Sẽ hạn chế room ngoại trong lĩnh vực trung gian thanh toán?

Vốn ngoại tại các công ty cung cấp các dịch vụ trung gian thanh toán có thể sẽ được siết lại theo đề xuất từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Có nên quy định tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực trung gian thanh toán?

Có nên quy định tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực trung gian thanh toán?

Dự thảo Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt đã được NHNN lấy ý kiến các Bộ ngành và cơ quan quản lý. Một trong những đề xuất của NHNN quy định về tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang là chủ đề gây nhiều tranh cãi...

Thời gian qua, sự ra đời của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tại Việt Nam đã hỗ trợ hiệu quả cho các ngân hàng trong việc đa dạng hóa và gia tăng tiện ích trong cung ứng dịch vụ, mở rộng phạm vi phục vụ khách hàng, tối ưu hóa chi phí đầu tư về hạ tầng công nghệ thông tin, góp phần tích cực trong việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt theo đúng định hướng của Chính phủ và NHNN.

Theo quy định, hiện nay tỷ lệ góp vốn tối đa của nhà đầu tư nước ngoài đối với các ngân hàng thương mại cổ phần là 30%; với tổ chức tín dụng phi ngân hàng, thực hiện theo quy định của công ty đại chúng là không quá 49%. Theo NHNN, ở Indonesia tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thanh toán đối với các tổ chức nhận tiền gửi, vận hành bù trừ, chuyển mạch, quyết toán cuối cùng... chiếm 20% vốn sở hữu.

Không riêng gì Việt Nam, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán hầu hết là các startups FinTech (công ty khởi nghiệp về công nghệ tài chính) có nhu cầu vốn lớn. Việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài đối với các satrtups không chỉ mang đến sự hỗ trợ về tài chính mà còn là việc tận dụng công nghệ, học hỏi từ các quốc gia đi trước trong lĩnh vực công nghệ nói chung và thương mại điện tử nói riêng.

Bên cạnh đề xuất hạn chế room sở hữu của khối ngoại ở lĩnh vực này, các cơ quan chức năng còn phải tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để đảm bảo không phát sinh việc rửa tiền, thanh toán chui, tạo điều kiện cho các giao dịch trốn thuế hay mua bán hàng hóa bị cấm.

Tại Việt Nam, vốn ngoại trong dịch vụ trung gian thanh toán có vị thế rất lớn.Tạị Công ty cổ phần thanh toán điện tử VNPT Epay có 65% vốn sở hữu thuộc quỹ đầu tư của Hàn Quốc (đây là cổng thanh toán có tham gia trong vụ án đánh bài qua mạng Ribvip mới bị triệt phá). Hay Tập đoàn NTT Data của Nhật đã mua 64% vốn của Payoo- công ty thanh toán điện tử lớn nhất Đông Nam Á. MOL Global của Malaysia đã sở hữu 50% cổ phần tại Cổng thanh toán Ngân lượng.

Các đơn vị như Bảo Kim, ZaloPay, MoMo... cũng đều có vốn đầu tư ngoại tham gia trong quá trình phát triển. Cuối năm ngoái, Alipay (dịch vụ thanh toán thuộc tập đoàn Alibaba - Trung Quốc) cũng đã chính thức ký hợp tác chiến lược với Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) để chuẩn bị cung cấp các dịch vụ thanh toán điện tử cho khách Trung Quốc vào Việt Nam.

Tại Việt Nam, tổng số lượng giao dịch thực hiện qua hệ thống NAPAS trong năm 2017 đạt khoảng 267 triệu giao dịch, tăng 24% so với năm 2016, tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 656.000 tỷ đồng, tăng 102% so với năm 2017. Trong đó, tổng giá trị giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7 đạt 302.000 tỷ đồng, gần tương đương với tổng giá trị giao dịch rút tiền ATM liên ngân hàng đạt 307.000 tỷ đồng qua hệ thống NAPAS.

Tính đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này đều đang phải bỏ tiền ra để khuyến khích, tạo thói quen cho người dùng sử dụng dịch vụ. Sự cạnh tranh trong lĩnh vực trung gian thanh toán sẽ còn khốc liệt, đòi hỏi nhà đầu tư phải bơm nguồn vốn lớn, đủ am hiểu về công nghệ và mức độ chấp nhận rủi ro cao. Các nhà đầu tư nước ngoài thường đáp ứng các yếu tố này tốt hơn các nhà đầu tư trong nước.

Phải nói rằng, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán gắn liền với sự phát triển không ngừng của kỹ thuật, công nghệ hiện đại, do vậy các quy định pháp lý cũng cần phải được liên tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung để phù hợp với thực tế, đồng thời đảm bảo được vai trò quản lý nhà nước.

NHNN cho rằng, hoạt động trung gian thanh toán là hoạt động có liên quan đến hoạt động ngân hàng, tác động trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia dịch vụ, cũng như ảnh hưởng đến an ninh, an toàn trong chính sách tiền tệ quốc gia. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước phải có chính sách phù hợp, trong đó có quy định về tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Anh Phong, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế - Luật, hiện nay các quy định của NHNN xoay quanh dịch vụ trung gian thanh toán hay các quy định liên quan như chống rửa tiền đều có. Theo hướng hội nhập kinh tế, không cần hạn chế “room” sở hữu của khối ngoại ở lĩnh vực này nhưng điều quan trọng là phải kiểm tra, giám sát trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp để đảm bảo không phát sinh việc rửa tiền, thanh toán chui, tạo điều kiện cho các giao dịch trốn thuế. Do vậy, NHNN phải có chế tài kiểm soát các giao dịch thanh toán lớn hay giao dịch không rõ ràng.

Hà Phương

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/se-han-che-room-ngoai-trong-linh-vuc-trung-gian-thanh-toan-136614.html