Sẻ chia với Pê Ta Poóc

Tôi đã từng chuẩn bị rất lâu mới có dịp thực hiện chuyến đi lên Pê Ta Poóc, một địa danh hút sâu trong rừng miền Tây Quảng Nam, một mặt giáp ranh với Kon Tum, mặt khác giáp với tỉnh Sê Kông (Lào). Pê Ta Poóc, cái tên tồn tại không hẳn là một thiết chế làng bản hay là cụm dân cư, đơn giản chỉ là tên gọi mãi thành quen của mảnh rừng biệt lập, nơi một nhóm người Giẻ Triêng trụ lại sau khi đã di dịch cư loanh quanh trong rừng Trường Sơn, hết ở Kon Tum lại trở về Quảng Nam…

BĐBP Đồn BP Đắk Pring khiêng xe qua sông Ring lên Pê Ta Poóc.

Theo chân bộ đội tìm người ở rừng

Pê Ta Poóc chỉ gồm có 8 nóc nhà (35 khẩu) cách trung tâm xã Đắk Pring 20km đường rừng. Khu vực này nằm cạnh đường tuần tra biên phòng đoạn mốc 729, đầu nguồn sông Ring của Nam Giang, Quảng Nam. Vì vậy, trước đây cũng là do BĐBP đi tuần tra phát hiện họ sinh sống trong rừng sâu. Nhóm người Giẻ Triêng dịch cư đến rừng Nam Giang đã từng sinh sống ở thôn Tà Poók, xã Đắk Nông, Ngọc Hồi, Kon Tum chuyển đến đây cứ quen gọi là Pê Ta Poóc rồi thành luôn tên địa danh. Trải qua nhiều năm, cán bộ, chiến sĩ BĐBP cứ lặng lẽ lặn lội tới lui vào rừng lo cho bà con, hỗ trợ gạo, muối. Gần đây, con đường mòn lên Pê Ta Poóc có thể đi xe máy được nên bước sang năm 2013, Đồn BP Đắk Pring dấn thêm một bước: Xây dựng Pê Ta Poóc thành điểm thôn văn hóa. Điều đó nghe thật không tưởng đối với một cụm dân cư chưa hề hình thành mối liên kết làng bản, nhưng nếu nhìn lại những năm ròng rã qua, hàng ngàn ngày người lính quân hàm xanh đã cận kề với dân thì có lẽ không điều gì là không thể.

A Lăng Sơn, Hiên Vững, Coor Trung – 3 cán bộ trực tiếp làm công tác vận động quần chúng của Đồn BP Đắk Pring, được phân công đi cùng chúng tôi lên Pê Ta Poóc. Cũng chẳng ai ngoài các anh có thể thông thạo tuyến đường rừng này hơn. Đường trước đây chỉ là đường trâu kéo gỗ, người làm rừng thảng hoặc đi lại, giờ là do bước chân các anh đi mãi mà thành. Đại úy A Lăng Sơn, Chính trị viên phó của Đồn Đắk Pring, Hiên Vững và Coor Trung của Đội vận động quần chúng đều là người dân tộc thiểu số C’tu và Ve đã thâm niên gắn bó với Pê Ta Poóc.

5 người chúng tôi sáng sớm đã lịch kịch lên đường sau khi bôi dầu gió khắp người để chống muỗi, vắt xanh và ruồi vàng. Cứ qua một khoảng rừng rậm cây lá lòa xòa ngang mặt là phải dừng lại xem thử vắt xanh có búng vào cổ áo, lỗ tai không. Chỗ hiểm nhất của đoạn đường là lội qua sông Đắk Pring. Vào mùa mưa, có lần A Lăng Sơn bơi qua sông bị lũ cuốn tuột đi đến vài trăm mét. Anh bình tĩnh lựa bơi theo dòng nước xoáy rồi quăng mình lên bờ, nhưng tư trang, lương thực đã bị “thủy thần” cướp mất.

Lần này, con sông lúc lội qua chỉ ngập ngang hông. 3 cán bộ biên phòng phải lấy thanh gỗ luồn qua gầm máy để bám vào khiêng lần lượt từng chiếc xe máy qua sông. Qua vài con dốc hiểm trở và các đoạn rừng âm u, cuối cùng chúng tôi cũng thấy Pê Ta Poóc ở phía cuối con đường buồn hiu hắt lưa thưa vài nóc nhà. Khung cảnh càng quạnh quẽ khi chúng tôi vào từng nhà lên tiếng gọi mãi mà chẳng thấy ai.

Hiu quạnh Pê Ta Poóc

Một phụ nữ Giẻ Triêng nhỏ bé hiện ra ở cửa một ngôi nhà nom sạch sẽ nhất trong thôn. Chị là Y Khiên, Trưởng thôn Pê Ta Poóc. Tôi cứ băn khoăn: Trong thôn không còn đàn ông sức vóc hay sao mà lại phải nhờ tới tay một góa phụ mới ngoài 30 tuổi lại gầy gò như Y Khiên. Và quả thật, người phụ nữ này giờ đây ngay cả trong gia đình mình, chị cũng phải đảm đương công việc của người chồng đã khuất. Chồng chị, anh Kring Thôi qua đời trong một tai nạn xe máy khi chưa qua 40 tuổi.

Kring Thôi vốn đã được chỉ định là Trưởng thôn Pê Ta Poóc. Chỉ một lần say rượu rồi phóng xe máy ở con đường chúng tôi vừa đi qua xuống Đắk Pring đã sơ sẩy ngã, được bộ đội cáng võng xuống trạm xá xã cấp cứu và rồi không bao giờ trở về Pê Ta Poóc nữa. Y Khiên giờ gánh vác mọi công việc trong gia đình và gánh luôn cả cái chức Trưởng thôn của chồng. Tất cả việc làng, việc xóm của Pê Ta Poóc đành trông cậy vào chị.

Y Khiên nhìn thấy chúng tôi liền bước xuống bếp đặt nồi cơm. Cái lệ cứ khi bộ đội xuống thôn thì mọi người góp gạo với Trưởng thôn thổi cơm chung đã có từ khi Kring Thôi làm Trưởng thôn, giờ Y Khiên cũng không muốn thay đổi cái lệ ấy. Bộ đội mang theo thực phẩm, dầu ăn, nước mắm thêm vào mâm cơm cho chị. Con sông Ring chảy vắt qua Pê Ta Poóc có đoạn sâu hoắm tụ nhiều cá suối, bộ đội vào đây thường mang theo chài để bắt. Mỗi bận vậy cũng được bữa cơm ngon cho cả mấy gia đình.

Tôi lặng lẽ theo chân em gái nhỏ Y Khánh, con gái của Y Khiên ra chân ruộng lúa để cấu lá dấp cá về làm rau. Trong làng không nhà nào có thói quen trồng rau ăn quanh nhà. Cả khu đất rộng cỡ 1km2 gồm cả 2ha diện tích trồng lúa nước chỉ đủ kê chân cột dựng mấy căn phên nứa tồi tàn, trông xa như những chiếc chòi tre canh nương chứ không phải nhà ở. Mỗi hộ dân Pê Ta Poóc có trung bình 3 sào lúa 2 vụ trong một thung lũng may mắn được bằng phẳng ở giữa rừng. Những rẫy lúa này vẫn thường bị thú rừng phá, cỏ mọc cao hơn cây trồng nên năng suất rất thấp. Một vài nhà dùng điện thủy luân để thắp sáng, còn đa số những nhà khác vẫn duy trì cuộc sống ngày trên nương, tối về căn nhà tối đen như hũ nút. Đàn ông uống rượu ngược đãi vợ con, mù thông tin, nhà nhà sống tăm tối bám vào rừng qua ngày.

Thôn Pê Ta Poóc có 4 trong tổng số 9 hộ đã được xóa nhà tạm, như vậy vẫn còn 5 hộ dân cần xóa nhà tạm nữa. 4 căn nhà được ghép gỗ nhờ vào Chương trình 134 của Chính phủ và chương trình tặng “Mái ấm biên cương” của BĐBP. Cuốc bộ qua tán rừng ngậm đầy lá cây ải mục với vắt xanh nhung nhúc dưới hàng cây đoác già, tôi tận mắt nhìn thấy những thửa ruộng lúa của bà con Pê Ta Poóc. Chúng xanh xao, vàng vọt chẳng khác gì cơ thể của người sốt rét rừng lâu ngày. Mỗi góc ruộng thường bị cây rừng xâm lấn, thửa ruộng cao thấp không đều, chỗ thì khô cằn, chỗ thì tù úng lâu ngày. Y Khánh cắp chiếc rổ bên hông sau khi nhắc tôi tránh đoạn rừng âm u kẻo bị vắt bám đi tới rồi nhổ mấy cây dấp cá mọc hoang trong chân ruộng lúa. Từ ruộng về nhà cũng phải lội sông. Và tới khi mặt trời đã đứng bóng, chúng tôi vẫn không, xoay sở xong bữa cơm. A Lăng Sơn nói, cần phải quay về trước 3 giờ chiều, nếu không cơn mưa rừng bất chợt sẽ làm nước sông Ring dâng cao và chúng tôi sẽ bị kẹt lại.

Trưởng thôn Y Khiên và bà con Pê Ta Poóc.

Và thế là bữa cơm với người ở rừng cũng phải vội vàng. Tôi bị ám ảnh bởi đôi chân chi chít vết ruồi vàng đốt khiến nó quắt queo lại của Y Khiên. Chị bảo, mấy hôm trước lúa chín, nhà không có đàn ông, mấy mẹ con chị phải gùi gắng cắt lúa rồi phơi lúa ngay tại ruộng, mấy ngày mới xong. Có nhiều hôm chị ngủ lại trên rẫy với đống lúa và gốc rạ, mưa xuống ruồi vàng và muỗi sinh ra như vãi trấu. Ở nhà, cái đường ống dẫn nước từ mó nước trên rừng về do BĐBP làm giúp, có hôm mưa còn nhìn rõ cả vắt xanh lổm ngổm trong đó. Trước đây, có người phải đi cấp cứu do vắt bò vào tai, vào mũi khi vục nước suối uống làm chị cứ sợ mãi. Trâu bò do bộ đội tặng giúp dân xóa đói giảm nghèo cũng còi cọc đi bởi ruồi vàng. Nếu mà có điều ước, chị bảo, chỉ ước cho nơi này không còn ruồi vàng, vắt nữa.

Có lẽ chẳng có ở nơi nào, bây giờ, BĐBP vẫn phải vận động dân xây hàng rào xung quanh nhà tránh thú dữ, ăn chín uống sôi, đưa trâu, bò ra xa lại sợ thú rừng ăn mất. Cuộc họp ngắn của cán bộ vận động quần chúng Đồn BP Đắk Pring và Y Khiên, một vài người dân trong bản nữa vẫn chỉ xoay quanh những điều đó. Việc dựng nhà gươl, xây dựng thêm nhà Tình nghĩa, cầu bắc qua sông Ring trên đường vào Pê Ta Poóc, lắp đặt thêm tuabin máy thủy điện nhỏ. A Lăng Sơn bảo, động tới việc gì cũng khó, tất cả phải làm từ đầu. Nhưng trước hết, chúng tôi sẽ cố gắng mở lớp xóa mù chữ cho bà con. Người già, người trẻ ở đây, ngoài vài đứa trẻ may mắn gia đình cho trọ học từ nhỏ ở ngoài huyện Nam Giang còn học hành, chứ nhiều người mù chữ lắm. Tăm tối là ở đó mà ra.

A Lăng Sơn đưa tận tay mấy gói quà của đồn cho gia đình các hộ dân trong bản. Lần nào các anh vào cũng hỗ trợ dân dầu ăn, mì chính, mắm muối, giúp đỡ người già, cắt tóc cho trẻ nhỏ. Cũng vì lấn cấn với Pê Ta Poóc mà khi trở ra, chúng tôi bị cơn mưa rừng Trường Sơn quất rát mặt. Mải miết chạy mưa qua được sông Ring thì bị vắt và ruồi vàng gặp hơi nước búng tanh tách khắp người. Một sự cảm thương Pê Ta Poóc còn lại ở rừng sâu cứ đọng mãi trong tâm trí chúng tôi. Quả thật, đến bây giờ, Pê Ta Poóc tồn tại được chỉ có thể do khát khao sự sống của con người, khát vọng trụ vững và có cuộc sống no ấm của chính họ.

Trương Thúy Hằng - Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/se-chia-voi-pe-ta-pooc/