Sẽ có quy trình giám định đặc thù đối với các vụ xâm hại trẻ em

Gửi ý kiến đến Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Quảng Nam đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật liên quan đến trẻ em cho đầy đủ, góp phần bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.

Theo ý kiến của cử tri, hệ thống pháp luật liên quan đến trẻ em nói chung, bảo vệ trẻ em nói riêng vẫn còn nhiều khoảng trống như: Thiếu quy trình tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em kịp thời (điều tra, giám định pháp y); việc nhận diện những vấn đề mới về trẻ em trong pháp luật (xâm hại tình dục, dâm ô đối với trẻ em, lao động trẻ em…) thiếu cụ thể, pháp luật hình sự bỏ sót hành vi cấm tàng trữ ấn phẩm khiêu dâm trẻ em, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xâm hại trẻ em chưa đủ tính răn đe.

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí từ ngân sách Trung ương đến địa phương cho công tác bảo vệ trẻ em còn thấp (so với quy mô số lượng trẻ em), chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động theo quy định của pháp luật, mục chi cho trẻ em chưa được quy định riêng nên có sự chênh lệch về bố trí kinh phí tại các địa phương.

Từ năm 2017, Trung ương hỗ trợ kinh phí triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020 để triển khai thực hiện dự án phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em và hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Tuy nhiên, tại Thông tư số 98/2017/TT-BTC ngày 29/9/2017 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020 thì mức chi và nội dung chi cho các đối tượng (tiền ăn, tiền lập hồ sơ, tiền cho cán bộ cơ sở đi tư vấn…) còn rất thấp.

Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời cử tri tỉnh Quảng Nam như sau:

Kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Nam nêu cũng chính là một số tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ trẻ em nói chung, thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng đã được các Bộ, ngành, Chính phủ tổng hợp, báo cáo Quốc hội trong quá trình Quốc hội thực hiện giám sát tối cao về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Ngày 19/6/2020, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 121/2020/QH14 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, trong đó xác định các giải pháp chủ yếu của Quốc hội và giao nhiệm vụ cụ thể cho Chính phủ nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên.

Nghị quyết xác định Quốc hội tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em; giao nhiệm vụ cho Chính phủ rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật có liên quan đến trẻ em, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là thành viên; yêu cầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an ban hành quy định về điều tra thân thiện trong các vụ án xâm hại trẻ em, đẩy mạnh triển khai mô hình “Phòng điều tra thân thiện” tại Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em cho điều tra viên; chỉ đạo Bộ Y tế trong năm2020 ban hành quy trình giám định đặc thù đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em.

Quốc hội yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong năm2020, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch về công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em. Nghị quyết yêu cầu Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, nhất là các quy định của Bộ luật Hình sự liên quan đến hành vi xâm hại trẻ em có vướng mắc qua tổng kết thực tiễn xét xử; bảo đảm xét xử kịp thời, đúng người, đúng tội, áp dụng hình phạt nghiêm minh với người phạm tội xâm hại trẻ em; bảo đảm yêu cầu xét xử thân thiện, tiếp tục triển khai việc thành lập Tòa Gia đình và người chưa thành niên theo quy định.

Để bảo đảm nguồn kinh phí cho công tác bảo vệ trẻ em, Nghị quyết yêu cầu Chính phủ bố trí kinh phí phù hợp cho công tác bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng.

Để tiếp tục duy trì, củng cố, phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020, hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội, trong đó có nội dung phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em giai đoạn 2021 - 2025. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng nội dung chi và mức chi phù hợp đối với các hoạt động bảo vệ trẻ em.

Thực hiện Nghị quyết, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang chủ trì xây dựng kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, trong đó sẽ giao nhiệm vụ cho từng Bộ, ngành liên quan thực hiện các hoạt động cụ thể nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, góp phần bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/se-co-quy-trinh-giam-dinh-dac-thu-doi-voi-cac-vu-xam-hai-tre-em/409998.vgp