Sẽ không còn đùn đẩy trách nhiệm

Đánh giá về quản lý chung cư tại Hà Nội, đặc biệt là các khu chung cư thuộc diện tái định cư, nhiều chuyên gia cho rằng về mặt cơ chế và công tác quản lý vẫn chưa thật sự bài bản, khoa học. Thậm chí, nhiều nơi còn buông lỏng công tác quản lý, khoán trắng cho chủ đầu tư, ban quản lý ban điều hành… dẫn đến chất lượng các khu tái định cư thấp, đưa vào sử dụng chưa lâu một số hạng mục bị hư hỏng dẫn đến những tranh chấp và khiếu kiện kéo dài. Điều này, gây bức xúc cho nhân dân và dư luận. Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng này đây cũng chính là vấn đề 'nóng' mà Đoàn giám sát HĐND Thành phố đề xuất Sở Xây dựng cần làm rõ trong công tác vận hành, quản lý nhà chung cư trên địa bàn Thành phố diễn ra chiều qua (12/4).

Bất cập nhiều, giải quyết chậm

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Chí Dũng, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 688 (cụm, tòa) nhà chung cư thương mại, 168 nhà chung cư tái định cư và 12 nhà chung cư thương mại có xen lẫn nhà tái định cư được đưa vào sử dụng. Đối với chung cư thương mại, theo đại diện Sở Xây dựng, hiện đang tồn tại 4 hạn chế cũng như nguyên nhân cơ bản mà giới chuyên môn gọi là “bốn chậm”.

Đó là việc chậm thành lập ban quản trị, chậm xác định sở hữu chung - riêng, chậm bàn giao hồ sơ và chậm bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung 2%. Riêng đối với nhà tái định cư, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cũng thừa nhận bên cạnh mô hình tổ chức quản lý hoạt động của các đơn vị vận hành còn nhiều bất cập, thiếu chuyên nghiệp như từng đề cập thì việc thiếu các cơ chế, văn bản hướng dẫn liên quan đến công tác quản lý Nhà nước cũng khiến việc bảo trì vận hành gặp nhiều khó khăn.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐNDTP Nguyễn Ngọc Tuấn kết luận tại buổi giám sát về công tác quản lý vận hành và sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố chiều 12/4 tại Sở Xây dựng.

Đồng tình với một số luận điểm được về công tác nhà quản lý chung cư trên địa bàn Thành phố mà đại diện Sở Xây dựng đề cập, song ông Nguyễn Nguyên Quân -Trưởng ban Đô thị, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội (HĐND TP) cho rằng: Qua thực tế khảo sát tại 4 quận nội thành và Tổng công ty Nhà Hà Nội cho thấy, công tác tổng hợp số liệu thống kê về quản lý vận hành nhà chung cư còn nhiều bất cập, số liệu báo cáo có độ vênh giữa Sở, ngành và các quận huyện. Từ thực tế này, khiến công tác thống kê tổng hợp chưa được sâu, thậm chí còn rất chung chung chưa đánh giá được rõ nguyên nhân, trách nhiệm của Sở ngành cũng như địa phương.

Đại diện Ban đô thị HĐND Thành phố cũng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự vào cuộc của các cấp chính quyền trong công tác kiểm tra, đôn đốc chưa thường xuyên. Đã thế việc xử lý các vấn đề phát sinh còn chậm dẫn đến hiệu quả chưa cao. “ Những vấn đề này không phải là mới, đã diễn ra từ lâu. Tuy nhiên, lần này nêu ra những tồn tại trên không phải để quy trách nhiệm cho cấp nào, bên nào mà quan trọng là để làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước cũng như trách nhiệm của cơ quan tham mưu với thành phố trong công tác quản lý nhà chung cư trên địa bàn ra sao? Từ đó để các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, các ban, công ty quản lý, vận hành các tòa nhà chung cư tìm ra hướng giải quyết một cách triệt để, hiệu quả nhất”- ông Quân nhấn mạnh.

Cách giải quyết là không thể dồn khó lên dân

Đồng tình với ý kiến của ông Quân, nhiều chuyên gia cho rằng, để giải quyết tình trạng này, trước hết cần phải làm rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Lấy dẫn chứng về các khu nhà tái định cư, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế, HĐND TP cho rằng, trong bất kỳ trường hợp nào cũng không thể dồn khó khăn về phía người dân. Theo Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP, đối với các nhà chung cư thương mại tồn tại từ trước năm 2006, trong trường hợp không có Quỹ bảo trì 2% thì có thể áp dụng theo Thông tư 02 của Bộ Xây dựng (về quản lý nhà chung cư - PV). Song nếu cũng áp dụng Thông tư 02 với nhà tái định cư thì không phù hợp.

Đại diện Ban Pháp chế cũng đưa ra 2 vướng mắc mới nẩy sinh trong quá trình quản lý nhà chung cư và cũng chưa có hướng giải quyết. Thứ nhất, việc bàn giao Quỹ bảo trì, trường hợp không bàn giao thì sẽ phải tiến hành cưỡng chế. Việc này đã được quy đinh rõ trong Thông tư 02, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Thứ hai, thực tế hiện nay cho thấy, tại nhiều chung cư mặc dù đã có Ban quản trị nhưng vẫn tiếp tục phát sinh vấn đề.

Khẳng định tính cấp thiết của công tác quản lý, vận hành nhà chung cư, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, đã đến lúc cần phải làm rõ trách nhiệm của các đơn vị trong quản lý vận hành nhà chung cư.

Thực tế hiện nay cho thấy, Sở Xây dựng với vai trò là cơ quan tham mưu cần làm rõ trách nhiệm và chức năng quản lý nhà chung cư trên địa bàn. Trong đó phải cụ thể hóa bằng văn bản để báo cáo UBND Thành phố, Thường trực Thành phố về nguyên nhân, trách nhiệm, chế tài… Trong trường hợp cần thiết có thể đưa ra Tòa nhưng cũng phải làm rõ trách nhiệm các bên.

Cụ thể, nhiều tòa nhà do Ban quản trị không đủ chuyên môn, năng lực nên đã gặp khó trong việc quản lý, hoặc thuê lại đơn vị quản lý tòa nhà. Hướng giải quyết cho trường hợp này như thế nào, người dân phải làm sao… Cuối cùng, đó là trách nhiệm của chính quyền địa phương, khi nảy sinh mâu thuẫn thì địa phương sẽ phải làm “trọng tài” như thế nào? Phân xử ra sao, cấp độ nào giải quyết… thì vẫn chưa có đầu có cuối.

“Vấn đề ở đây là phải làm rõ trách nhiệm của Sở Xây dựng trong công tác tham mưu với thành phố. Theo đó, trường hợp nào vượt quá thẩm quyền thì có thể kiến nghị thành phố, thậm chí kiến nghị thẳng lên Thường trực UBNDTP Chúng ta không thể mãi tuyên truyền, phổ biến khi mà vấn đề đã bộc lộ hết rồi” – ông Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh.

Sửa quy định để giải quyết vướng mắc

Trần tình về “cái khó’ trong quản lý nhà chung cư, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho hay: Mặc dù rất muốn tiến hành cưỡng chế một đơn vị để làm gương, nhưng dù đã thúc giục nhiều lần nhưng công tác này vẫn chưa thể triển khai. Sở Xây dựng chỉ có thể tiến hành cưỡng chế Quỹ bảo trì khi có đề xuất từ phía chính quyền địa phương, đích thân tôi cũng đã gọi điện cho lãnh đạo 6 quận từ Long Biên, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Đống Đa… nhưng ở đâu cũng chỉ “đồng thuận” rồi không thấy văn bản nào!

Người đứng đầu ngành Xây dựng Hà Nội cũng khẳng định, đối với nhà tái định cư, hiện nay vướng mắc nhất là từ Quyết định 19 của thành phố. Quyết định này không cho phép sử dụng tiền ngân sách của Thành phố vào việc bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị trong tòa nhà. Tuy nhiên, hiện vướng mắc này cũng đã được Sở Xây dựng tham mưu cho thành phố và nếu không có gì thay đổi trong tháng 4 này sẽ được gỡ vướng. Nếu được sửa, Sở Xây dựng sẽ ban hành Quy chế quản lý chung cư. Theo đó, đối với nhà chung cư tái định cư, nguồn tiền thu được từ các khu vực kinh doanh chung sẽ được tái sử dụng cho Quỹ bảo trì của tòa nhà và hiện tại ngân sách hoạt động cho hoạt động này cũng đang được soạn thảo và sẽ sớm trình thành phố phê duyệt.

Về vấn đề này, tại buổi làm việc Sở Xây dựng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐNDTP Nguyễn Ngọc Tuấn chỉ đạo: Sở Xây dựng cần khẳng định vai trò cơ quan tham mưu trong lĩnh vực quản lý nhà chung cư trên địa bàn thành phố bởi đây không chỉ còn là vấn đề mới phát sinh. Thực tế báo cáo trước đó của Sở Xây dựng cho thấy, đầu năm 2017 có 47 chung cư xảy ra tranh chấp, nhưng đến nay con số này đã lên đến 105 và chắc chắn không dừng ở đây khi còn nhiều tranh chấp về quyền lợi. Do đó, Sở cần sát sáo hơn nữa trong quản lý, vận hành nhà chung cư.

Trường hợp vượt quá thẩm quyền có thể báo cáo UBND TP, Thường trực Thành phố, Bộ Xây dựng để tìm ra vướng mắc, giải quyết triệt để vấn đề. Trong trường hợp cần thiết, HĐND Thành phố sẽ kiến nghị Thường trực Thành phố đưa chủ đề này thành chuyên đề riêng liên quan đến công tác giám sát của HĐNDTP. Khi đó, không riêng Sở Xây dựng mà tất cả các cấp, các ngành sẽ cùng phải vào cuộc” - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/se-khong-con-dun-day-trach-nhiem-71784.html