Sẽ làm rõ trách nhiệm để xảy ra việc học sinh lớp 6 chưa đọc thông, viết thạo

Trưởng phòng Giáo dục huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp ông Lý Bảo Việt nói, sẽ làm rõ trách nhiệm của trường để xảy ra tình trạng học sinh lớp 6 chưa đọc thông.

Ngày 28/4/2021, liên quan đến sự việc có một số học sinh lớp 6 của Trường trung học cơ sở - trung học phổ thông Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp chưa đọc thông, viết thạo, ông Lý Bảo Việt – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp đã chia sẻ một số thông tin về vụ việc này.

Theo ông Lý Bảo Việt, hiện huyện Thanh Bình đã có kế hoạch bồi dưỡng thêm kiến thức cho các em học sinh. Em nào vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nghỉ học thì sẽ vận động đi học trở lại.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã thành lập một nhóm giáo viên có kinh nghiệm ở các trường tiểu học, bồi dưỡng thêm kỹ năng đọc và viết cho số học sinh này, còn nhóm các thầy cô ở bậc trung học cơ sở sẽ củng cố thêm kiến thức lớp 6 cho các em, chứ không đưa số học sinh này xuống lớp dưới học.

Ảnh minh họa từ website Trường trung học cơ sở, trung học phổ thông Tân Mỹ.

Ảnh minh họa từ website Trường trung học cơ sở, trung học phổ thông Tân Mỹ.

Nói thêm về việc xử lý trách nhiệm của các giáo viên, lãnh đạo trường đã để xảy ra tình trạng học sinh lớp 6 vẫn chưa đọc thông, viết thạo, ông Lý Bảo Việt nhấn mạnh: Chắc chắn sẽ phải làm rõ. Ủy ban nhân dân huyện cũng đã có họp, chỉ đạo và chấn chỉnh việc này, sau đó sẽ có báo cáo lên huyện để có hình thức xử lý sau.

Trước đó, báo chí nêu có tình trạng một số học sinh lớp 6 của Trường trung học cơ sở - trung học phổ thông Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp chưa đọc thông, viết thạo.

Ngay sau khi nắm được thông tin này, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản chấn chỉnh tình trạng này, trong đó nhấn mạnh tới việc không giao chỉ tiêu học sinh lên lớp cho giáo viên, không sử dụng tiêu chí này làm điều kiện “cứng” hay “khống chế” trong đánh giá, xếp loại thi đua cho giáo viên vào cuối năm học.

Sở này yêu cầu tổ chức kèm cặp, bồi dưỡng học sinh, học viên yếu bằng các biện pháp, hình thức phù hợp để các em từng bước củng cố lại các kiến thức, kỹ năng chưa đạt.

Kiểm tra, rà soát, thống kê số lượng học sinh, học viên còn yếu về kiến thức, kỹ năng tối thiểu.

Phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh trong việc quản lý giờ giấc học tập, việc tự học ở nhà, động viên, khích lệ tinh thần, động cơ, thái độ học tập tích cực của con em.

Chỉ đạo nghiêm túc thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên, kiểm tra định kỳ, cuối kỳ của học sinh, học viên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Kiên quyết không để học sinh, học viên chưa đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng tối thiểu của từng khối lớp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà được lên lớp.

Phân tích, đánh giá kết quả kiểm tra định kỳ, giữa kỳ, cuối kỳ, đối chiếu với kết quả đánh giá thường xuyên của giáo viên, tìm nguyên nhân (nếu có chênh lệch) và đề ra biện pháp chấn chỉnh, khắc phục.

Tổ chức nghiêm túc việc khảo sát chất lượng học sinh, học viên đầu năm học để phân loại học sinh, học viên yếu kém, có biện pháp kèm cặp, bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng.

Tỉnh cũng đã tổ chức cuộc họp đối với toàn thể cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh, triển khai các công việc liên quan đến việc này, rà soát số học sinh không đạt chuẩn về kiến thức, kỹ năng tối thiểu của từng khối lớp.

Việt Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/se-lam-ro-trach-nhiem-de-xay-ra-viec-hoc-sinh-lop-6-chua-doc-thong-viet-thao-post217407.gd