Sẽ chấm dứt tình trạng đội lốt hàng Việt

Sáng 25/9, tại Hà Nội, Bộ Công thương đã tổ chức Hội thảo xin ý kiến về Dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam. Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, những quy định trong dự thảo này sẽ loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm, đội lốt hàng Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại Hội thảo.

Dự thảo thông tư này ra đời trong bối cảnh hiện nay có nhiều loại sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài về Việt Nam lắp ghép, gia công nhưng lại ghi nhãn là hàng “made in Vietnam” khiến dư luận phản ứng gay gắt.

Ông Trần Quốc Khánh khẳng định: “Về nguyên tắc, Thông tư này sẽ không làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp (DN), vì đây chỉ là Thông tư giúp DN ghi nhãn chính xác hơn cho sản phẩm của mình, tránh được nguy cơ bị cáo buộc là gian lận xuất xứ, loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm, đội lốt hàng Việt Nam”.

Nhấn mạnh thêm về tính cấp thiết của Thông tư, ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nêu rõ, hiện nay nhiều sản phẩm, hàng hóa Việt Nam đã mang tính quốc gia, chất lượng tăng lên, có thương hiệu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, nên dẫn tới tình trạng hàng hóa “đội lốt” hàng Việt Nam. Do đó, Thông tư không chỉ liên quan đến việc dán nhãn “made in Vietnam” mà còn quan trọng hơn là xác định thế nào là hàng hóa của Việt Nam.

“Dự thảo sẽ là cơ sở để tạo sự cạnh tranh bình đẳng cho những DN dày công nghiên cứu, sáng tạo, gây dựng thương hiệu. Trong khi lại có những DN chỉ nhập khẩu hàng hóa, linh kiện nước ngoài về gia công, lắp ráp rồi gắn nhãn” – ông Hải nhấn mạnh.

Nêu ý kiến về Dự thảo Thông tư, bà Trần Thị Thu Hương (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) cho hay, vừa qua có nhiều vụ hàng hóa gắn nhãn mác Việt Nam dù không phải hàng Việt Nam khiến cơ quan quản lý không biết xử lý thế nào. Bởi vậy, việc xây dựng dự thảo là rất cần thiết. Tuy nhiên, bà Hương khá băn khoăn khi xây dựng dự thảo, quy định để xác định thế nào là hàng hóa Việt Nam thì Thông tư lại đưa ra một loạt những quy định về xuất xứ cho sản phẩm khá tương đồng với quy định trong Nghị định 31 và Thông tư 05. Do đó, Bộ cần xem xét có cần thiết ban hành bản dự thảo này không, hay chỉ cần sửa đổi trong Nghị định 31 hoặc Thông tư 05, mở rộng phạm vi thay vì áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì thêm cả hàng được sản xuất và lưu thông tại Việt Nam.

Còn ông Trần Quang Trung- Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam đặt vấn đề: Trong trường hợp DN Việt Nam đầu tư trang trại nuôi bò sữa tại một số nước như Lào, Campuchia, hệ thống quản lý, nhân lực đều là người Việt Nam nhưng sử dụng đồng cỏ của quốc gia khác… thì sản phẩm sữa tươi đó sẽ được ghi xuất xứ thế nào? Trả lời băn khoăn của Hiệp hội Sữa, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, trong trường hợp không xác nhận xuất xứ tại nước nào thì DN sẽ ghi là xuất xứ bởi DN. “Trong rất nhiều trường hợp không xác định nổi xuất xứ tại quốc gia nào thì nên mở rộng cách ghi”, ông Khánh nói.

Với ý kiến về việc Thông tư này trùng với nội dung, quy định đã được đưa ra tại Nghị định 31 và Thông tư 05, như vậy là có nhiều điểm “sao chép” với Nghị định 31 cũng như Thông tư 05, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nêu quan điểm: Dự thảo Thông tư “quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam” hoàn toàn không sao chép bất kỳ Thông tư, Nghị định nào. Theo ông Khánh, hàng hóa xuất khẩu và hàng lưu thông trong nước là hai loại sản phẩm có sự khác nhau nhất định. Do đó, nếu lấy Thông tư 05 áp dụng vào trong nước có thể dẫn đến một số khúc mắc trong thực thi. Thứ trưởng Khánh cũng khẳng định rằng, Thông tư này không chép lại Nghị định 31 hay Nghị định, Thông tư nào khác. Dự thảo Thông tư này hoàn toàn độc lập với các Nghị định, Thông tư khác.

Minh Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-truong/se-cham-dut-tinh-trang-doi-lot-hang-viet-tintuc448257