Sẽ có các gian hàng sản phẩm OCOP tại Hội Trà hoa vàng lần 3

Thông tin từ UBND huyện Ba Chẽ, Hội Trà hoa vàng lần thứ 3 và lễ hội Bàn Vương huyện Ba Chẽ sẽ diễn ra trong 2 ngày 26 - 27/12, tại thôn Cái Gian và thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh. Đây cũng là các hoạt động nằm trong chuỗi chương trình kích cầu du lịch tỉnh Quảng Ninh.

Lễ hội Trà Hoa vàng lần thứ III, được tổ chức nhằm mục đích quảng bá mạnh mẽ hơn nữa thế mạnh của huyện Ba Chẽ trong việc phát triển cây Trà Hoa vàng, một trong những cây trà thảo dược có nhiều tính năng chữa trị bệnh, được các nhà chuyên môn của Việt Nam và thế giới công nhận. Hội Trà Hoa vàng năm 2020 với chủ đề “Danh trà đất Việt” sẽ diễn ra vào 19h30 phút, tối 26/12.

Hội Trà Hoa vàng huyện Ba Chẽ hứa hẹn sẽ thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham gia

Hội Trà Hoa vàng huyện Ba Chẽ hứa hẹn sẽ thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham gia

Trong ngày khai hội sẽ trưng bày 185 cây trà đẹp nhất được lựa chọn từ các trang trại, vườn trà tại địa phương. Đặc biệt, theo Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Ba Chẽ - bà Đinh Thị Vỹ: “Trong lễ hội sẽ có 25 gian hàng trưng bày, quảng bá, giao lưu và bán các sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng khác của các địa phương, tập thể, cá nhân. Trong đó: 11 gian hàng của huyện Ba Chẽ, 9 gian hàng của các huyện bạn, 5 gian của các địa phương ngoài tỉnh”.

Như vậy, khi đến lễ hội, du khách sẽ có cơ hội được mua sắm các sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng khác của địa phương, thưởng thức, ngắm trà và dùng thử các sản phẩm từ cây Trà Hoa vàng Ba Chẽ. Đặc biệt, du khách còn có thể đi du thuyền trên sông Ba Chẽ, ngắm các cảnh đẹp trên sông như Đảo Nu tôn chuông, khúc sông cổ ngựa… thăm quan miếu Bàn Vương.

Giới thiệu về sản phẩm Trà Hoa vàng cho các khách mời tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh

Cũng trong dịp này, huyện Ba Chẽ sẽ đón nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia Miếu Ông - Miếu Bà. Di tích Miếu Ông - Miếu Bà, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh là minh chứng của quá trình chinh phục tự nhiên khai phá vùng đất biên giới phía Bắc Tổ quốc, cũng như công cuộc chống giặc ngoại xâm gìn giữ non sông, bờ cõi của các thế hệ cha ông ta. Sự tồn tại của những di tích ấy có giá trị như những “cột mốc văn hóa” trường tồn khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam nơi địa đầu Tổ quốc.

Trong khuôn khổ Hội Trà hoa vàng, ngày 27/12, sẽ diễn ra Lễ hội Bàn Vương với chủ đề “Tiếng gọi tổ tiên nơi cửa biển” với nghi thức “Hành trình vượt biển” đi từ khu vực Miếu Ông về đến bến thuyền thôn Sơn Hải. Với 17 thuyền, trong đó có 12 thuyền rước tượng trưng cho 12 dòng họ của người Dao. Trong 12 thuyền rước, mỗi thuyền sẽ đem theo các vật dụng thiết yếu, đặc thù và các loại cây đặc sản như Ba Kích, Trà hoa vàng, cây thuốc nam, một số loại cây lương thực, con giống (chó, lợn, dê, gà, vịt…) …. đến lập nghiệp tại vùng đất mới; nghi lễ tưởng nhớ công ơn ông tổ Bàn Vương - thủy tổ của người Dao, cùng các hoạt động cộng đồng, văn hóa, văn nghệ…

Miếu Ông nằm trên ngọn đồi thấp thuộc núi Cái Vồng Ông, được xây dựng từ thời Trần (thế kỷ XIII-XIV), là nơi thờ Thành hoàng làng: Thần Tam Trĩ và những anh hùng dân tộc, những vị có công trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông thế kỷ thứ XIII. Đối diện với Miếu Ông bên kia sông là núi Cái Vồng Bà - nơi Miếu Bà tọa lạc, thờ Mẫu Thượng Ngàn (bà chúa của rừng xanh), theo dân gian, Bà là hồn thiêng của núi rừng. Một nét văn hóa dân gian truyền thống rất đẹp của người Việt, ấy là sự tôn trọng, lòng biết ơn với “bà mẹ thiên nhiên”.

Tiến Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/se-co-cac-gian-hang-san-pham-ocop-tai-hoi-tra-hoa-vang-lan-3-148585.html