Sẽ dựng hàng rào kỹ thuật 'thật rắn' với thịt bò, gà... nhập khẩu

'Chúng ta buộc phải chấp nhận giá thịt cạnh tranh từ các nước đưa vào vì không thể cấm mà chỉ có thể xây dựng hàng rào kỹ thuật cho thật tốt'.

Thông tin trên được ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NNPTNT) đưa ra tại buổi họp báo giới thiệu Triển lãm Quốc tế lần thứ 7 về chăn nuôi, thú y, ngành sữa, chế biến thịt và nuôi trồng thủy sản (ILDEX Vietnam 2018) tại TP.HCM sáng ngày 5.3.

Cục trưởng Hoàng Thanh Vân cho biết Bộ NNPTNT sẽ có nhiều động thái quản lý ngành và hỗ trợ người chăn nuôi nông hộ. Ảnh: Nguyên Vỹ

Năm 2017, một trong những vấn đề được người chăn nuôi đặc biệt quan tâm là khâu dự báo và định hướng thị trường. Việc thiếu thông tin đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất chăn nuôi, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu và phải tiến hành nhiều lần “giải cứu”.

Năm 2018, Cục chăn nuôi đang cải tiến 2 vấn đề lớn. Trước hết là xây dựng hệ thống quản lý toàn quốc ngành chăn nuôi. Hệ thống này bao gồm thông tin của người chăn nuôi quy mô từ trung bình trở lên, khi tham gia hệ thống quản lý điện toán đám mây, bất cứ lúc nào cũng có thể cập nhật thông tin cơ bản về giá cả thị trường, về số lượng và chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Chương trình sẽ bắt đầu tập huấn từ TP.HCM, Đồng Nai rồi triển khai ra miền Bắc.

Khâu định hướng thị trường sẽ được giải quyết tốt hơn trong năm 2018, nhất là đối với chăn nuôi heo. Ảnh: Nguyên Vỹ

Thứ 2, thay vì trước đây xuất bản mỗi năm 4 bản tin thị trường, năm 2018 Cục Chăn nuôi sẽ xuất bản hàng tháng, chủ yếu là thông tin thị trường và định hướng thị trường cho người chăn nuôi.

“Cục sẽ cung cấp cơ bản đến tất cả các huyện, thị. Các huyện, thị sẽ có trách nhiệm thông tin thông qua đài truyền thanh địa phương đến người dân. Đây là động thái mới đã đề xuất từ 2017 và bắt buộc phải triển khai trong năm 2018”, ông Vân nhấn mạnh.

Với lo ngại về việc nhập khẩu thịt từ nước ngoài ảnh hưởng giá thành và cạnh tranh trực tiếp với ngành chăn nuôi trong nước, ông Vân cho biết năm 2018 sẽ sẽ tiến hành giám sát lại.

Việc tạm nhập tái xuất cũng sẽ được kiểm soát chặc chẽ để không ảnh hưởng đến tình hình chăn nuôi trong nước. Ảnh: Nguyên Vỹ

“Việc tạm nhập tái xuất có ảnh hưởng nhất định đến sản xuất trong nước. Đây là vấn đề nhạy cảm vì Việt Nam có quan hệ với nhiều nước nhưng dù sao vẫn phải kiểm soát chặt để đảm bảo không ảnh hưởng trong nước”, ông Vân chia sẻ.

Đối với sản phẩm thịt nhập khẩu, Cục Chăn nuôi cho rằng đây là một xu thế tất yếu trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế. Việc nhập khẩu trước hết thuộc nhiệm vụ của Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT chỉ tham gia vào vấn đề kiểm soát vệ sinh thú y. Tuy nhiên do tính chất nghiêm trọng của vấn đề nhập khẩu đối với sản phẩm trong nước, trong 2 năm trở lại đây Bộ NNPTNT đã chủ động vào cuộc.

Sản phẩm nhập khẩu vào nước ta có 4 nhóm sản phẩm chính, trong đó thịt gà đã giết mổ là nhiều nhất. Trung bình mỗi năm Việt Nam nhập khoảng 100.000 tấn thịt gà, năm cao điểm có thể lên tới 130.000 – 140.000 tấn. Đại diện Cục chăn nuôi cho rằng, số lượng này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, 5 – 6 % so với tổng lượng gia cầm sản xuất trong nước nên chưa thể điều chỉnh được giá cả thị trường nội địa.

Tương tự, thịt heo đã qua giết mổ vào Việt Nam cũng chỉ vài chục ngàn tấn so với 2,83 triệu tấn trong nước sản xuất. Thịt trâu, bò, dê, cừu đã qua giết mổ cũng chỉ 12% mỗi năm so với sản xuất trong nước.

Nhóm sản phẩm thứ 4 là các loại gia súc chưa qua giết mổ chủ yếu là trâu - bò sống. Số lượng bò Úc vào Việt Nam biến động nhiều theo thị trường, thấp thì 80.000 – 90.000 con/năm, cao nhất 360.000 – 380.000 con/năm. Hầu hết bò Úc đều phải vỗ béo từ 3 – 6 tháng chứ không giết mổ ngay. Số lượng này sẽ bổ sung cho sản phẩm trong nước khi Việt Nam chỉ có khoảng khoảng 5,2 triệu con bò thịt (chiếm 7,8% nhu cầu thịt cả nước).

Triển lãm ILDEX Vietnam 2018 tập trung vào tất cả các lĩnh vực trong ngành chăn nuôi, thủy sản diễn ra từ 14 – 16.03.2018 tại TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

“Chúng ta buộc phải chấp nhận giá thịt cạnh tranh từ các nước đưa vào vì không thể cấm mà chỉ có thể xây dựng hàng rào kỹ thuật cho thật tốt", Cục trưởng Vân chia sẻ.

Ông Vân khẳng định hàng rào kỹ thuật cũng sẽ đưa vào Luật chăn nuôi. Trong trường hợp cần thiết, Bộ NNPTNT sẽ cứ phái đoàn đi kiểm tra thực địa để xem có đảm bảo đúng quy tình mới được nhập khẩu. Hạn sử dụng cũng phải đảm bảo ít nhất còn 6 tháng. Song song đó, Cục chăn nuôi và Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng chăn nuôi trong nước.

Với tiêu chí “Phát triển chăn nuôi theo định hướng khách hàng”, ILDEX Vietnam 2018 sẽ diễn ra từ 14 – 16.3.2018 tại TP.HCM với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Triển lãm thu hút gần 250 doanh nghiệp đến từ 30 quốc gia trên thế giới sẽ mang đến các sản phẩm, công nghệ mới cho sự phát triển của ngành chăn nuôi tham gia trưng bày.

ILDEX Vietnam 2018 tập trung vào tất cả các lĩnh vực trong ngành chăn nuôi như: sức khỏe vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, phụ gia thức ăn chăn nuôi, dinh dưỡng vật nuôi, trang thiết bị vật nuôi, chuồng trại, thức ăn chăn nuôi dạng cám, chế biến thịt… Đặc biệt, khu vực AquaTech là nơi trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, công nghệ tiên tiến thuộc lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản.

Nguyên Vỹ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/se-dung-hang-rao-ky-thuat-that-ran-voi-thit-bo-ga-nhap-khau-853874.html