Sẽ đề nghị thay đổi phương pháp xử lý ô nhiễm tại các sông, hồ

Sau khi có đánh giá kết quả xử lý ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch bằng công nghệ đặt máy sục Nano – Bioreactor của Cty CP Cải thiện môi trường Nhật Việt (JEV), Công ty sẽ báo cáo thành phố để thay đổi nếu như công nghệ này có giá rẻ, chất lượng tốt

Ông Vũ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội

Thông tin này được ông Vũ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Kinh tế nông thôn tại buổi giao ban thông tin báo chí chiều ngày 13/8/2019 do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức.

Sẽ báo cáo để Thành phố xem xét phương án làm sạch môi trường các hồ

Trước đó Thành phố đã sử dụng chế phẩm Redoxy-3C, để xử lý được 87 hồ trong nội thành, kết quả cho thấy các hồ từ chỗ bị ô nhiễm đến nay chỉ tiêu oxy hòa tan tăng trung bình từ 2-3mg/l lên 8-9mg/l. Các chỉ tiêu PH, vi sinh vật, chất thải rắn lơ lửng trong nước đã giảm và đạt chuẩn cho phép.

Lý giải tại sao Hà Nội lựa chọn chế phẩm Redoxy-3C của Đức mà không phải các hóa chất khác ở Việt Nam, đại diện Công ty thoát nước cho biết chế phẩm của Đức ưu việt hơn, được các chuyên gia đánh giá cao trước khi đưa vào thử nghiệm.

Từ ngày 16/5, thành phố Hà Nội đã cho triển khai dự án thí điểm xử lý, làm sạch 300 mét sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản. Theo Công ty CP Cải thiện mội trường Nhật Việt (JVE) - đơn vị triển khai thí điểm dự án, công nghệ sẽ cho kết quả, sau 3 ngày mùi gần như sẽ hết; sau 1 tháng một số chỉ số nước sẽ đạt Quy chuẩn Việt Nam (QCVN 08); Sau 2 tháng (kết thúc dự án thí điểm) thì hầu hết các chỉ số về nước sẽ đạt QCVN08 và bùn ở tầng đáy sẽ bị phân hủy.

Tuy nhiên, sáng 9/7, Công ty thoát nước Hà Nội (Công ty) đã mở một cửa xả từ Hồ Tây, vị trí trên phố Trích Sài, để hạ mực nước mưa mặt hồ này và chống ngập, tạo dòng chảy làm sạch sông Tô Lịch. Việc xả nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch đã cuốn trôi các kết quả đang thử nghiệm tại đây.

Việc xử nước Hồ Tây làm ảnh hưởng đến kết quả thử nghiệm sông Tô Lịch

Phóng viên Báo Kinh tế nông thôn đã đặt câu hỏi với ông Vũ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, về việc nếu sử dụng phương pháp làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ đặt máy sục Nano – Bioreactor hiệu quả hơn, giá thành rẻ hơn phương pháp sử dụng chế phẩm Redoxy-3C thì Công ty có đề nghị Thành phố thay đổi không?

Trả lời câu hỏi này, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, Thành phố luôn luôn tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có đủ điều kiện để tham gia vào các dự án xử lý ô nhiễm môi trường đối với các hồ, sông có trên địa bàn Thủ đô, nếu phương pháp xử lý ô nhiễm môi trường bằng công nghệ đặt máy sục Nano – Bioreactor hiệu quả, giá thành rẻ, tôi nghĩ Thành phố cũng sẽ chọn phương pháp này.

Ông Vũ Tiến Hùng cũng cho biết, để xử lý triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch biện pháp căn cơ nhất vẫn là phải xử lý triệt để nước thải sinh hoạt trực tiếp xả vào sông Tô Lịch và phải xả nước từ Hồ Tây vào để tạo dòng chảy.

Tiến độ các dự án thoát nước chậm do không có kinh phí

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết, hệ thống thoát nước của Hà Nội có khoảng 300km, tuy nhiên, Thành phố mới chỉ có kinh phí để đầu tư xây dựng và cải tạo chỉ đạt 1/3.

Trạm bơm Yên Sở chỉ hoạt động được 02 tổ máy

Các dự án xây dựng trạm bơm tiêu thoát nước trên địa bàn Thành phố như trạm bơm Liên Mạc; trạm bơm Đông Mỹ; trạm bơm Gia Thượng, Cự Khối chưa được đầu tư xây dựng, trạm bơm Yên Nghĩa chỉ vận hành được 02 tổ máy là nguyên nhân chính không đảm bảo đươc việc tiêu thoát nước của Thành phố.

Trong tổng số 18 điểm ngập úng tồn tại nhiều năm, năm 2017 mới chỉ xử lý được 02 điểm đen về ngập úng tại Yên Nghĩa (Hà Đông) và Cổ Linh (Long Biên), còn tồn tại 16 điểm đen nữa sẽ được xử lý trong năm 2018.

Tại buổi họp, nhiều phóng viên băn khoăn rằng, cả năm 2017 Sở Xây dựng mới chỉ xử lý được 02 điểm đen về ngập úng, còn lại 16 điểm chưa xử lý được, nếu tính tốc độ xử lý mỗi năm chỉ được 02 điểm như thế này thì phải mất 9 năm sau mới xử lý hết 16 điểm đen về ngập úng.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội chia sẻ, đúng là tiến độ xử lý còn chậm, tuy nhiên, do Thành phố chưa có kinh phí để thực hiện nên vẫn còn tồn tại 16 điểm ngập úng mỗi khi có mưa lớn trên 200mm.

Sở Xây dựng chỉ là đơn vị tham gia ý kiến cho các chủ đầu tư về quy hoạch

Vấn đề chuyển đổi công năng của các dự án là một trong những nguyên nhân phá nát quy hoạch của Thành phố và cũng là nguyên nhân ngập lụt trên địa bàn mỗi khi có mưa lớn. Đây là câu hỏi được phóng viên Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục đặt ra đối với lãnh đạo sở Xây dựng.

Phso Giám đốc sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết, các chủ đầu tư khi thực hiện dự án xây dựng sở Xây dựng chỉ được tham gia với tư cách là đóng góp cùng các đơn vị khác.

Sở cũng đã có những kiến về việc khi thực hiện các dự án xây dựng phải bảo đảm được các công trình thoát nước, các công trình hạ tầng cơ sở, để bảo đảm khi đưa dự án đó vào hoạt động, vấn đề tiêu thoát phải được đảm bảo.

Phó Trưởng ban tuyên giáo Thành ủy Trần Xuân Hà kết luận hội nghị.

Trên thực tế rất nhiều công trình sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, việc tiêu thoát nước cho chính dự án đó cũng gặp khó khăn sau một thời gian hoạt động. Vấn đề nữa là khi xây dựng xong, chủ đầu tư lại đề nghị Thành phố cho chuyển đổi nên hệ thống ao hồ điều hòa không khí lại bị lấp đi hay thu hẹp lại để xây dựng, vì vậy nước sẽ không só chỗ thoát và gây ra úng ngập cục bộ.

Ngọc Thủy

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/se-de-nghi-thay-doi-phuong-phap-xu-ly-o-nhiem-tai-cac-song-ho-post29892.html