Sẽ không còn 'đốt tiền' của người dân?

Nghị định 111/2018/NĐ-CP quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương mới được Chính phủ ban hành (bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2018) được dư luận đặc biệt hoan nghênh.

Ảnh minh họa

Theo thống kê sơ bộ của Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện Việt Nam có khoảng 200 ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành và địa phương. Với quy mô và cách thức tổ chức ngày càng hoành tráng, phô trương theo kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”. Đơn cử như, đã có địa phương khái toán tổng số kinh phí tổ chức các hoạt động kỷ niệm 990 năm với số tiền dự chi lên tới 104,722 tỉ đồng.

Hoặc ở tỉnh nọ tổng số tiền mua ấm chén biếu quan khách mừng kỷ niệm tái lập tỉnh lên tới gần 65 tỷ đồng. Các tập đoàn kinh tế cũng không kém trong “cuộc đua” này khi đánh dấu sự kiện tròn 80 năm ngày truyền thống, một tập đoàn bỏ ra số tiền để làm kỷ niệm chương là trên dưới 70 tỉ đồng...

Dư luận đặt ra câu hỏi, tại sao với số tiền hàng chục tỷ đồng ấy lại không xây vào những công trình công cộng, phúc lợi như khu vui chơi, công viên, trạm xá, cây cầu cho các vùng nghèo khó trong tỉnh hay xây nhà trẻ cho con em công nhân viên?

Để siết lại “vấn nạn” này, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho biết: “Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định nhằm quy định về điều kiện, thẩm quyền, trình tự công nhận ngày truyền thống của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ.

Theo đó, Nghị định quy định đối với bộ, ngành, cấp tỉnh tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống chỉ tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn ví như: 10 năm, 20 năm… Điều đáng nói là Bộ trưởng, Chủ tịch UBND – những người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về việc tổ chức lễ kỷ niệm bảo đảm trang trọng, thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm.

Không phải đến bây giờ vấn đề tiết kiệm, tránh lãng phí mới được nhắc đến. Trước đó, năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các cơ quan nhà nước phải dùng có trách nhiệm, tiết kiệm từng đồng thuế của nhân dân.

Trong đó phấn đấu tiết kiệm tối đa, tối thiểu 12% các khoản kinh phí chi cho hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, chi tiếp khách, khánh tiết, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm. Cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản trừ các công trình quan trọng của quốc gia. Như vậy, tất cả chỉ còn là ở khâu thực hiện mà thôi.

Thùy Dương

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/se-khong-con-dot-tien-cua-nguoi-dan-d77134.html