Sẽ có cuộc 'lật đổ' khi Amazon.com chính thức vào thị trường Việt Nam?

Thông tin Amazon chính thức vào Việt Nam thông qua kí kết hợp tác với Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương đang khiến dư luận rất quan tâm. Trên thực tế, những lời đồn về việc Amazon thương mại điện tử (TMĐT) vào Việt Nam đã râm ran từ cuối năm 2017…

Amazon đã chính thức đặt quan hệ hợp tác tại Việt Nam (nguồn: Internet).

Bước đầu là cầu nối doanh nghiệp…

Theo thông tin từ Cục Xúc tiến thương mại, việc hợp tác với Amazon được triển khai trực tiếp với bộ phận Amazon Global Selling (bộ phận bán hàng toàn cầu). Bộ phận này, với nhiệm vụ hoạt động thường xuyên là đi mở rộng các thị trường cung ứng hàng hóa cho sàn TMĐT Amazon.com.

Việc tương tự như thế, cách đây hơn 2 năm về trước vào tháng 10.2017, cũng đã được một “ông lớn” TMĐT khác là Alibaba triển khai tại Việt Nam, thông qua kí kết thỏa thuận hợp tác với một doanh nghiệp Việt là Novaon để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa thông qua sàn TMĐT Alibaba.

Bằng việc hợp tác với Amazon Global Selling, các doanh nghiệp Việt Nam có thể cung ứng hàng hóa trên sàn Amazon.com qua đó có thể tiếp cận hơn 300 triệu tài khoản người dùng Amazon trên toàn cầu thường xuyên mua hàng qua sàn TMĐT này. Đó cũng là một kênh quan trọng để quảng bá và xuất khẩu hàng Việt ra “biển lớn” của doanh nghiệp Việt.

Phía Amazon cho biết, bước đầu sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam để tiếp cận thị trường thế giới cũng như xây dựng thương hiệu trên Amazon.com. Tất nhiên đi kèm theo là các khóa tập huấn, hội nghị v.v… để cập nhật những kĩ năng bán hàng cũng như các nghiệp vụ khác cho doanh nghiệp Việt.

… tiếp theo là cung cấp dịch vụ đầy đủ

Giữa hai “ông lớn” TMĐT toàn cầu là Alibaba và Amazon thì cách thức tiếp cận cũng như xâm nhập vào thị trường Việt Nam và Đông Nam Á không có nhiều khác biệt. Cũng là bước đầu tạo cầu nối cho doanh nghiệp Việt cung ứng hàng hóa và bán hàng thông qua sàn; cung cấp các khóa đào tạo, huấn luyện về nghiệp vụ kinh doanh và cách bán hàng trên sàn TMĐT; tiếp đến là cung cấp dịch vụ bán hàng chính thức thông qua sàn TMĐT…

Chỉ khác là với Alibaba việc bán hàng chính thức vào Việt Nam thông qua sàn Lazada mà họ đã bỏ ra hàng tỉ USD để thâu tóm gần như toàn bộ. Và hiện nay, Lazada đang ngự trị ở vị trí số 1 các sàn TMĐT tại Việt Nam.

Chưa rõ Amazon sẽ cung cấp dịch vụ đầy đủ tại Việt Nam thông qua đối tác hay tự thân họ thực hiện, nhưng con đường tất yếu là sẽ bán hàng vào Việt Nam như cách họ đã bắt đầu tại Singapore từ thời điểm tháng 6.2017 và sau đó cung cấp đầy đủ các dịch vụ.

Một trong những dịch vụ của Amazon là Prime Now (nguồn: Internet).

Có thể thấy rõ là Amazon đã chậm chân hơn Alibaba tại thị trường Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, Amazon lại có lượng khách hàng không nhỏ trung thành với sàn này.

Khách quan mà nói, nếu trên sàn Alibaba thứ gì cũng có trong đó có rất nhiều thứ mức giá rẻ đến khó tin thì Amazon ghi đậm dấu ấn trong lòng người dùng là chất lượng sản phẩm và dịch vụ, tạo độ tin cậy hơn nhiều so với các đối thủ.

Trong một sự kiện ngày 16.1 tại TPHCM, ông Ngô Tấn Vũ Khanh – Giám đốc phát triển kinh doanh của Kaspersky Việt Nam – cho rằng, sau khi Amazon chính thức vào thị trường Việt Nam thì cuộc chơi trên thị trường TMĐT sẽ khác.

Nhiều đồn đoán lúc này là, từ nay đến khi Amazon chính thức cung cấp dịch vụ đầy đủ tại Việt Nam chính là khoảng “thời gian vàng” cho những Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, Adayroi… chấn chỉnh, cải thiện và nâng cấp các dịch vụ.

Là bởi, dịch vụ từ một sàn TMĐT theo tiêu chuẩn chất lượng Mỹ luôn có sự khắt khe hơn rất nhiều và điều đó chính là yếu tố lợi thế cạnh tranh của Amazon, theo thời gian có thể quật ngã những “ông lớn” TMĐT hiện tại ở Việt Nam.

Thị trường TMĐT Đông Nam Á hiện có tổng giá trị khoảng 11 tỉ USD vào năm 2017 nhưng được dự báo sẽ tăng lên tới 88 tỉ USD vào năm 2025. Đây chính là “chiếc bánh” mà Amazon đang nhắm đến.

Thế Lâm

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/se-co-cuoc-lat-do-khi-amazoncom-chinh-thuc-vao-thi-truong-viet-nam-652524.ldo