Sẽ có nhà ở xã hội với giá bán khoảng 15 triệu đồng/m2

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 6-11, giá nhà ở xã hội, việc triển khai mạng 5G hay mạng xã hội 'make in Việt Nam'... là những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn các thành viên Chính phủ.

Sẽ có nhà ở xã hội với giá bán khoảng 15 triệu đồng/m2

Là người đầu tiên đăng đàn, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) nêu câu hỏi chất vấn về những giải pháp cho người dân tiếp cận nhà ở thu nhập thấp giai đoạn 2021-2026.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận nhu cầu về nhà ở xã hội ở nước ta luôn rất lớn. Đến năm 2020, cả nước cần khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội. Để giải quyết vấn đề này, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người dân. Theo đó, nhà nước có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, như miễn giảm tiền thuê đất, một số loại thuế, trợ giúp đầu tư hạ tầng cho các dự án nhà ở xã hội… Còn người mua cũng được hỗ trợ lãi suất cho vay để mua nhà ở xã hội.

Bộ trưởng cho biết, đến nay chúng ta đã xây được 5,2 triệu m2 nhà ở xã hội cho người dân, trong đó cho người thu nhập thấp ở đô thị là 2,8 triệu m2 và công nhân ở khu công nghiệp là 2,3 triệu m2. Người đứng đầu ngành xây dựng cho rằng đây là các kết quả tích cực, song vẫn còn thấp so với yêu cầu, mới đáp ứng 41,5% nhu cầu về nhà ở xã hội.

 Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn các đại biểu. Ảnh: VPQH

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn các đại biểu. Ảnh: VPQH

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng vướng mắc lớn nhất dẫn đến thiếu nguồn cung xã hội do cơ chế chính sách chưa đủ mạnh để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này, thủ tục đầu tư, phê duyệt, giá bán, đối tượng mua nhà còn nhiều bất cập và đặc biệt là thiếu nguồn vốn ngân sách hỗ trợ người mua nhà...

“Theo yêu cầu chúng ta phải dành 9.000 tỉ đồng ngân sách để hỗ trợ, nhưng hiện nay mới bố trí được khoảng 4.000 tỉ đồng”, Bộ trưởng thông tin. Cùng với đó, các địa phương cũng chưa bố trí đủ quỹ đất cho nhà ở xã hội, chưa quan tâm xây dựng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chưa quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tham gia vào nhà ở xã hội.

Về giải pháp, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết Chính phủ đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định về diện tích tối thiểu là 45m2. Đây là các điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư bố trí căn hộ nói chung và căn hộ nhà ở xã hội trong các dự án của mình ở khu vực đô thị.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh việc rà soát, bổ sung các loại quy hoạch, nhất là quy hoạch 1/500 tại các đô thị để cấp phép các dự án nhà ở xã hội tại các đô thị. Cùng với đó, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đề nghị các địa phương bố trí đủ quỹ đất cho các dự án; tiếp tục tăng cường đầu tư hạ tầng, kết nối khu nhà ở xã hội với các khu vực khác của đô thị.

“Tới đây sẽ sửa đổi căn bản Nghị định 100 để tạo các chính sách đột phá hơn nữa, thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp đầu tư; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về lãi suất cho người dân để vay mua nhà ở xã hội. Chúng tôi đang báo cáo với Chính phủ có chính sách để hỗ trợ những nhà ở dành cho người thu nhập thấp có diện tích nhỏ hơn 70m2 và có giá bán khoảng 15 triệu đồng/m2”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng thông tin.

Mạng 5G sẽ được triển khai diện rộng từ năm 2021, sẽ có thiết bị 5G Việt Nam giá rẻ

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông làm rõ những giải pháp, phương án trong việc xây dựng, phát triển hạ tầng mạng viễn thông 5G tại Việt Nam. Theo đại biểu Lân Hiếu, hiện nay nhiều nước trên thế giới đã đầu tư, áp dụng mạng 5G. Đặc biệt, Trung Quốc đã đầu tư 200 triệu USD để xây dựng hạ tầng mạng viễn thông này. Đại biểu băn khoăn rằng liệu việc triển khai mạng 5G tại Việt Nam có phải đã chậm trễ và Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp, phương án nào để mạng 5G phát huy hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) nêu câu hỏi chất vấn. Ảnh: VPQH

Trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu rằng liệu việc triển khai mạng 5G của nước ta có chậm trễ hay không, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định “không chậm”. Cụ thể, 2019, Việt Nam thử nghiệm kỹ thuật, 2020 thử nghiệm thương mại (bắt đầu kinh doanh có thu phí) và năm 2021 sẽ triển khai diện rộng.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết thêm, trong lịch sử, mạng 2G Việt Nam đi cùng nhịp với thế giới và lọt vào top cao của thế giới. Đến 3G, 4G, Việt Nam chậm chân hơn từ 7 đến 8 năm và xếp hạng 108 vào năm 2017, đến năm nay mới lên hạng 77.

Nói rõ về việc triển khai mạng 5G có tốn kém hay không, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Việt Nam triển khai mạng viễn thông 5G theo pha, với pha 1 ở các thành phố lớn, trung tâm đông người, khu công nghiệp và trung tâm nghiên cứu của các trường đại học. Chi phí không lớn vì dựa trên 70% hạ tầng đã có của 4G, gồm nhà trạm, cột ăng ten, truyền dẫn.

Cũng theo Bộ trưởng, chúng ta làm 5G thì sẽ tắt 2G, 3G để giảm chi phí khai thác cho các nhà mạng. Đáng chú ý là, khi triển khai diện rộng 5G, chúng ta sẽ có thiết bị 5G Việt Nam, chắc chắn chất lượng tốt, giá rẻ hơn và tiết kiệm chi phí cho nhà mạng.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn các đại biểu. Ảnh: VPQH

Ở góc độ khác, trả lời đại biểu về mạng xã hội “make in Việt Nam”, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong 2 năm gần đây, mạng xã hội Việt Nam có sự phát triển bứt phá. Năm 2018, các mạng xã hội Việt Nam đạt 47 triệu tài khoản, đến nay con số đã là 96 triệu.

“Thời gian qua, có nhiều mạng xã hội mới ra đời. Chúng ta đã cấp phép cho hơn 800 mạng xã hội Việt Nam, tập trung chủ yếu ở thị trường ngách. Các mạng xã hội Việt Nam đều được xây dựng từ nguồn vốn của doanh nghiệp tư nhân, theo cơ chế thị trường và không sử dụng ngân sách Nhà nước. Bộ Thông tin và Truyền thông có vai trò hỗ trợ về truyền thông, tháo gỡ cơ chế chính sách. “Các mạng xã hội đánh vào thị trường ngách thì có 5-10 triệu tài khoản là cao rồi”, Bộ trưởng Hùng nói.

Thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh các mạng xã hội trong nước theo hướng chiếm lĩnh các thị trường ngách và đặc biệt là các mạng xã hội thế hệ mới với 4 đặc điểm khác biệt với Facebook. Cụ thể là, chia sẻ doanh thu với người dùng; có công cụ chọn lọc ngay từ đầu, bảo đảm nền tảng sạch; công khai thuật toán với người dùng; cho phép phát triển các nền tảng con trên nền tảng mẹ để có thể phát triển nhiều cộng đồng nhỏ mang tính văn hóa riêng biệt...

“Việt Nam là một trong số không nhiều nước trên thế giới có các mạng xã hội nội địa tương đương với mạng xã hội nước ngoài”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/se-co-nha-o-xa-hoi-voi-gia-ban-khoang-15-trieu-dong-m2-643096