Sẽ là gì sau cuộc gặp đầy ngẫu hứng Trump – Kim?

Từ một đoạn tweet có vẻ giàu tưởng tượng đến bước chân lịch sử vào lãnh thổ Triều Tiên, cuộc gặp lần ba đầy ngẫu hứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un được coi như sự kiện mang đầy chất điện ảnh, một kiểu sắp đặt để lên truyền hình mà ông Trump rất ưa thích.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un trong dịp gặp mặt tại DMZ hôm 30/6. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un trong dịp gặp mặt tại DMZ hôm 30/6. (Ảnh: Reuters)

Cuộc gặp bắt nguồn từ một đề xuất trên Twitter của ông Trump gửi đến ông Kim rằng hãy ghé thăm khu phi quân sự giữa 2 miền Triều Tiên để “chào nhau”.

Nhưng trong vài tuần trước đó, một ý tưởng thực sự đã định hình trong chính quyền Trump mà giới chức Mỹ hy vọng có thể đặt nền móng cho một tiến trình đàm phán mới.

Ý tưởng là Mỹ sẽ chấp nhận cách đóng băng hạt nhân, nghĩa là giữ nguyên hiện trạng, và ngấm ngầm chấp nhận Triều Tiên như một quốc gia hạt nhân. Đây là điều mà nhiều quan chức trong chính quyền Mỹ thường nói họ không bao giờ ủng hộ.

Cách này khác hoàn toàn với điều ông Trump tuyên bố 30 tháng trước đây về cách giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, nhưng có thể mang đến cho Tổng thống Mỹ câu trả lời đến những người chỉ trích ông trong mùa tranh cử rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tạo ra cho ông Trump một hình ảnh mà ông cực kỳ khao khát, nhưng thực thế họ lại không có nhượng bộ nào thực sự.

Dù cách giữ nguyên hiện trạng có thể ngăn kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên lớn hơn, nhưng sẽ không giúp loại bỏ bất kỳ vũ khí nào trong khoảng 20-60 đầu đạn mà Bình Nhưỡng đang có, ít nhất trong tương lai gần. Nó cũng không giúp hạn chế năng lực tên lửa của Triều Tiên.

Chính quyền Trump vẫn khẳng định mục tiêu của họ là phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Nhưng khi phương pháp đòi hỏi tối đa với Triều Tiên chẳng đi đến đâu, Mỹ đang cân nhắc cách tiếp cận mới, bắt đầu bằng bước đi hạn chế, nhưng đáng kể.

Các nhà đàm phán Mỹ sẽ tìm cách bắt đầu từ đề xuất mà ông Kim đưa ra ở Hà Nội vào tháng 2 năm nay về việc từ bỏ tổ hợp sản xuất nhiên liệu hạt nhân chính của Triều Tiên ở Yongbyon để đối lấy việc dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt khó chịu nhất mà nước này đang phải chịu.

Ý tưởng hiện nay là Mỹ sẽ thuyết phục ông Kim đồng ý mở rộng định nghĩa địa điểm Yongbyon ra khỏi ranh giới địa lý của nó. Nếu thành công, dù còn rất nhiều trở ngại, sẽ dẫn đến việc đóng băng hạt nhân và Triều Tiên không sản xuất thêm vật liệu hạt nhân mới.

Nhưng một quan chức cấp cao Mỹ liên quan đến chính sách Triều Tiên nói rằng không có cách nào để biết xem liệu Triều Tiên có đồng ý với điều này. Trước đây, các nhà đàm phán Triều Tiên luôn nói chỉ có ông Kim mới được định nghĩa việc dỡ bỏ Yongbyon nghĩa là thế nào.

Để bất kỳ thỏa thuận nào hoạt động được, Triều Tiên sẽ phải đưa vào đó nhiều cơ sở khác trên khắp cả nước, bao gồm một địa điểm bí mật mang tên Kangson, nằm bên ngoài Yongbyon và là nơi tình báo Mỹ và Hàn Quốc tin rằng vẫn đang sản xuất nhiên liệu urani.

Cơ hội lập công

Với một tổng thống đang trong chiến dịch tái tranh cử, và ông nhiều lần phàn nàn rằng ông chẳng được truyền thông ghi nhận chút nào chuyện xuống thang căng thẳng với Triều Tiên, đóng băng các cơ sở hạt nhân ngầm và dừng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa, một giải pháp như trên có thể được ông Trump tuyên bố là chiến thắng. Nó sẽ giúp ông Trump nói rằng ông đang đạt được tiến triển, dù chậm, trong một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất của thế giới.

Và đó sẽ là tiến triển sau khi 3 cuộc gặp mặt trực tiếp, ở Singapore, Hà Nội và DMZ vừa qua, chứng kiến những cử chỉ nồng nhiệt nhưng không thống nhất được định nghĩa chung về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. 1 năm sau cuộc gặp đầu tiên, Triều Tiên vẫn chưa công khai kho vũ khí mà họ sở hữu, cho rằng điều này sẽ giúp Mỹ vẽ được bản đồ các mục tiêu quân sự.

Tối qua, Phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ về Triều Tiên, ông Stephen E. Biegun, nói rằng những ý tưởng nêu trên “mới đơn thuần là đồn đoán”, và nhóm của ông “vẫn chưa chuẩn bị bất kỳ đề xuất mới nào”. “Điều chính xác thì không mới, và điều mới thì không chính xác”, ông nói.

Có lẽ, phương pháp đóng băng của ông Trump sẽ phải lâu dài, hoặc ông sẽ nhận được ít hơn từ ông Kim so với những thứ mà Tổng thống Barack Obama nhận được từ Iran trong một thỏa thuận mà ông Trump gọi là “tai hại”. Và ngay cả khi cách đóng băng thành công cũng sẽ là sự rút lui khỏi mục tiêu “phi hạt nhân hóa nhanh chóng Triều Tiên, sẽ được hoàn tất vào tháng 1/2021” như ông Pompeo nêu ra vào mùa thu năm ngoái.

Hơn 2 năm trước, trong chuyến đi đến Seoul, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bác bỏ ý tưởng tương tự. Ông nói rằng điều đó sẽ “để lại cho Triều Tiên năng lực đáng kể, tạo thành mối đe dọa thực sự, không chỉ với khu vực mà cả các lực lượng Mỹ”.

Nhưng ông Trump, một người tự hào có quan hệ cá nhân tốt với ông Kim, có thể sẽ lập luận rằng đóng băng đã là đột phá.

Trên thực tế, cách tiếp cận này từng được thử. Nó tương tự đề xuất đóng băng hạt nhân mà Tổng thống Bill Clinton đã đàm phán với bố ông Kim năm 1994. Nhưng điều đó diễn ra cả chục năm trước khi Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân đầu tiên, và trước khi nước này sở hữu vũ khí hạt nhân hay khả năng phóng nó đi.

Thỏa thuận của ông Clinton được duy trì trong 5-6 năm, cho đến khi mọi chuyện trở nên rõ ràng rằng triều Tiên vẫn đang làm giàu urani. Triều Tiên từ bỏ thỏa thuận vào năm 2003. Tổng thống George W.Bush đàm phán đóng băng một phần cơ sở Yongbyon năm 2007, nhưng sau cũng thất bại.

Cách làm này làm dấy lên câu hỏi rằng liệu ông Trump có thực sự quan tâm đến việc phải đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa cứng rắn với Triều Tiên, hay như nhiều người chỉ trích nói, ông chỉ quan tâm đến ảo tưởng tiến triển để ông trở thành một người kiến tạo hòa bình trong mắt cử tri.

“Tổng thống luôn nhận công khi nguy cơ chiến tranh đã giảm xuống. Nhưng không phải vì Triều Tiên làm điều gì khác, mà vì chính quyền Mỹ đang đe dọa chiến tranh. Họ xuống thang không chỉ vì mối đe dọa đã giảm bớt, mà vì chính quyền có vẻ hài lòng với ảo tưởng phi hạt nhân hóa”, ông Richard Haas, chủ tịch Hội đồng đối ngoại và từng là cố vấn trong chính quyền Bush, đánh giá.

“Tôi nghĩ rằng ông Kim có thể chỉ đề xuất đủ trên bàn đàm phán, như hy sinh cơ sở Yongbyon cộng thêm cơ sở bị nghi ngờ nào đó, để đổi lấy một thỏa thuận tạm thời với ông Trump và ít nhất là một số biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ”, bà Sue Mi Terry, người từng làm việc cho CIA và Hội đồng an ninh quốc gia dưới thời George W. Bush và Obama, nhận định.

Ông Kim có thể tính toán rằng đây không phải một thỏa thuận tồi vì sẽ giúp họ giữ được kho vũ khí hạt nhân và tên lửa, và sẽ trao cho ông Trump cơ hội tuyên bố đã làm được nhiều hơn những người tiền nhiệm của mình, bà Terry đánh giá.

Bình Giang

theo NYT

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/se-la-gi-sau-cuoc-gap-day-ngau-hung-trump-kim-1434904.tpo