Sẽ hết lâm tặc vì... không còn rừng

Trong buổi chiều tà, đứng trên đỉnh núi Kẹp, thuộc dãy Chư Pông hướng tầm mắt vào vùng nội địa, tôi có cảm giác cái nắng nóng điển hình của mùa khô Tây Nguyên càng dữ dội hơn bởi những cánh rừng khộp thưa thớt đang ngùn ngụt 'bốc khói'. Đành rằng cái nóng của rừng khộp thì ai cũng phải rùng mình, kể cả những tay 'đao phủ' cự phách với ngón nghề 'phá sơn lâm', song cái 'nóng' của những cánh rừng đang thoi thóp dưới đường cưa, lưỡi búa của con người thì chẳng ai có thể chịu thấu.

Cung đường hình bát quái

Chiếc U-oát dã chiến của Bộ chỉ huy BĐBP Gia Lai dập dềnh “bơi” trong làn bụi dọc quốc lộ 14C đưa chúng tôi thị sát những điểm tập kết gỗ lậu của bọn lâm tặc vừa bị lực lượng đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy (PCTPMT) BĐBP tỉnh bắt giữ trong những ngày gần đây. Dẫu quá ngao ngán trước cái nóng kinh người của những cánh rừng khộp đã bị “móc rỗng ruột”, nhưng khi được trải nghiệm thực tế với người lính đặc nhiệm biên phòng hừng hực quyết tâm, tôi bỗng thấy “sung” hơn. Suốt hơn một tháng trời kể từ Tết Nguyên đán đến nay, dưới cái nóng có khi chạm ngưỡng 40 độ C, anh em phải mình trần chân đất, “lang thang” trên những cung đường hình bát quái để đánh gỗ lậu.

Trong bộ thường phục bạc màu đất, gương mặt chín đỏ như người vừa… uống rượu, Trung úy Nguyễn Vũ Lương, Trợ lý nghiệp vụ phòng PCTPMT đưa tay chỉ ra các hướng vừa phát hiện có gỗ lậu tập kết. Thấy tôi ngơ ngác chẳng hình dung đâu ra đâu, Lương giải thích: “Cách đây khoảng gần một cây số đường rừng về phía Đông, thuộc khu vực suối Rung có trên 30m3 gỗ dầu đã được bọn lâm tặc gom thành đống chờ vận chuyển. Còn bên này, lệch sang hướng Nam chừng 7 - 8km dọc suối Đo, số lượng gỗ nhiều và to hơn, khoảng 50 cục. Xong 2 điểm này, ta lại đến điểm thứ ba, thứ tư...”. Cứ theo những gì Trung úy Lương kể thì mặt trận không tiếng súng này coi vậy mà cũng không kém phần cam go phức tạp, bởi thời tiết khí hậu khắc nghiệt, gỗ lậu được bọn lâm tặc tập kết rải rác trong rừng, quanh các tiểu khu đã được phép chuyển đổi khai hoang trồng cây cao su.

Thậm chí, có những vụ đã xác định được khu vực tập kết gỗ lậu chỉ nằm trong bán kính chưa đầy 1km mà lần tìm cả ngày không ra. Đó là chưa nói đến nhiều yếu tố gây khó khăn cho lực lượng BĐBP như việc xác định đâu là tiểu khu đã được phép chuyển đổi đất khai hoang, sự tiếp tay của “thế lực ngầm” nào đó và cả những dích dắc chậm trễ của lực lượng Kiểm lâm trong công tác bàn giao gỗ tang vật. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết tất cả các vụ bắt gỗ lậu trên biên giới của BĐBP trong thời gian qua đều nhanh chóng thông báo và yêu cầu lực lượng Kiểm lâm đến hiện trường để tiến hành bàn giao. Tuy nhiên, với những vụ có gỗ tốt (nhóm 1) thì cơ bản giải quyết rất nhanh, còn với loại gỗ “bao bì”, gỗ tạp, giá trị thấp là y như rằng… hẹn: “Hôm nay bận họp hoặc mắc giải quyết vụ vi phạm lâm luật ở xã A, xã B” .v.v. và .v.v.

Một bãi gỗ lớn khai thác trái phép trên lâm phần xã biên giới Ia Mơr (Chư Prông) bị đồn BP Ia Lốp bắt giữ mới đây. Ảnh: T.K.N

Có lẽ do địa bàn xảy ra quá nhiều vụ việc lớn hơn nên lực lượng Kiểm lâm phải tập trung giải quyết (?). Cũng có thể trong mắt của lực lượng chuyên trách này, rừng chỉ bao gồm những cây gỗ quí hiếm (nhóm 1) nên phải giải quyết thật nhanh, còn loại “bao bì”, gỗ dầu, gỗ tạp đó chẳng qua là rừng nghèo, không tiến hành bàn giao hôm nay thì ngày mai cũng chẳng muộn (?). Đối với lực lượng Kiểm lâm, sự chậm trễ trong công tác bàn giao được coi là chuyện bình thường, song với BĐBP thì cả một… núi khổ. Gỗ bắt được rồi, dù nằm tít trong rừng sâu hay trên núi cao cũng phải tập trung lực lượng gác cả ngày lẫn đêm, bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ, bọn lâm tặc quay trở lại vận chuyển đi mất thì chắc chắn phải nhận mức kỷ luật nghiêm khắc của cấp trên.

Thiếu tá Vũ Đình Điển, Đồn trưởng đồn BP Ia Lốp cho biết: “Suốt hơn một tháng kể từ Tết Nguyên đán đến nay, cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị chúng tôi phải liên tục tổ chức lực lượng tuần tra truy quét đấu tranh phòng chống các hoạt động vi phạm lâm luật. Quan điểm chỉ đạo của Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh là rất nghiêm khắc đối với vấn đề này. Gỗ bất hợp pháp trên biên giới là phải kiên quyết đấu tranh xử lý đến cùng, dù ít hay nhiều và của bất cứ tổ chức hay cá nhân nào. Riêng 2 tháng đầu năm 2012, đồn BP Ia Lốp đã phát hiện, bắt giữ trên 80m3 gỗ khai thác bất hợp pháp, trong đó có vụ xảy ra trước Tết Nguyên đán 4 ngày với số lượng gỗ lên đến 40,8m3.

Rừng biên giới sẽ kiệt quệ, nếu...

Trên chuyến xe đi thị sát hiện trường gỗ lậu ở khu vực suối Đo, thuộc khu vực biên giới xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, một trinh sát viên nói với tôi: “Có lẽ trong khoảng chục năm nữa, anh em mình sẽ chẳng có những chuyến đi bắt gỗ lậu như hôm nay đâu. Rừng hết thì làm gì còn lâm tặc?!”. Tôi mong nhận định này sẽ sai, nhưng quả thực, nếu ngày nào lực lượng BĐBP cũng bắt được số lượng gỗ lậu lớn như thế này thì chắc chắn rừng sẽ… kiệt quệ.

Số liệu tổng hợp trong công tác đấu tranh phòng chống các hoạt động khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép của BĐBP Gia Lai cho thấy, đây không phải là lời cảnh báo mà thực sự là những tiếng chuông báo động. Chỉ tính từ ngày 1-1-2012 đến 24-2-2012, các đơn vị trực thuộc BĐBP tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 43 vụ/68 đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, thu giữ 313m3 gỗ các loại, 69 phương tiện vận chuyển (ô tô, xe độ, xe công nông, xe máy). Như vậy, bình quân mỗi ngày, rừng biên giới bị “móc ruột” khoảng 6m3 gỗ các loại. Điều đáng nói, số lượng lớn như thế nhưng chưa có vụ nào bị đưa ra xử lý hình sự, bởi hầu hết đều là gỗ vô chủ. 68 đối tượng vi phạm BĐBP Gia Lai bắt được nói trên đều thuộc dạng “lâm tặc con”, mỗi lần vận chuyển vài ba tấc bằng xe máy thì xử phạt hành chính xong là… cho về. “Lâm tặc chúa” vẫn ẩn mình, trong khi thời hạn tạm giữ tang vật của BĐBP chỉ gói gọn trong 5 ngày theo qui định thì phải nhanh chóng bàn giao cho lực lượng Kiểm lâm để “tiếp tục điều tra, xử lý”. Nói một cách hình tượng, nếu muốn diệt cả đàn kiến thì phải tìm đến tổ chứ không thể ngồi bắt từng con một. Chừng nào “lâm tặc chúa” còn ngồi xa “tầm với” của pháp luật, thì rừng vẫn bị “móc rỗng ruột” dẫn đến kiệt quệ.

Một vấn đề nữa không thể không đề cập, đó chính là thái độ của những người có trách nhiệm chính liên quan đến rừng. Rõ ràng công tác đấu tranh phòng chống các hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép cần có sự phối hợp chặt chẽ thông suốt, sự trợ giúp, tạo điều kiện thuận lợi tối đa của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương các cấp, trong đó, phải xác định lực lượng Kiểm lâm và các lâm trường đóng vai trò chủ lực. Bởi chỉ có như thế mới có thể “hạ nhiệt” được thực trạng phá rừng trên tuyến biên giới tỉnh Gia Lai nói chung, địa bàn 2 xã Ia Mơr và Ia Púch, huyện Chư Prông nói riêng - những khu vực đã và đang diễn ra hết sức nóng bỏng.

Thái Kim Nga

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/se-het-lam-tac-vi-khong-con-rung/