Sẽ có hướng mở đối với những giáo viên hợp đồng lâu năm

Sau Sóc Sơn, hơn 100 giáo viên mầm non tại huyện Mỹ Đức đã gửi đơn kiến nghị đến Báo CAND. Theo các giáo viên này, nếu không được ưu tiên do đã có nhiều năm cống hiến thì họ sẽ không thể cạnh tranh được với các sinh viên trẻ mới ra trường về trình độ ngoại ngữ và tin học. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, họ đang 'đứng giữa ngã ba đường' vì có nguy cơ mất việc làm.

Từ câu chuyện của 265 giáo viên hợp đồng tại Sóc Sơn đến “tâm thư” của 107 giáo viên mầm non tại Mỹ Đức cho thấy, giải quyết chế độ chính sách đối với giáo viên hợp đồng như thế nào để đảm bảo “thấu tình, đạt lý” là bài toán không dễ. Và Hà Nội đang nỗ lực để từng bước tháo gỡ vấn đề này.

Hơn 100 giáo viên mầm non tại Mỹ Đức gửi tâm thư “kêu cứu”

Sau khi nhận được đơn kiến nghị của hơn 100 giáo viên mầm non tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội) gửi Báo CAND, chúng tôi đã về địa phương để tìm hiểu sự tình và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của giáo viên nơi đây.

Giáo viên mầm non tại huyện Mỹ Đức chia sẻ thông tin với phóng viên Báo CAND.

Giáo viên mầm non tại huyện Mỹ Đức chia sẻ thông tin với phóng viên Báo CAND.

Chia sẻ với phóng viên, cô Nguyễn Thị Tuyết, Trường Mầm non Hồng Sơn, Mỹ Đức nghẹn ngào nói trong nước mắt: “Phần lớn giáo viên chúng tôi, người ít cũng đã gắn bó 7-8 năm, người nhiều thì cũng hơn 10 năm gắn bó với nghề. Với mức lương quá hạn hẹp, không đủ trang trải cuộc sống, trong khi nhiều giáo viên đã quyết định bỏ nghề thì chúng tôi vẫn quyết tâm bám trụ bằng tất cả tình yêu đối với nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn. Bây giờ bỗng nhiên yêu cầu chúng tôi phải ký cam kết nếu thi không đỗ, phải chấm dứt hợp đồng thì đau đớn quá. Nếu chúng tôi thi không đỗ, bị mất việc thì chúng tôi biết xoay xở ra sao khi mà đằng sau chúng tôi còn có cả một gia đình và rất nhiều người trong chúng tôi là trụ cột”.

Cô Tuyết và nhiều giáo viên khác đề nghị thành phố xem xét có chế độ ưu tiên đối với giáo viên hợp đồng như cộng điểm theo thâm niên công tác và miễn thi môn ngoại ngữ, tin học. Trong trường hợp nếu vẫn phải giữ hình thức thi như hiện nay, rất nhiều giáo viên hợp đồng sẽ không tham gia thi tuyển vì chưa thi đã biết mình sẽ trượt. Đồng thời, các giáo viên cũng đề nghị Phòng Nội vụ huyện Mỹ Đức phải rút cam kết yêu cầu giáo viên ký sẽ chấm dứt hợp đồng lao động nếu thi không đỗ.

Cô Dương Thị Hằng, Trường Mầm non An Phú chia sẻ: Hiện nay toàn bộ 26 trường mầm non của huyện Mỹ Đức không có trường nào đưa tiếng Anh vào giảng dạy trong chương trình nên việc thi ngoại ngữ là hình thức, “gây khó” cho giáo viên hợp đồng, đẩy các giáo viên hợp đồng vào cuộc đua không cân sức với sinh viên trẻ mới ra trường.

Theo đề nghị của cô Hằng, thành phố nên nghiên cứu, xem xét ưu tiên cho giáo viên hợp đồng lâu năm sẽ được đặc cách vòng 1, chỉ thi vòng 2 là vòng chuyên môn nghiệp vụ. Đặc biệt, không thi phỏng vấn ở vòng 2 để tránh tiêu cực, vì từ trước đến nay, vòng phỏng vấn không được ghi âm, ghi hình, không được phúc khảo, nên hội đồng thi có thể “tự tung tự tác”, rất nhiều người có chuyên môn, nghiệp vụ tốt nhưng vẫn thi trượt mà không hiểu vì sao.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Mai Văn Công, Trưởng phòng Nội vụ huyện Mỹ Đức cho biết: Trong cuộc họp với Sở Nội vụ Hà Nội mới đây, lãnh đạo huyện Mỹ Đức đã đề nghị thành phố xem xét có chế độ ưu tiên đối với các giáo viên hợp đồng đã có nhiều năm cống hiến cho ngành Giáo dục địa phương.

Ông Mai Văn Công cũng khẳng định, mục đích chính của việc Phòng Nội vụ cho giáo viên ký bản cam kết là để nhà trường quan tâm, bố trí lịch dạy hợp lý để tạo điều kiện cho giáo viên ôn thi nhưng khi giáo viên đề xuất không ký vào bản cam kết này thì Phòng cũng đã thông báo tạm dừng, đồng ý giáo viên không phải ký cam kết nữa.

Cần tính tới yếu tố đặc thù trong tuyển dụng

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Sở Nội vụ Hà Nội, số giáo viên hợp đồng do “lịch sử để lại” tại 20 quận, huyện trên toàn thành phố hiện rơi vào khoảng 2.700 người. Và để giải quyết chế độ chính sách cho 2.700 con người này, đòi hỏi thành phố phải đưa ra được các giải pháp “thấu tình, đạt lý”, vừa tuyển được giáo viên có chất lượng nhưng vẫn đảm bảo an sinh xã hội.

Tại buổi khai mạc HĐND thành phố Hà Nội kỳ họp thứ tám (kỳ họp bất thường) ngày 9-4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Hiện UBND TP Hà Nội đang chỉ đạo tất cả các quận huyện rà soát lại thực trạng số giáo viên đã đang nằm trong hợp đồng sẽ phải thi tuyển trong đợt này.

Theo kết quả báo cáo của các quận huyện, Sở Nội vụ, Hà Nội có một số lượng giáo viên đã được hợp đồng 15 năm, thậm chí hơn 20 năm có kinh nghiệm giảng dạy tốt. Trên cơ sở đánh giá thực tiễn này, thành phố sẽ họp báo cáo Ban Thường trực Thành ủy và Ban chỉ đạo thành phố để đưa ra phương án tối ưu nhất. "Rất có thể chúng tôi sẽ đưa ra phương án vừa xét tuyển, vừa thi tuyển để làm sao đưa được số giáo viên có kinh nghiệm đã làm tốt, để họ đảm bảo cuộc sống và công việc"- lãnh đạo TP Hà Nội cho hay.

Chia sẻ thêm với phóng viên về vấn đề này, TS Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam cho rằng: Đối với sinh viên mới ra trường, thành phố vẫn cho thi tuyển theo tinh thần của Nghị định mới. Riêng đối với giáo viên hợp đồng lâu năm đã cống hiến cả tuổi trẻ cho ngành Giáo dục địa phương, cần rà soát lại để có hình thức thi hoặc xét tuyển phù hợp bởi hai đối tượng này không cùng trên một mặt bằng, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ và công nghệ thông tin.

Trong đó, nên tập trung ưu tiên đối với các giáo viên có chất lượng tốt, giáo viên công tác lâu năm và có hoàn cảnh khó khăn. “Việc một số quận huyện để giáo viên thuộc diện hợp đồng tới 20 năm là không đúng với quy định của pháp luật, là chưa làm tròn trách nhiệm đối với giáo viên hợp đồng tại địa phương mình. Do vậy, việc xét đặc cách đối với các giáo viên có thời gian công tác từ 15 đến 20 năm cũng là phù hợp. Riêng đối với giáo viên có thời gian công tác trên dưới 10 năm, nếu vẫn phải thi tuyển thì cũng nên có những ưu tiên nhất định như cộng điểm cho giáo viên theo thâm niên công tác, miễn thi môn ngoại ngữ, tin học đối với một số giáo viên đã lớn tuổi. Đặc biệt, đối với các giáo viên hợp đồng không trúng tuyển trong đợt thi viên chức, cần tiếp tục bố trí họ vào các vị trí công tác khác đang còn thiếu, tiếp tục bồi dưỡng để họ yên tâm công tác và cống hiến”- ông Đức nhấn mạnh.

Ông Đức cho rằng, giải pháp về lâu dài cần tính tới là kiến nghị Chính phủ khi thực hiện Luật Viên chức cần tính tới đặc thù của nghề giáo, không nên áp dụng chung giống như hợp đồng lao động thông thường vì đánh đồng là bất cập.

Cùng với đó, nên thống nhất về một đầu mối theo hướng nhân lực ngành Giáo dục phải do ngành Giáo dục quản lý, tuyển dụng, tránh tình trạng tréo ngoe như hiện nay là ngành Giáo dục chịu trách nhiệm về chất lượng, về chương trình đào tạo nhưng một trong những yếu tố quyết định chất lượng là tuyển dụng giáo viên lại do ngành Nội vụ thực hiện.

Huyền Thanh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/se-co-huong-mo-doi-voi-nhung-giao-vien-hop-dong-lau-nam-540549/