Sẽ có thêm nhiều khoản nợ xấu mới tại VAMC

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các khoản nợ xấu có nguy cơ 'phình to' tại các tổ chức tín dụng, bắt buộc các ngân hàng phải 'gửi' tạm nợ xấu tại VAMC.

Tốc độ xử lý nợ xấu cũ chậm lại, nợ xấu mới tăng nhanh hơn (Ảnh minh họa: Internet)

Tốc độ xử lý nợ xấu cũ chậm lại, nợ xấu mới tăng nhanh hơn (Ảnh minh họa: Internet)

Do các ngân hàng thực hiện hàng loạt giải pháp hỗ trợ người vay với tổng quy mô gói tín dụng lên tới 600.000 tỷ đồng, đồng nghĩa với nguy cơ gia tăng nợ xấu. Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cổ phần ước đoán nợ xấu năm nay sẽ tăng thêm 0,5-1%, tùy mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh

Nợ xấu tăng vì Covid-19

Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, trường hợp dịch bệnh được kiểm soát trong quý I, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, đã bán cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ đã phân loại sẽ ở mức 2,9-3,2% vào cuối quý II và 2,6-3% vào cuối năm 2020.

Trường hợp dịch được kiểm soát trong quý II, tỷ lệ này sẽ tăng lên 4% và 3,7% tương ứng cuối quý II và cuối năm nay. "Thậm chí, nợ xấu có thể cao hơn, ảnh hưởng đến tiến độ cơ cấu, xử lý của các ngân hàng và khả năng phục hồi các nhà băng yếu kém", báo cáo của NHNN nêu.

Đánh giá sơ bộ của cơ quan này cho thấy khoảng 2 triệu tỷ đồng (23% dư nợ tín dụng) tiềm ẩn rủi ro. Trong đó, một số ngành chịu ảnh hưởng lớn như công nghiệp chế biến, chế tạo là 520.000 tỷ đồng (6,3% dư nợ nền kinh tế); nông, lâm, thủy sản khoảng 157.000 tỷ đồng; khai khoáng: 45.000 tỷ đồng...

Báo cáo tài chính quý I/2020 của các nhà băng đã phần nào phản ánh mảng tối này. Kết thúc 3 tháng đầu năm, nợ xấu nội bảng của Sacombank ở mức 6.046 tỷ đồng, tăng hơn 300 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,94% lên 1,97%.

Tại Saigonbank, nợ xấu nội bảng đã tăng tới 95% trong 3 tháng đầu năm 2020 lên 377 tỷ đồng theo báo cáo tài chính quý I, chủ yếu do nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của Saigonbank tăng mạnh từ 1,96% lên 2,65%.

Đáng chú ý, tại VietinBank, nợ dưới tiêu chuẩn tăng gấp 5 lần từ mức 2.060 tỷ đồng lên 9.700 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này nhảy vọt từ 1,16% lên 1,83%.

Còn ở MB, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn tăng lần lượt hơn 90% và 47%, đưa tỷ lệ nợ xấu lên 1,62%. Nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ của TPBank cũng đều tăng hơn 60%.

Công khai các khoản nợ

Trước tình hình nợ xấu đang tăng lên, VAMC cho biết trong năm nay sẽ gia tăng mua nợ xấu tại các tổ chức tín dụng.

Theo báo cáo mới công bố, dư nợ gốc VAMC đã xử lý năm ngoái khoảng 69.780 tỷ đồng. Công ty đã mua 381 khoản nợ xấu của 9 tổ chức tín dụng bằng trái phiếu đặc biệt. Tổng dư nợ gốc nội bảng hơn 20.500 tỷ đồng, trong khi giá mua nợ xấp xỉ 19.850 tỷ đồng.

VAMC còn mua 37 khoản nợ theo giá trị thị trường và giúp các tổ chức tín dụng xử lý hơn 2.130 tỷ đồng nợ xấu.

Ban lãnh đạo công ty cho biết sắp tới sẽ tập trung mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt của các tổ chức tín dụng yếu kém, có thể gây rủi ro cho hệ thống, các tổ chức có tỷ lệ nợ xấu trên 3%.

Mục tiêu năm nay là xử lý 50.000 tỷ đồng dư nợ gốc, mua 5.000 tỷ đồng dư nợ xấu theo giá trị thị trường và 15.000 tỷ đồng phát hành trái phiếu đặc biệt.

Bên cạnh đó, tập trung thực hiện mua theo giá trị thị trường đối với các khoản nợ xấu đã được VAMC mua bằng trái phiếu đặc biệt. Đồng thời, rà soát danh sách các khoản nợ đang hạch toán nội, ngoại bảng tại tổ chức tín dụng, lựa chọn các khoản nợ có tính khả thi trong việc xử lý sau khi mua để có cơ sở đề xuất thực hiện mua khoản nợ theo giá thị trường.

VAMC dự kiến trình Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền duyệt tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn và nâng cao năng lực tài chính để mua nợ xấu theo giá thị trường. Công ty cũng xúc tiến việc thành lập sàn giao dịch nợ VAMC nhằm quản lý, khai thác thông tin về các khoản nợ.

Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết, hiện nay, thị trường mua bán nợ xấu ở Việt Nam chưa hình thành rõ nét. Chưa có hàng hóa, người mua và người bán được công khai minh bạch.

Dẫu vậy, VAMC đã phân loại nợ xấu đến 30 tỷ đồng trở lên về hiện trạng và đưa ra phương án xử lý phù hợp.

“Trước đây, những doanh nghiệp có điều kiện kinh doanh mua bán nợ phải được cấp phép, nhưng thực hiện Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu thì tất cả tổ chức, cá nhân có tiềm lực và quan tâm đến nợ xấu sẽ được mua nợ từ VAMC và tổ chức tín dụng. Chúng tôi sẽ đưa tất cả thông tin khoản nợ xấu, tài khoản nợ xấu lên mạng. Đó là tiền đề cho việc triển khai thị trường mua bán nợ xấu ở Việt Nam”, ông Đông cho hay.

Ngoài ra, VAMC sẽ đẩy mạnh công tác xử lý nợ, phát triển thị trường mua bán nợ, thiết lập, vận hành Sàn giao dịch VAMC; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nội bộ; hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, cơ cấu tổ chức bộ máy, đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ.

Thanh Hoa

Theo TBKD

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/se-co-them-nhieu-khoan-no-xau-moi-tai-vamc-20180504224239301.htm