Sẽ công bố nhiều nghiên cứu, phát hiện mới về Hải Thượng Lãn Ông

Ngày 29/7, tại cuộc gặp mặt báo chí thông tin về Hội thảo 'Hải Thượng Lãn Ông - Thân thế, sự nghiệp và tầm ảnh hưởng' sẽ được tổ chức vào ngày 2/8 tới đây, tại Hà Nội, đại diện Bộ Y tế cho biết, Hội thảo sẽ công bố rộng rãi các nghiên cứu, phát hiện mới, các vấn đề liên quan đến thân thế sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Hội thảo được thực hiện trên cơ sở đề nghị phối hợp của UBND tỉnh Hà Tĩnh nhằm triển khai các hoạt động chuẩn bị hồ sơ đề nghị Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - "ông tổ" của ngành y học cổ truyền Việt Nam.

Kết quả hội thảo sẽ được sử dụng để chuẩn bị Hồ sơ khoa học trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đề nghị vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác không chỉ là danh y có cống hiến to lớn cho nền y học dân tộc mà còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng lớn của thời đại, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh công bố rộng rãi các nghiên cứu, phát hiện mới, các vấn đề liên quan đến thân thế sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác như: Đính chính và khẳng định lại năm sinh - năm mất, cuộc đời, sự nghiệp, các mối quan hệ xã hội - lịch sử,… của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; Hội thảo có nhiệm vụ xác định tầm ảnh hưởng của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đối với nền y học, văn hóa, văn học, giáo dục, lịch sử trong nước, khu vực cũng như trên thế giới.

Đồng thời quảng bá rộng rãi về thân thế, sự nghiệp và những đóng góp, cống hiến, tầm ảnh hưởng của giá trị tư tưởng, di sản do Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác để lại đối với nền y học, nền văn hóa trong nước và quốc tế.

Tại buổi họp báo, ông Lê Hữu Khánh (đại diện của dòng họ Lê Hữu ở Hưng Yên, là cháu chín đời của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, đồng thời là nhà nghiên cứu văn hóa Việt cổ) đã đưa ra thông tin đính chính về năm sinh - năm mất và nói rõ lý do tại sao có sự nhầm lẫn giữa năm sinh 1720 và 1724 của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác...

Với sự tham gia của gần 500 đại biểu, Hội thảo "Hải Thượng Lãn Ông - Thân thế, sự nghiệp và tầm ảnh hưởng" tổng hợp và chọn lọc hơn 40 bài tham luận của 40 tác giả là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, nhà sử học, thầy thuốc… trên toàn quốc với đa dạng các chủ đề liên quan đến tầm ảnh hưởng của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đối với nền y học và văn hóa dân tộc.

Các tham luận đáng chú ý như: Góp phần cải chính năm sinh và năm mất của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (tác giả Phạm Quang Ái); Lê Hữu Trác và Hải Thượng y tông tâm lĩnh từ điểm nhìn thế kỷ XXI (tác giả Phó Giáo sư, Tiến sĩ Biện Minh Điền); Kế thừa và phát huy những di sản quý báu của Hải Thượng Lãn Ông tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh (tác giả: Bùi Thị Mai Hương)…

Sau hội thảo, Ban tổ chức sẽ phát động cuộc thi viết về tấm gương y đức của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong toàn ngành y tế (dự kiến bắt đầu từ tháng 10/2022 đến tháng 8/2024).

Đại danh y Lê Hữu Trác hiệu Hải Thượng Lãn Ông sinh ra trong một gia đình có 6 tiến sĩ (quê tại xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Tuy nhiên, cuộc đời ông phần nhiều (từ năm 26 tuổi đến lúc mất) gắn bó với quê mẹ ở thôn Bàu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn), đây cũng là giai đoạn mà ông có duyên nghiệp với nghề Y, hành nghề bốc thuốc và trở thành Đại danh Y của nước ta.

Ông đã đúc kết hàng nghìn bài thuốc hay và phát hiện bổ sung hơn 350 vị thuốc mới để đồng nghiệp đương thời và thế hệ mai sau cùng nghiên cứu, sử dụng.

Cuộc đời của Đại danh Y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc với kiến thức uyên thâm, tinh thần trách nhiệm cao cả trong nghề nghiệp; Lòng nhẫn nại, tận tâm, đức hy sinh và lòng thương yêu người bệnh vô bờ bến. Ông xứng đáng là người đã dựng 'ngọn cờ đỏ thắm' trong nền y học nước nhà, là tấm gương sáng chói về Y đức, Y thuật và y đạo cho đời sau noi theo.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác không những là một nhà y dược học vĩ đại mà còn là nhà thơ, nhà văn xuất sắc, nhà tư tưởng tiến bộ, có tinh thần nhân đạo sâu sắc.

Sau khi mất, ông được nhân dân và giới y học cả nước suy tôn là bậc "Y thánh của Việt Nam".

TTXVN/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/se-cong-bo-nhieu-nghien-cuu-phat-hien-moi-ve-hai-thuong-lan-ong-20220729141232805.htm