Sẽ kiến nghị khôi phục tội sử dụng trái phép chất ma túy

Khẳng định tội phạm ma túy là nguồn gốc của nhiều tội phạm hình sự khác, Bộ trưởng Tô Lâm nói sẽ kiến nghị sửa đổi luật, trong đó có việc khôi phục tội sử dụng trái phép ma túy.

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời chất vấn trước Quốc hội Sáng 4/6, phiên chất vấn trực tiếp ở kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV mở đầu với phần trả lời của Bộ trưởng Tô Lâm.

Hàng loạt câu hỏi liên quan đến công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy được các đại biểu đặt ra cho đại tướng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm trong phiên chất vấn sáng 4/6.

Ngoài đề cập đến tình hình tội phạm ma túy hiện nay, người đứng đầu ngành công an đã nói về một số giải pháp để Việt Nam không thành điểm trung chuyển hàng cấm của tội phạm quốc tế.

"Có thể ngăn chặn được tội phạm ma túy"

Đặt câu hỏi về năng lực của ngành công an và giải pháp phòng ngừa khi để lọt nhiều kẻ vận chuyển số lượng ma túy "khủng" vào Việt Nam, đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) nói: "Cử tri rất quan tâm bức xúc việc vận chuyển, mua bán ma túy không còn tính bằng gram, hay kg mà được tính bằng tấn. Công tác phòng chống còn nhiều hạn chế, hiệu quả còn thấp. Hiện, ma túy đã len lỏi từ tỉnh, thành phố đến tận vùng nông thôn, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự an toàn xã hội".

Phân tích báo cáo của các cơ quan tố tụng, đại biểu Nguyễn Văn Hiển nhận thấy Việt Nam đang trở thành địa bàn trung chuyển lý tưởng cho tội phạm ma túy. "Phải chăng chúng ta chưa đánh ma túy mạnh như các nước trong khu vực nên tội phạm mới chọn Việt Nam để trung chuyển ma túy. Có lỗ hổng yếu kém trong công tác kiểm tra, kiểm soát dẫn đến lượng ma túy lớn xâm nhập vào nội địa hay không", ông Hiển chất vấn.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm trả lời chất vấn. Ảnh: Minh Quân.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm trả lời chất vấn. Ảnh: Minh Quân.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết Đảng và Nhà nước đã tập trung nguồn lực cho công tác này. Quốc hội cũng thông qua luật với hình phạt hết sức nghiêm khắc cho hành vi liên quan đến ma túy. Trong khi, Chính phủ cũng có kế hoạch phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành và hợp tác quốc tế.

Ông Lâm nói tội phạm ma túy có yếu tố quốc tế, không quốc gia nào giải quyết được vấn đề này nếu không có sự hợp tác. Tình hình ma túy ở Việt Nam trở nên phức tạp do chúng ta ở gần "thủ phủ" ma túy, số người nghiện ma túy trong nước gia tăng, đường biên kéo dài, trong khi chính sách về thông quan hàng hóa ở cửa khẩu đang bị lợi dụng.

Để ngăn chặn, Bộ Công an đã đề xuất xây dựng kế hoạch tổng thể ngăn chặn ma túy qua các biên giới và có kế hoạch mời các nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế bàn về kế hoạch phòng chống ma túy.

Từ tháng 10/2018, Bộ Công an được Thủ tướng cho phép tổ chức hội nghị cấp bộ trưởng về phòng chống ma túy. "Với sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn ma túy, không để Việt Nam thành điểm trung chuyển ma túy của thế giới", người đứng đầu ngành công an nói.

Khôi phục tội sử dụng trái phép chất ma túy?

Trích dẫn báo cáo của Bộ Công an cho rằng nguyên nhân ma túy phức tạp thời gian qua do công tác phối hợp chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) đề nghị Bộ trưởng Tô Lâm cho biết cơ quan nào phối hợp chưa tốt và phối hợp chưa tốt ở khâu nào?

Còn đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nói bên cạnh việc ghi nhận chiến công của lực lượng công an khi bắt lượng ma túy lớn thì cũng cần xem xét trách nhiệm của lực lượng cơ sở khi để tội phạm ma túy "đóng đô" trên địa bàn.

"Bộ trưởng có giải pháp gì xử lý trách nhiệm của lực lượng đó?", ông Nhưỡng nói và đặt câu hỏi có hay không sự bảo kê, bao che của cán bộ công an thoái hóa biến chất?

Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre. Ảnh: Minh Quân.

Giải đáp nhiều nội dung liên quan đến ngành công an, đại tướng Tô Lâm không trả lời cụ thể một số câu hỏi đại biểu. Người đứng đầu Bộ Công an nói rằng tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy đang có những phương thức mới.

Có thể kể đến việc người nước ngoài bắt đầu tham gia vào loại hình tội phạm ma túy mà những đường dây lớn chủ yếu do họ điều hành. Sau đó, tội phạm nước ngoài lợi dụng cơ chế thông thoáng trong xuất nhập khẩu hàng hóa để thực hiện ý đồ biến Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển.

Tội phạm này cũng đang có xu hướng sử dụng công nghệ cao, sản xuất ma túy số lượng lớn tại khu vực Tam Giác Vàng rồi đưa vào Việt Nam. Theo Bộ trưởng Công an, tính chất của hình thức này rất nghiêm trọng, Bộ đang nỗ lực vào cuộc và nâng cao trách nhiệm đối với lực lượng thực thi pháp luật tại cơ sở.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định tình hình buôn bán ma túy đã có sự chuyển hướng. Chúng ta đã kịp thời nắm bắt nên phát hiện, bắt giữ nhiều vụ lớn, số lượng ma túy chưa từng có. Tuy nhiên, nếu ngăn chặn ma túy từ nước ngoài thì giá ma túy trong nước cao lên và tội phạm sẽ manh động. Bộ trưởng Công an cho rằng nguy cơ liên quan loại tội phạm này vẫn đang hiện hữu, cần đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa.

"Ma túy là tội phạm của các loại tội phạm như trộm cắp, giết người, cướp của. Mỗi bánh heroin lọt được vào Việt Nam, chúng tôi ước tính có khoảng 10 gia đình có người đi tù, có người vi phạm pháp luật", người đứng đầu ngành công an nói và cho biết số người trong trại cải tạo liên quan đến ma túy hiện nay chiếm 50-60%. Vì thế, việc đấu tranh với tội phạm ma túy là vấn đề rất quan trọng trong mục tiêu làm giảm phạm pháp hình sự.

Trong các giải pháp kiềm chế loại tội phạm này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết sẽ đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều về phòng chống tội phạm ma túy. "Thậm chí là phải khôi phục lại điều 199 của Bộ luật hình sự năm 2009 về tội Sử dụng trái phép chất ma túy", ông Lâm nói và cho rằng việc người sử dụng ma túy không bị xử lý hình sự như quy định hiện hành cần phải được đánh giá lại.

Nhiều thủ đoạn tinh vi vận chuyển ma túy qua biên giới Tại các tuyến biên giới, tội phạm ma túy ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi và manh động nhằm đối phó với cơ quan chức năng.

Bá Chiêm

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/se-kien-nghi-khoi-phuc-toi-su-dung-trai-phep-chat-ma-tuy-post953182.html