Sẽ căn cứ nguồn lực để bồi thường khi phá sản ngân hàng

Mới đây, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 15/1/2018.

Theo đó, các ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt có thể tiến hành phá sản để tái cơ cấu TCTD trong hệ thống.

Dự thảo luật vừa được thông qua tập trung vào 5 phương án để cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt. Trong đó bao gồm các phương án như phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, giải thể, chuyển giao bắt buộc và phá sản.

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên xuất hiện phương án phá sản một TCTD để tái cấu trúc hệ thống. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ trình Chính phủ quyết định chủ trương phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt theo quy định tại Luật này khi TCTD đó lâm vào tình trạng phá sản.

Trong vòng 30 ngày kể từ ngày Chính phủ quyết định cho phép phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với TCTD được kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt trình NHNN xem xét.

Luật TCTD sửa đổi cũng nêu rõ trong trường hợp xây dựng phương án phá sản quỹ tín dụng nhân dân, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam thực hiện.

Cụ thể, với phương án phá sản TCTD gồm có các nội dung đánh giá thực trạng và quá trình xử lý TCTD diện kiểm soát đặc biệt được quyết định chủ trương phá sản. Đánh giá tác động của việc thực hiện phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt đối với sự an toàn của hệ thống TCTD; Phương án chi trả tiền gửi của khách hàng là cá nhân; Lộ trình thực hiện và trách nhiệm triển khai phương án phá sản.

Về việc tổ chức phá sản, NHNN chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nội dung tại phương án phá sản đã được phê duyệt, bao gồm cả việc yêu cầu TCTD được kiểm soát đặc biệt nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản. Trường hợp cần thiết, NHNN trình Chính phủ quyết định việc sửa đổi, bổ sung phương án phá sản.

Trước đó, tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu QH đã băn khoăn mức chi bồi thường của bảo hiểm tiền gửi hiện nay. Nội dung chi trả cho người gửi tiền trong trường hợp ngân hàng phá sản lại không được quy định trong luật này. Nhiều đại biểu đề nghị NHNN xem xét quy định lại vấn đề bảo hiểm tiền gửi để bảo đảm phản ánh đúng thực chất về bảo hiểm là bù đắp một phần rủi ro tương xứng của người tham gia bảo hiểm. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: “Sẽ tùy thuộc vào tình hình nguồn lực Nhà nước theo từng thời kỳ và theo mức độ tác động của từng trường hợp phá sản cụ thể. Do vậy, nội dung này không quy định trong luật”.

Trước đó, trong phiên chất vấn Thống đốc NHNN gần đây, rất nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm tới vấn đề tái cơ cấu các TCTD và nếu cho phép phá sản ngân hàng thì tiền gửi của người dân trong ngân hàng sẽ ra sao khi 80% tiền trong ngân hàng là của người dân. Trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, trong bất cứ trường hợp nào, phương án xử lý tổ chức tín dụng đều đặt mục tiêu an toàn hệ thống, lòng tin người dân, đảm bảo quyền và lợi ích người gửi tiền… Trường hợp cụ thể NHNN kiến nghị Quốc hội xem xét giải pháp đặc biệt nhưng vẫn thực hiện theo mục tiêu trên. Cũng theo Thống đốc NHNN khi giải trình trước Quốc hội, để tránh đổ vỡ và gây mất an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm lợi ích của người gửi tiền, không ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia, trật tự an toàn xã hội, Chính phủ có thể quyết định áp dụng việc chi trả vượt hạn mức bảo hiểm tiền gửi trong trường hợp phá sản tổ chức tín dụng. Nguồn sử dụng để hỗ trợ chi trả sẽ không dùng ngân sách Nhà nước, theo đúng nghị quyết của Quốc hội, mà có thể sử dụng các nguồn lực Nhà nước khác để xử lý vấn đề này.

Liên quan đến các vấn đề trên, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Trần Quang Chiểu cho rằng, việc phá sản ngân hàng là khó có thể xảy ra vì Nhà nước sẽ thực hiện chọn các phương án phù hợp như phục hồi, sáp nhập - hợp nhất... nhằm ổn định hệ thống ngân hàng cũng như đảm bảo an ninh tiền tệ, ổn định xã hội.

Minh Đức

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/se-can-cu-nguon-luc-de-boi-thuong-khi-pha-san-ngan-hang-n138745.html