Sẽ chi thêm 4.730 tỉ đồng nếu thực hiện miễn học phí

Bộ GD&ĐT cho biết, tổng kinh phí ngân sách chi thêm để hỗ trợ chính sách không thu học phí trẻ 5 tuổi, học sinh tiểu học, THCS diện phổ cập trường công lập và hỗ trợ đóng học phí trường ngoài công lập là 4.730 tỉ đồng.

Theo Bộ GD&ĐT, chủ trương miễn giảm học phí được thực hiện theo chính sách phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập tiểu học, phổ cập giáo dục THCS.

Hiện nay, việc miễn học phí mới chỉ thực hiện đối với học sinh tiểu học, điều này gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn mặc dù mức thu học phí không cao.

Chính vì vậy, mới đây Bộ đã có văn bản miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi ở các vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn, nhằm giảm gánh nặng học phí đối với các đối tượng này.

Theo tính toán của Bộ GD&ĐT, khi thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS công lập, hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập thì hàng năm, ngân sách nhà nước sẽ phải chi thêm một khoản 4.730 tỉ đồng.

Bộ GD&ĐT chỉ rõ, với số ngân sách nhà nước chi cho giáo dục hàng năm tăng thêm khoảng 13.907 tỉ đồng thì hoàn toàn có thể bù đắp kinh phí thực hiện chính sách không thu học phí trường công lập diện phổ cập và hỗ trợ đóng học phí trường ngoài công lập là 4.730 tỉ đồng trên.

Bộ đã có văn bản miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi ở các vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn. (Ảnh: Internet).

Trong đó, nếu không thu học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi thì tổng ngân sách phải chi thêm hàng năm để bù học phí là 698 tỷ đồng trong đó dành cho các cơ sở mẫu giáo ngoài công lập 680 tỷ. Đối với cấp tiểu học, phần hỗ trợ đóng học phí cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập là 855 tỷ. Và đối với bậc THCS, tổng ngân sách phải chi thêm hàng năm để bù học phí là 2.143 tỷ đồng, hỗ trợ đóng học phí cho học sinh các trường ngoài công lập là 352 tỷ đồng.

Trong thời gian qua, nhờ chính sách miễn giảm học phí đối với các sinh viên theo học ngành sư phạm mà ngành học này đã thu hút được đông sinh viên theo học. Thế nhưng chính sách này đã ảnh hưởng tới hiệu quả của giáo dục, khi các sinh viên lựa chọn theo học ngành này vì lý do không phải đóng học phí chứ không phải vì đam mê, yêu thích và mong muốn được cống hiến cho công việc tương lai của mình.

Chính vì vậy, thay vì miễn, giảm học phí đối với sinh viên ngành sư phạm, Bộ GD&ĐT đề xuất sẽ thực hiện chính sách cấp học bổng, ưu tiên bằng tín dụng.

Tình Thương

Nguồn NĐ&ĐS: http://baonhandao.vn/giao-duc/se-chi-them-4730-ti-dong-neu-thuc-hien-mien-hoc-phi-15588