Sẻ chia trong thảm họa

Thời tiết cuối tuần ở Sydney đã dễ chịu hơn, khói mù đã không còn bao phủ thành phố, ai cũng thở phào sau những ngày phải đeo khẩu trang ra phố chống ô nhiễm.

Người dân Sydney mang khẩu trang chống bụi mịn ra đường. Ảnh: VÂN PHAN

Người dân Sydney mang khẩu trang chống bụi mịn ra đường. Ảnh: VÂN PHAN

Trong những ngày vừa rồi, thảm họa cháy rừng nghiêm trọng chính là chủ đề được người dân nơi đây trong đó có cộng đồng người Việt ở đây quan tâm nhất. Chưa bao giờ người dân phải chứng kiến mùa hè nào khắc nghiệt như thế này với những đám cháy rừng lớn, kéo dài suốt mấy tháng.

Với những gia đình có con nhỏ như gia đình anh Khoa ngay khu vực tôi sinh sống, vợ con anh hầu như luôn ở trong nhà để tránh khói bụi. Để đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí, người dân tại Sydney, Melbourne và Canberra phải sử dụng khẩu trang, trong khi đó nhiều chương trình văn nghệ lớn, các sự kiện thể thao ngoài trời đều hoãn. Các hệ thống siêu thị và cửa hàng đã xuất hiện tình trạng “cháy hàng” loại khẩu trang chống bụi mịn. Máy lọc không khí cũng trở thành mặt hàng bán chạy trong những ngày qua.

Gắn bó với Australia một thời gian không quá dài nhưng tôi và bạn bè đều cảm thấy xót xa khi thiên nhiên của đất nước xinh đẹp này bị tàn phá vì cháy rừng. Không chỉ động viên nhau, bà con người Việt còn tập hợp thành nhiều nhóm nhỏ chung tay đóng góp hiện vật và tiền để chia sẻ với nạn nhân trong thảm họa cháy rừng, cũng như sẵn sàng đến các khu vực đang oằn mình chống chọi trong thảm họa. Không mang được đồ cứu trợ đến tận tay nạn nhân, nhiều bà con người Việt lại có cách làm khác là đóng góp vào các quỹ từ thiện hoặc cho các cơ quan cứu hỏa để hỗ trợ cộng đồng hoặc có những hành động nhỏ nhưng thiết thực để cùng chung tay đối phó với thảm họa cháy rừng. Anh Khoa đã kêu gọi bạn bè và gia đình cùng anh thực hiện nhiều hành động có ý nghĩa như tiết kiệm nước, hạn chế những hoạt động dùng đến lửa. Trên mạng xã hội, cộng đồng người Việt luôn kêu gọi nhau cẩn thận, ra ngoài nhớ uống nhiều nước, luôn đề phòng những gì dễ cháy.

Thu, sinh viên đang du học tại Canberra, cho biết những ngày này, trường cô luôn có thông báo khuyến khích và hướng dẫn những ai muốn quyên góp, ủng hộ việc chữa cháy. Tại Melbourne, cộng đồng người Việt kêu gọi quyên góp cho các quỹ ứng phó cháy rừng. Một số quán ăn, nhà hàng hay cửa hàng của người Việt còn dành ra tiền lãi, lương của nhân viên trong một ngày để quyên góp. Giới trẻ Việt đang rất tích cực tham gia giúp đỡ người bị nạn. Các em thường xuyên đọc tin tức về vụ cháy, quyên góp cho các tổ chức cứu trợ, cầu mưa và chia sẻ các bài kêu gọi để nhiều người tham gia hơn. Mọi người cũng nhắc nhở nhau cảnh giác trước thông tin lừa đảo quyên góp, nên kiểm tra thông tin hoặc đến tận quỹ cứu trợ để quyên tiền thay vì chuyển khoản.

Ai sống tại Australia cũng đều mong mỏi hậu quả cháy rừng sẽ sớm được khắc phục. Dù không sống trong vùng bị trực tiếp ảnh hưởng, nhưng tôi cũng như bao bà con người Việt khác đều biết rằng sau cháy rừng, thiệt hại về môi trường và kinh tế tại Australia chắc chắn sẽ không hề nhỏ. Điều đáng quý nhất là trong thảm họa lần này, tinh thần đoàn kết, thương yêu và đùm bọc nhau trong cộng đồng người Việt, sẻ chia khó khăn với người bản địa đang lan tỏa, giúp mọi người đều cảm thấy ấm áp hơn.

NGUYỄN VY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/se-chia-trong-tham-hoa-640050.html