Sẽ có thước đo mức độ hỗ trợ doanh nghiệp

Trong tháng 4 này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo Chính phủ Đề án xây dựng Chỉ số Đánh giá mức độ hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. 'Đây là một trong những thước đo quan trọng nhằm đánh giá, xếp hạng mức độ hỗ trợ doanh nghiệp của các cơ quan quản lý nhà nước', TS. Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp (Tổng cục Thống kê) cho biết.

Hiện đã có Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Đánh giá hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các bộ ngành (MEI). Thưa ông, Chỉ số Đánh giá mức độ hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp được xây dựng nhằm mục đích gì?

PCI và MEI là chỉ số đo đầu vào liên quan đến chủ trương, chính sách vĩ mô trong việc hỗ trợ doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương. Chỉ số Đánh giá mức độ hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp chính là thước đo hiệu quả của đầu ra. Đầu vào có thể tốt, xếp hạng PCI của địa phương nào đó liên tục tăng, nhưng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp không cải thiện thì phải xem lại cách thức hỗ trợ đầu vào. Vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Chỉ số Đánh giá mức độ hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

TS. Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp (Tổng cục Thống kê).

Nhìn vào MEI và PCI sẽ biết được mức độ cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các bộ, ngành, địa phương, còn nhìn vào Chỉ số Đánh giá mức độ hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp sẽ biết được điều gì?

MEI và PCI đo lường mức độ cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh dựa trên đánh giá cảm nhận của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, thông qua khảo sát hàng năm do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện. Hai chỉ số này cho các bộ, ngành, địa phương biết được hiện còn những nhân tố nào đang cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách mới; thay đổi cách thức quản lý nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.

Còn Chỉ số Đánh giá mức độ hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp được thực hiện trên kết quả điều tra thực tế tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động do Tổng cục Thống kê thực hiện; và từ số liệu, dữ liệu sẵn có của nhiều cơ quan như thuế, hải quan, kho bạc, bảo hiểm xã hội và hệ thống ngân hàng. Vì vậy, Chỉ số chỉ ra cho cơ quan quản lý nhà nước bức tranh tổng thể về hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung; hiệu quả hoạt động của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương nói riêng, từ đó đưa ra các chính sách phù hợp hỗ trợ nhằm phát triển doanh nghiệp.

Chính vì vậy, kết luận về Đề án xây dựng Chỉ số Đánh giá mức độ hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp vào trung tuần tháng 3/2018, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý Ban soạn thảo Đề án bổ sung tiêu chí đánh giá về tình hình phát triển doanh nghiệp của từng địa phương và của cả nước; tiêu chí đánh giá về chất lượng phát triển doanh nghiệp.

Sau khi được bổ sung tiêu chí, theo ông, Chỉ số Đánh giá mức độ hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp sẽ giúp gì cho công tác quản lý nhà nước?

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến đầu năm 2017, cả nước có khoảng 505.100 doanh nghiệp đang hoạt động. Bình quân giai đoạn 2010-2016, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tăng 10,4%, trong đó có những địa phương tăng rất cao như Bắc Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hưng Yên; ngược lại có những địa phương tăng rất thấp như Bắc Cạn, Thừa Thiên-Huế, Lai Châu.

Trong giai đoạn này, doanh nghiệp thu hút thêm 6,1% lao động/năm, nhưng tập trung ở khu vực công nghiệp (chiếm trên 51% tổng số lao động tăng thêm), đặc biệt là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (mỗi năm thu hút thêm 11,5% lao động).

Giai đoạn 2010-2016, doanh thu của khu vực doanh nghiệp đạt 15,7%/năm, trong đó có những tỉnh đạt rất cao như Bắc Ninh, Đắk Nông, Bắc Giang, Quảng Nam, Hòa Bình, Hà Nam, Bạc Liêu…; ngược lại, có những địa phương tăng rất thấp.

Bình quân giai đoạn này, lợi nhuận của khu vực doanh nghiệp tăng 12,3%/năm, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 14,7%/năm; dịch vụ tăng 9,6%/năm; còn nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 10,9%/năm. Khu vực doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách nhà nước tăng 14,8%/năm, khu vực dân doanh tăng 17%/năm, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng gần 17%/năm, trong khi khu vực nhà nước chỉ tăng 10,4%/năm.

Chỉ nhìn vào mấy chỉ số nêu trên, từng địa phương sẽ biết cách hỗ trợ khu vực doanh nghiệp nào, lĩnh vực nào, ngành nghề nào… tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Từ chỉ số này, doanh nghiệp sẽ lựa chọn những địa phương, ngành nghề, lĩnh vực có doanh thu cao, lợi nhuận cao hơn ngành nghề khác, lĩnh vực khác, địa bàn khác. Còn hệ thống ngân hàng cũng coi chỉ số này là một trong những căn cứ để cho vay đối với những ngành nghề, lĩnh vực mà doanh nghiệp có lợi nhuận cao, doanh thu cao; mức độ rủi ro thấp.

Muốn phát triển và nâng cao chất lượng doanh nghiệp thì phải có chính sách hỗ trợ, vấn đề là lấy tiền đâu để hỗ trợ, thưa ông?

Có rất nhiều nguồn để hỗ trợ phát triển và nâng cao chất lượng doanh nghiệp như nguồn từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, nguồn vốn từ tín dụng nhà nước… Ngoài nguồn tài chính, còn nhiều chính sách hỗ trợ khác như hỗ trợ mặt bằng sản xuất, tiếp cận tín dụng, công nghệ, thị trường, nguồn nhân lực… Các địa phương có thể coi chỉ số trên là kim chỉ nam để thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng, đúng liều lượng, đúng mục đích, đúng thời điểm, thay vì hỗ trợ tràn lan khiến hiệu quả đạt được không cao như hiện nay.

Mạnh Bôn

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/se-co-thuoc-do-muc-do-ho-tro-doanh-nghiep-d79957.html