Sẽ không còn đất sống!

Lãi suất huy động cao, thủ tục đơn giản, người vay chỉ cần giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu gốc, thậm chí hợp đồng viết tay… cũng có thể vay được tiền. Đáng chú ý, hiện hoạt động 'tín dụng đen' đã và đang len lỏi đến từng ngõ ngách trên địa bàn Hà Nội. Loại hình tín dụng này đã khiến không ít người lâm vào cảnh điêu đứng. Vì vậy, việc Công an TP Hà Nội đang triển khai đợt cao điểm nhằm xóa bỏ hoàn toàn các hiệu cầm đồ, tổ chức cá nhân kinh doanh tài chính không phép (tín dụng đen) trên địa bàn Thành phố là hết sức cần thiết.

Len lỏi trong từng ngõ ngách

Theo đánh giá của Công an Hà Nội, thời gian qua, hoạt động “tín dụng đen” có những diễn biến phức tạp. Bên cạnh các ổ nhóm côn đồ, còn xuất hiện một số công ty “thu hồi nợ”, lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp để hoạt động phạm pháp. Bằng các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt các đối tượng hoạt động cho vay “tín dụng đen” đã xâm phạm đến sức khỏe, nhân phẩm, tinh thần... của người dân. Minh chứng dễ thấy là, trên mạng xã hội gần đây liên tục xuất hiện những hình ảnh, clip về những đối tượng đi đòi nợ. Các đối tượng này đã sử dụng vòng hoa, ném chất bẩn vào nhà để khủng bố, uy hiếp tinh thần, mang quan tài, vòng hoa, dán cáo phó… nhằm ép phải trả nợ.

Theo anh T.M.T. (sinh năm 1967, trú ở quận Đống Đa) người từng là nạn nhân của “tín dụng đen” cho biết, lãi suất tối thiểu của các khoản vay từ 10%/tháng trở lên, thậm chí áp dụng lãi suất ngày từ 1.000 đến 5.000 đồng/1 triệu đồng. Theo lời anh T., lãi suất cao khiến người vay rơi dần vào cảnh không “gánh” nổi nợ. Số tiền lãi dần tương đương với tiền gốc.

Đáng chú ý, hoạt động “tín dụng đen” tương đối nhộn nhịp. Dễ thấy nhất là việc quảng cáo, mời chào cho vay tiền được treo, dán la liệt trên nhiều dãy phố. Cụ thể, theo khảo sát trong sáng ngày 19/7, tại nhiều con phố như: Chùa Láng; Nguyên Hồng; khu tập thể Thành Công… các tờ rơi quảng cáo được dán bừa bãi. Đáng nói, việc treo, dán này đã và đang trực tiếp gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Vì sao “tín dụng đen” vẫn hoạt động công khai mà không bị ngăn chặn? Theo tìm hiểu, phía các cơ quan chức năng cũng gặp không ít khó khăn khi xử lý về vấn đề này. Cụ thể, đối tượng vay “tín dụng đen” rất đa dạng. Có thể do hoàn cảnh túng quẫn, làm ăn thua lỗ, cũng có khi vay để chơi cờ bạc, lô đề, bóng đá... Dĩ nhiên, do không công khai việc vay nợ nên chỉ đến khi bị đòi, o ép, không trả được, bị các đối tượng tìm đến hành hung thì họ hoặc gia đình mới trình báo.

Kiên quyết loại bỏ

Theo tìm hiểu, Công an TP Hà Nội xác định, “tín dụng đen” là nguyên nhân nảy sinh các vấn đề phức tạp về tội phạm hình sự, ma túy và tệ nạn xã hội. Nhiều vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng xuất phát từ nguyên nhân vay nợ. Hiện đơn vị đã ban hành Văn bản số 3200/CAHN-PV11, gửi thủ trưởng các phòng nghiệp vụ, công an các quận, huyện, thị xã, về việc chấn chỉnh và thực hiện nghiêm Kế hoạch 231/KH-CAHN-PV11 ban hành năm 2016, để chỉ đạo tổ chức điều tra cơ bản, đề ra biện pháp, giải pháp cụ thể về phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật đối với cơ sở, đối tượng kinh doanh dưới hình thức kinh doanh tài chính.

Theo yêu cầu này, trưởng phòng cảnh sát hình sự, trưởng công an các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tổ chức điều tra cơ bản, rà soát toàn bộ các cửa hàng cầm đồ, cửa hàng tư vấn tài chính, ổ nhóm, cá nhân kinh doanh tài chính có phép hoặc không phép hiện đang hoạt động trên địa bàn; rà soát, thống kê toàn bộ số điện thoại quảng cáo, rao vặt về cho vay không thế chấp, cho vay tài chính...

Trưởng công an các quận, huyện, thị xã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành đoàn thể tổ chức đồng loạt ra quân xóa quảng cáo rao vặt, thông báo số điện thoại cho vay tài chính. Thông tin công khai các cơ sở kinh doanh hoạt động không phép đến toàn người dân trên địa bàn để hỗ trợ giám sát, phòng ngừa, thu thập, cung cấp thông tin cho cơ quan công an thông qua đường dây nóng.

Theo ghi nhận, các đơn vị công an quận, huyện, thị xã… hiện đã và đang tích cực triển khai công tác kiểm soát hoạt động của loại hình tín dụng biến tướng này. Chẳng hạn, trên địa bàn quận Ba Đình, qua điều tra, Công an quận Ba Đình đã xác định hiện trên địa bàn có 30 cơ sở kinh doanh cầm đồ. Trong đó, tập trung nhiều nhất là tuyến phố Đặng Dung, phường Quán Thánh. Ngoài ra còn có 7 cơ sở kinh doanh tài chính và 45 đối tượng cho vay lãi. Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn quận xảy ra 1 vụ trọng án liên quan đến cơ sở hoạt động kinh doanh tài chính. Sau khi xảy ra trọng án, Công an quận Ba Đình đã phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội) điều tra, xử lý đối tượng gây án trước pháp luật.

Liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, thống kê của Công an quận Hoàn Kiếm cho thấy, trên địa bàn hiện có 67 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ và kinh doanh tài chính. Theo tìm hiểu, tất cả những cơ sở này đều được đơn vị điều tra, lập hồ sơ quản lý theo quy định. Được biết, tính từ tháng 11/2017 đến ngày 15/5/2018, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm xảy ra 17 vụ việc liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Những vụ việc này đã được đơn vị kịp thời phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng có liên quan để xử lý theo quy định pháp luật.

Rõ ràng, công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của “tín dụng đen” đã và đang được các đơn vị liên quan đẩy mạnh xử lý. Tuy nhiên, để chặn tận gốc hoạt động cho vay biến tướng này thì cần mỗi người dân tự nâng cao ý thức cảnh giác. Chỉ có như vậy, hoạt động tín dụng trái phép mới từng bước được ngăn chặn, góp phần vì một nền tài chính minh bạch và đem lại bình yên cho xã hội. Chỉ có vậy mới thực

Giang Nam

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/se-khong-con-dat-song-76938.html