để đưa vào phục vụ khách tham quan. Nhiều công việc còn phải tiến hành: Sưu tầm hiện vật, gặp và ghi hồi ức của các nhân chứng. thiết kế trưng bày, xây dựng thuyết minh và các hoạt động tương tác trong công tác giáo dục lịch sử… Hai căn hầm này sẽ sớm mở cửa trong năm 2019 để tiếp tục “sống” và phát huy những giá trị lịch sử cách mạng cho công chúng quan tâm và cho cả các thế hệ sau.

NGỮ THIÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/38183002-se-mo-cua-them-hai-can-ham-bi-mat-tai-hoang-thanh-thang-long.html