Sẽ 'chiếu tướng' 300 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng

Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi sẽ thắt chặt kiểm soát môi trường đối với khoảng hơn 300 doanh nghiệp gây 80% ô nhiễm…

Chiều tối 10-6, Bộ TN&MT đã tổ chức cuộc tham vấn lấy ý kiến ĐBQH về một số nội dung quan trọng trong dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Đây là dự luật đang được kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV cho ý kiến lần đầu, dự kiến thông qua vào kỳ họp 10 (tháng 10-2020).

Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà.

Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà.

Tập trung kiểm soát hơn 300 doanh nghiệp gây ô nhiễm

Tại hội nghị, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho hay thực trạng môi trường Việt Nam diễn biến ngày càng phức tạp, chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép, không còn khả năng tiếp nhận chất thải.

Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường hiện hành đã bộc lộ những hạn chế, chưa theo kịp thực tiễn... Với thực tế đó, cơ quan soạn thảo dự luật do Bộ TN&MT chủ trì đã đưa ra 13 chính sách mới về môi trường với mong muốn xây dựng dự luật thành một đạo luật cơ bản, điều chỉnh toàn bộ các vấn đề liên quan đến môi trường.

Ông Hà cho hay, một trong những chính sách mới của dự luật lần này là tập trung siết chặt kiểm soát đối với nhóm dự án gây ô nhiễm môi trường, thay vì “cào bằng” kiểm soát đối với mọi dự án như luật hiện hành.

Theo ông Hà, đa phần các dự án đã, đang triển khai tại Việt Nam là các dự án thân thiện với môi trường (chiếm khoảng 80%), chỉ có khoảng 20% dự án còn lại thuộc nhóm gây ô nhiễm.

"Vì vậy, phải phân ra dự án nào thân thiện với môi trường thì trải chiếu xanh, tạo điều kiện cắt bỏ các thủ tục hành chính. Như vậy sẽ không gây ra phiền nhiễu cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước sẽ dành nguồn lực còn hạn chế để tập trung kiểm soát đối với nhóm dự án gây ô nhiễm” – ông Hà nói.

Theo đó, ông Hà cho biết Bộ TN&MT đã phân loại 17 nhóm dự án để tập trung quản lý, 17 nhóm này có khoảng hơn 300 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhưng gây ra phần lớn ô nhiễm tại Việt Nam.

"Những dự án thân thiện với môi trường có thể không cần phải kiểm tra nhưng sẽ kiểm tra liên tục với những dự án liên tục vi phạm, công nghệ lạc hậu”- ông Hà nói và nhấn mạnh đơn vị càng tái phạm sẽ càng bị chế tài nặng.

Bộ trưởng TN&MT khẳng định với cách tiếp cận như vậy, dự luật dự kiến sẽ cắt giảm được hơn 40% thủ tục hành chính ở lĩnh vực môi trường.

“Có ĐBQH hỏi "nếu thế thì buông lỏng quản lý à?". Tôi nói không phải vậy. Bởi vì 40% thủ tục hành chính này là thủ tục từ trước đến nay áp dụng với tất cả các dự án, gồm cả dự án thân thiện với môi trường. Bây giờ các dự án thân thiện không cần phải thủ tục gì, chỉ có dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao nhất là phải làm những thủ tục đó" - ông Hà giải thích.

Dự luật cần thay đổi nhận thức, văn hóa về môi trường

Tại hội nghị, các ĐBQH cho rằng bên cạnh các biện pháp về hành chính, thay đổi công nghệ... dự luật môi trường cần có những quy định để hướng đến sự thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp về môi trường, đặc biệt là xây dựng nếp sống văn hóa, hành xử thân thiện với môi trường. Có như vậy luật mới đi vào cuộc sống, đảm bảo khả năng thực thi.

ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai).

“Thực chất môi trường là thiên nhiên, ứng xử con người với thiên nhiên chính là văn hóa. Chúng ta có giải pháp công nghệ, hạ tầng tốt bao nhiêu nhưng không tạo ra thói quen, nếp sinh hoạt của con người thì không thể bền vững” – ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nêu ý kiến.

Ông dẫn chứng, đại dịch COVID-19 vừa qua là lời cảnh báo ban đầu về y tế và môi trường. Theo đó ông đề nghị việc giáo dục ý thức, xây dựng văn hóa về môi trường phải là một trong những yếu tố được coi trọng và tiếp cận trong sửa đổi Luật lần này.

ĐBQH Mai Hồng Hải (Hải Phòng).

Với tư cách là một người 20 năm làm doanh nghiệp xi măng tại Hải Phòng, ĐBQH Mai Hồng Hải cho rằng dự luật cũng cần hướng đến việc thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp, tổ chức trong vấn đề môi trường.

“Nếu không thay đổi từ trong nhận thức thì họ chỉ coi những quy định, yêu cầu về bảo vệ môi trường của luật là những rào cản, gánh nặng và thực thi nó theo cách đối phó, trốn tránh"- ông Hải nói.

Nêu thực tế có nhiều doanh nghiệp khi lập dự án đầu tư thì sợ ĐTM vì từ lâu họ đã coi đó là rào cản phải bước qua, trong khi thực chất đó là công cụ quản lý nhà nước về môi trường.

“Đó là điều cần thay đổi trong nhận thức của các doanh nghiệp”- ông Hải nhấn mạnh và đề nghị cần chú trọng triển khai, tổ chức, phổ biến, truyền thông trong nhân dân.

TRỌNG PHÚ

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/se-chieu-tuong-300-co-so-gay-o-nhiem-nghiem-trong-917907.html