Sẽ kiểm tra, xử lý nhiều vụ xả thải trái phép vào các hệ thống thủy lợi

Lần đầu tiên Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) ký kết phối với Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C05) trong việc đấu tranh với hành vi vi phạm công trình thủy lợi và xả nước thải vào công trình thủy lợi. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Ông Nguyễn Đắc Long, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra (Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT) cho biết, thời gian qua, Tổng cục Thủy lợi chủ trì phối hợp với C05 thành lập các đoàn kiểm tra xử lý vi phạm xả nước thải vào công trình thủy lợi như: Bắc Hưng Hải, Bắc Đuồng, Bắc Nam Hà tại các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội và TPHCM. Kết quả đã kiểm tra đột xuất 39 tổ chức, xử phạt vi phạm hành chính 12 tổ chức, với tổng số tiền phạt hơn 1 tỷ đồng. Các vụ việc vi phạm đã được các phương tiện thông tin truyền thông phản ánh kịp thời.

Nhiều vụ xả nước thải trái phép gây ô nhiễm ở các công trình thủy lợi đã được phát hiện, xử lý

Nhiều vụ xả nước thải trái phép gây ô nhiễm ở các công trình thủy lợi đã được phát hiện, xử lý

Mới đây nhất, từ ngày 7 đến 8/5, C05 đã chủ trì cùng Tổng cục Thủy lợi thực hiện kiểm tra xử lý vi phạm xả nước thải vào công trình thủy lợi tại 2 tổ chức và 1 hộ kinh doanh trên địa bàn TPHCM. Theo đó, đã xử phạt vi phạm của Công ty Dệt nhuộm Hoàng Long số tiền 995 triệu đồng và hộ kinh doanh Hoàng Oanh số tiền 165 triệu đồng.

“Đây là lần đầu tiên Tổng cục Thủy lợi và C05 ký kết một văn bản chính thức về việc tăng cường phối hợp. Qua đó, hai bên sẽ liên kết chặt chẽ hơn để kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi và xả thải trái pháp luật vào các công trình thủy lợi”, ông Long nói.

Tại buổi ký kết chiều 11/6, Thiếu tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng C05 cho biết, dù đã cơ quan chức năng đã thực hiện thanh, kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp vi phạm, nhưng thực tế, tình hình ô nhiễm nguồn nước trong các công trình thủy lợi vẫn tồn tại và diễn biến hết sức nghiêm trọng. Điển hình như việc xả thải hóa chất độc hại vào nguồn nước.

“Chúng ta vừa phải phát hiện nhanh, đấu tranh quyết liệt, xử lý nghiêm sai phạm để thực thi nghiêm minh các quy định của pháp luật. Qua đó giáo dục, răn đe và tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp và các tổ chức có ý thức bảo vệ môi trường”, Thiếu tướng Trần Minh Lệ cho biết.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, tội phạm về môi trường là loại tội phạm rất tinh vi, bởi đã có sự tính toán từ trước. Với lực lượng mỏng của Thanh tra Bộ NN&PTNT và Tổng cục Thủy lợi rất khó để phát hiện và xử lý kịp thời.

Do đó, nếu triển khai tốt chương trình phối hợp giữa Tổng cục Thủy lợi và C05, sẽ có ý nghĩa quyết định đến đảm bảo môi trường nước cho các công trình thủy lợi.

Theo Thứ trưởng Hiệp, mục tiêu an ninh nguồn nước, xác định cao nhất là đảm bảo chất lượng nước và môi trường nước. Hiện các công trình thủy lợi là công trình đa mục tiêu, ngoài chức năng phục vụ tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp, còn có nhiệm vụ cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp. Ngay với mục đích truyền thông là tưới tiêu, muốn có nông nghiệp sạch, phải có nguồn nước sạch.

Ông Hiệp cũng cho biết thêm, một vấn đề khác cũng đang rất nhức nhối, cần sự phối hợp xử lý là tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. "Các công trình vi phạm được xây dựng một cách tràn lan, chính quyền địa phương có thẩm quyền xử lý, nhưng họ thường đổ lỗi là do lịch sử để lại. Chúng tôi cho rằng không phải như vậy. Do đó, đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề mà C05 và Tổng cục Thủy lợi cần tập trung trong thời gian tới, để chấn chỉnh công tác quản lý công trình thủy lợi tại các địa phương", ông Hiệp nói.

Theo Tiền Phong

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/phap-luat/202006/se-kiem-tra-xu-ly-nhieu-vu-xa-thai-trai-phep-vao-cac-he-thong-thuy-loi-2487435/