Sẻ chia nỗi đau với người dân vùng 'rốn' lũ

Bản biên giới Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa nằm bên dòng Khe Son vốn trù phú, bình yên. Nhưng trận lũ quét kinh hoàng diễn ra vào ngày 3-8 đã xóa sổ gần như tất cả, gây nên sự mất mát lớn về tính mạng và tài sản của nhân dân. Sau thiên tai, các đơn vị vũ trang, chính quyền địa phương đã vào cuộc quyết liệt triển khai công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả, từng bước giúp dân vượt qua nỗi đau, ổn định cuộc sống lâu dài.

Bài 1: Bản biên giới tan hoang sau trận lũ quét

Sau trận lũ quét kinh hoàng, bản Sa Ná chìm trong mất mát, đau thương, ngổn ngang bùn đất. Ở đó, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang ngày đêm khẩn trương triển khai nhiệm vụ hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. Sự vào cuộc quyết liệt của những người lính, sự chung tay của chính quyền địa phương, đồng bào cả nước đang phần nào làm vơi đi nỗi đau của người dân nơi đây.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thanh Hóa giúp dân dựng lại nhà cửa bị đổ sập do lũ quét. Ảnh: Viết Lam

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thanh Hóa giúp dân dựng lại nhà cửa bị đổ sập do lũ quét. Ảnh: Viết Lam

Ngay sau khi lũ quét đi qua, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ các đơn vị lực lượng vũ trang đã triển khai các phương án khẩn trương tiếp cận bản Sa Ná ổn định tinh thần nhân dân. Công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn người mất tích, khắc phục hậu quả nhanh chóng được triển khai. Trận lũ quét kinh hoàng đã khiến khung cảnh ở Sa Ná thật khủng khiếp, bản làng gần như bị san phẳng, những ngôi nhà đổ sập, còn trơ lại móng, ngổn ngang đất đá, gỗ rừng...

Tiếng khóc bi ai, thảm thương của những gia đình có người thân bị nạn nghe đến quặn lòng. Bản Sa Ná nằm bên dòng Khe Son, với 73 hộ/300 nhân khẩu đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Nhờ chủ động lương thực, thực phẩm từ việc trồng lúa nước và nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng nên cuộc sống người dân khá no đủ, trù phú. Thế nhưng, tất cả chỉ còn lại trong ký ức sau trận lũ quét kinh hoàng tràn qua.

Nét mặt vẫn hiện rõ sự bàng hoàng, thẫn thờ trước sự mất mát của người dân, ông Nguyễn Xuân Phương, Trưởng bản Sa Ná kể lại: “Sáng 3-8, khi người dân vừa thức dậy sau một đêm mưa lớn thì bất ngờ nghe tiếng tri hô của ai đó báo rằng lũ về. Trong chốc lát, khối nước khổng lồ hung dữ, đục ngầu đã ập đến kéo theo đất đá, thân cây cổ thụ xô đổ nhà cửa, cuốn bay tất cả. Nhiều người đã không kịp chạy, tiếng la hét kêu lên thất thanh...Toàn bản có 10 người mất tích, 5 người bị thương, 31 căn nhà bị đổ sập và cuốn trôi hoàn toàn tài sản”.

Quân y BĐBP sơ cứu người dân bị nạn ở bản Sa Ná. Ảnh: Viết Lam

Mấy ngày nay, bà con trong bản phải thay nhau canh giữ, động viên, khuyên ngăn anh Hà Văn Vân từ bỏ ý định tìm đến cái chết. Anh Vân đã mất tất cả 6 người thân (bố, mẹ, chị gái và người vợ trẻ cùng 2 đứa con thơ) trong trận lũ quét. Gia đình vốn nhiều khó khăn, anh là lao động chính, đang thời gian đóng cửa rừng không thể khai thác lâm sản phụ, anh Vân tìm về thành phố Thanh Hóa để xin làm phụ hồ mong muốn kiếm thêm thu nhập để chuẩn bị cho các con vào năm học mới. Nhưng vừa xuống được vài ngày thì anh nhận được tin dữ. Cắt rừng trở về bản chứng kiến cảnh tượng hãi hùng, anh như người điên dại luôn có ý định tìm đến cái chết.

Sát vị trí từng là căn nhà của anh Vân, một người phụ nữ trẻ đang liên tục dùng tay đào bới từng lớp đất bùn, gào khóc thảm thiết. Đó là chị Nguyễn Thị Tiếm, giáo viên điểm bản Sa Ná, Trường Tiểu học Na Mèo. Trận lũ đã cướp đi của chị đứa con chưa được 3 tháng tuổi, còn chồng chị may mắn thoát chết nhưng bị thương nặng hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa...Giữa đống đổ nát ở trung tâm bản Sa Ná và dọc hai bên bờ Khe Son còn bắt gặp rất nhiều khuôn mặt thất thần, tiếng khóc bi ai của người dân.

Bản Sa Ná tan hoang sau trận lũ lớn. Ảnh: Viết Lam

Thời điểm “tin dữ” ở Sa Ná được lan truyền làm cho chính quyền địa phương, các đơn vị lực lượng vũ trang vô cùng lo lắng. Thế nhưng, nước trên các sông, suối dâng cao, đặc biệt dòng sông Luồng ngăn cách Sa Ná với trung tâm xã chảy dữ dội khiến cho mọi biện pháp tiếp cận ban đầu đều thất bại. Trước tình huống đó, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo, BĐBP Thanh Hóa đã thành lập tổ công tác 5 cán bộ, chiến sĩ cùng dân quân địa phương cắt rừng vào bản bị lũ quét.

Sau hơn 5 tiếng đồng hồ băng rừng, lội suối, lực lượng làm nhiệm vụ mới đến được Sa Ná để động viên ổn định tinh thần cho người dân, khẩn trương cứu chữa người dân bị thương. Thời gian tiếp theo khi nước trên sông, suối rút bớt, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị lực lượng vũ trang tiếp tục vượt sông tăng cường vào Sa Ná khẩn trương triển khai công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai. Cùng với sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, nhân dân trong vùng lân cận cũng tập trung gùi, khuân vác lương thực, thực phẩm vào Sa Ná để tiếp tế cho đồng bào mình.

“Công tác khắc phục hậu quả lũ quét ở bản Sa Ná đang được diễn ra khẩn trương với sự vào cuộc của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, nhân dân địa phương. Thế nhưng, hậu quả của trận lũ để lại quá nặng nề nên việc giúp dân ổn định cuộc sống sẽ mất một thời gian rất dài, đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng” - Ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn khẳng định.

Bài 2: Dồn lực cho Sa Ná hồi sinh

Viết Lam - Quang Long

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/se-chia-noi-dau-voi-nguoi-dan-vung-ron-lu/