Sẽ cấm 'thần dược tăng trọng, tạo nạc' Cysteamine đang tung hoành trên thị trường

Ngay khi nạn sử dụng chất cấm bị cơ quan chức năng dập tắt, Cysteamine – một chất chất kích thích sinh trưởng được giới chăn nuôi truyền tụng là “thần dược tăng trọng, tạo nạc” đang tung hoành khắp nơi.

Trước tình hình này, Bộ NN-PTNT đã khẩn trương lấy ý kiến đưa Cysteamine vào danh mục cấm.

Duy nhất Trung Quốc cho dùng

Không phải tới bây giờ, Cysteamine trên thực tế đã len lỏi vào các trang trại từ nhiều năm qua. Nhất là khi các chất cấm thuộc nhóm Beta – Agonists bị cơ quan chức năng truy quét quyết liệt, Cysteamine được giới chăn nuôi rỉ tai nhau là “thần dược tăng trọng, tạo nạc” không thua kém gì Salbutamol.

Tháng 3/2015, Báo NNVN cũng đã từng có loạt bài viết phản ánh và cảnh báo về vấn nạn Cysteamine nhập lậu từ Trung Quốc tràn ngập thị trường.

Cysteamine nhập lậu từ Trung Quốc mà PV NNVN mua được trong loạt bài điều tra hồi tháng 3/2015

Trả lời NNVN thời điểm đó, GS.TS Vũ Duy Giảng, chuyên gia dinh dưỡng vật nuôi đã cảnh báo: Mặc dù sự nguy hiểm của Cysteamine tới sức khỏe con người khi ăn các sản phẩm vật nuôi có sử dụng chất này vẫn là câu hỏi lớn, tuy nhiên đây là một chất có tác dụng kích thích tăng trọng liên quan tới hoóc – môn tăng trưởng, tăng tạo nạc đối với vật nuôi.

Vì vậy, Cysteamine đã bị Cộng đồng Châu Âu (EU) hoàn toàn cấm sử dụng làm phụ gia TĂCN. Chất này cũng không có mặt trong danh mục của tổ chức CODEX. Điều đó có nghĩa, chúng không được xem xét về mặt ý nghĩa dinh dưỡng cũng như xem xét về độc tính, cũng như không được phép thêm vào thực phẩm trong SX thuộc các nước EU.

Theo GS Vũ Duy Giảng, nhiều tổ chức về thú y ở các nước trên thế giới cũng khuyến cáo chỉ dùng Cysteamine để xử lí cho những trường hợp vật nuôi riêng lẻ, cụ thể, không dùng trong chăn nuôi đại trà thương mại.

Tuy nhiên tại Trung Quốc, đây lại là chất đang được nước này cho phép sử dụng làm phụ gia TĂCN. Trung Quốc cũng là quốc gia duy nhất hiện nay cho phép sử dụng Cysteamine như là một chất kích thích sinh trưởng. Điều này lí giải vì sao các sản phẩm Cysteamine nhập lậu vào Việt Nam hiện nay là từ Trung Quốc.

Tại Việt Nam, Cysteamine từng được cho phép sử dụng, tuy nhiên kể từ năm 2012, xét thấy chất này có liên quan tới các yếu tố kích thích hoóc – môn tăng trưởng cũng như các nguy cơ sức khỏe con người, các nhà khoa học đã tư vấn và Bộ NN-PTNT quyết định đưa Cysteamine ra khỏi danh mục hóa chất, kháng sinh được phép sử dụng, lưu hành và sử dụng làm phụ gia TĂCN.

Tuy nhiên, Cysteamine hiện cũng không có mặt trong danh mục hóa chất, kháng sinh cấm trong chăn nuôi, nghĩa là “không cấm, cũng không cho phép”!

Phải cấm!

Theo Thanh tra Bộ NN-PTNT, từ đầu năm 2016 đến nay, cơ quan này phối hợp với A86 (Bộ Công an) đã điều tra và phát hiện tình trạng buôn bán, sử dụng Cysteamine đang càng ngày càng bùng lên dữ dội. Cysteamine được buôn bán rất thoải mái trên thị trường với giá từ 400-500 nghìn đồng/kg, nhiều nhất tại phía Bắc là các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam… và nhiều tỉnh phía Nam.

Thanh tra Bộ NN-PTNT phát hiện một sản phẩm chứa Cysteamine dùng dở tại một trang trại lợn ở Đông Tảo, Khoái Châu (Hưng Yên) ngày 30/9/2016

Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN-PTNT cho biết, hàng loạt các Cty thức ăn chăn nuôi (TĂCN) lẫn trang trại trên cả nước đã bị phát hiện sử dụng chất Cysteamine, một số Cty TĂCN bị phát hiện trong kho với số lượng rất lớn, tới 6-7 tấn Cysteamine.

Xét nghiệm một số sản phẩm TĂCN lưu hành trên thị trường, Thanh tra Bộ NN-PTNT cũng đã phát hiện có chứa Cysteamine với hàm lượng từ 20-30 ppm...

Theo ông Việt, oái oăm ở chỗ Cysteamine không có tên trong danh mục các hóa chất kháng sinh được phép lưu hành tại Việt Nam, nhưng chất này hiện cũng không thuộc danh mục chất cấm trong chăn nuôi.

Vì vậy, cơ quan chức năng chỉ có thể xử phạt hành chính các cơ sở sử dụng Cysteamine về hành vi sử dụng hóa chất không thuộc danh mục cho phép, với mức tiền phạt tối đa chỉ tới 50 triệu đồng. Mặc dù tác dụng tăng trọng, tạo nạc của Cysteamine trên thực tế ra sao hiện nay chưa có kiểm chứng, tuy nhiên các Cty TĂCN sử dụng Cysteamine thì sản phẩm bán rất chạy.

“Cần phải sớm đưa Cysteamine vào danh mục chất cấm để quản lí, chứ không thể vừa không cấm, lại vừa không cho phép sử dụng được. Nếu không đưa chất này vào danh mục chất cấm để xử lí nặng theo luật Hình sự, năm 2017, nguy cơ Cysteamine bung ra tràn lan trên cả nước là hết sức nguy hiểm” – ông Việt lo lắng.

Tại cuộc họp lấy ý kiến cùng các nhà quản lí, nhà khoa học do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám chủ trì ngày 13/10, nhiều quan điểm đã ủng hộ cần phải sớm đưa Cysteamine vào danh mục chất cấm. TS Phạm Thị Ngọc, Viện trưởng Viện Thú y (Bộ NN-PTNT) cho rằng, nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng đang tiến tới nền SX sạch. Mặc dù tác hại của Cysteamine tới sức khỏe con người chưa có nhiều nghiên cứu công bố, tuy nhiên đây là một chất thuộc nhóm hoóc-môn nên không được các nước trên thế giới đưa vào danh mục cho phép sử dụng.

Theo TS Ngọc, Cysteamine được nhập lậu về Việt Nam hiện nay là dạng thô, chưa được tinh chế, lại không thuộc danh mục được phép sử dụng nên người chăn nuôi sử dụng không theo liều lượng, không theo hướng dẫn nào nên có rất nhiều nguy cơ….

“Cần phải sớm đưa chất này vào danh mục cấm thì mới quản lí được. Vấn đề là cần phải triển khai các giải pháp để kiểm soát dư lượng, nhất là xây dựng mức tồn dư tối đa cho phép (MRL), nghiên cứu các test nhanh, phương tiện xét nghiệm… để kiểm tra khi quyết định cấm” – bà Ngọc nêu quan điểm.

Đồng tình với các ý kiến của đông đảo nhà khoa học, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám khẳng định: Tinh thần của Bộ NN-PTNT là sẽ hướng tới trước hết cho một nền nông nghiệp sạch, an toàn cho hơn 90 triệu người dân, chứ không vì lợi ích của một nhóm nhỏ người chăn nuôi.

Vì vậy, quan điểm của Bộ NN-PTNT là sẽ tiến tới cấm Cysteamine trong chăn nuôi, có thể sớm nhất là cuối năm 2016. Tuy nhiên để quyết định được thời điểm nào, sẽ cần nghiên cứu thêm.

Theo đó trong thời gian sớm nhất, các đơn vị của Bộ NN-PTNT như Cục Chăn nuôi, Viện Chăn nuôi, Viện Thú y… cần tiếp tục thu thập, nghiên cứu thêm thông tin chính thống từ các nước, nhất là EU xem quy định về quản lí Cysteamine ra sao, tại sao họ không cho phép sử dụng.

Đồng thời, khẩn trương triển khai nghiên cứu, chỉ định các phòng xét nghiệm đủ năng lực để xét nghiệm Cysteamine…

Đồng thời, phải nghiên cứu thêm về tác dụng của Cysteamine ra sao trên vật nuôi, bởi hiện nay chưa có thông tin và bằng chứng chính thống về vấn đề này, mà chủ yếu mới chỉ thông qua thông tin từ các nhà SX ra Cysteamine.

Cysteamine hay còn có các tên gọi khác như aminoethanethiol; thioethanolamine… là một hợp chất hóa học thường được sử dụng dưới dạng muối hydrochloride (có công thức phân tử C2H2ClNS). Các nghiên cứu cho thấy, Cysteamine có tác dụng ức chế sự tiết ra của hoóc –môn SS (somatostatin).

Trong khi đó, hooc-môn SS lại có tác dụng ức chế các loại hoóc-môn tăng trưởng. Vì vậy khi sử dụng Cysteamine, nó gián tiếp khiến hooc-môn tăng trưởng được tự do sản sinh, giúp tăng nhanh trọng lượng vật nuôi…

Các nhà SX Cysteamine tại Trung Quốc công bố rằng: Khi cho gà thịt sử dụng chế phẩm Avianin (viên Cysteamine vi bọc, chịu nhiệt) với liều lượng 400mg/kg thức ăn, sẽ giúp gà thịt gia tăng tốc độ tăng trọng hàng ngày (ADG) từ 5-17%.

Các thí nghiệm bổ sung chế phẩm Porcinin (viên Cysteamine vi bọc, chịu nhiệt) trên lợn thịt giai đoạn sau cai sữa (35-63 ngày tuổi) với liều lượng 500mg/kg thức ăn có thể giúp lợn gia tăng tốc độ tăng trọng hàng ngày thêm 14% đến 33%...

Tuy nhiên tại Việt Nam, TS Trần Quốc Việt, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và TĂCN (Viện Chăn nuôi) cho biết: Qua thí nghiệm của một số Cty TĂCN lớn như C.P và DABACO cho thấy, tác dụng của Cysteamine là không rõ ràng đối với vật nuôi về mặt tăng trọng, nhất là dễ bị phân hủy ở nhiệt độ cao khi đưa vào dây chuyền SX TĂCN ép viên nén…

Do đó, hiện các Cty chăn nuôi công nghiệp lớn gần như không sử dụng Cysteamine, mà nó chỉ được các trang trại chăn nuôi mua về trực tiếp trộn vào máng ăn.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/se-cam-than-duoc-tang-trong-tao-nac-cysteamine-dang-tung-hoanh-tren-thi-truong-post177568.html