Sẽ bù vênh cầu Bạch Đằng vào đầu tháng 12 tới

Liên quan hiện tượng lún bề mặt cầu Bạch Đằng ngay sau khi mới thông xe, Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng, nhà đầu tư dự án cho biết, sẽ nghiên cứu xem xét phương án bù vênh các vị trí cục bộ, dự kiến vào đầu tháng 12 tới đây để bảo đảm êm thuận, an toàn tuyệt đối cho các phương tiện và an toàn công trình.

NDĐT - Liên quan hiện tượng lún bề mặt cầu Bạch Đằng ngay sau khi mới thông xe, Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng, nhà đầu tư dự án cho biết, sẽ nghiên cứu xem xét phương án bù vênh các vị trí cục bộ, dự kiến vào đầu tháng 12 tới đây để bảo đảm êm thuận, an toàn tuyệt đối cho các phương tiện và an toàn công trình.

Cầu Bạch Đằng dài gần 5 km (gồm cả đường dẫn), mặt cầu rộng 25 m, tổng vốn đầu tư gần 7.300 tỷ đồng theo hình thức BOT, chính thức thông xe ngày 1-9 vừa qua. Mức thu phí thấp nhất là 35 nghìn đồng/lượt (xe con) và cao nhất là 180 nghìn đồng/lượt (xe tải).

Nhà đầu tư là Công ty cổ phần BOT Bạch Đằng, được hình thành từ Liên danh nhà đầu tư BOT Phúc Lộc - Cái Mép - Cường Thịnh Thi - Cienco1 - Trung Nam Group - Công Thành - Phương Thành - Tập đoàn SE Nhật Bản.

Ông Nguyễn Ngọc Thảo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng khẳng định: “Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng sẽ lập phương án xử lý, tham vấn các chuyên gia, hoàn thiện phương án và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và dự kiến đầu tháng 12 tới đây tổ chức thi công ngay sau khi phương án được chấp thuận”.

Đề cập giải pháp xử lý khắc phục, Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng đã chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, tư vấn công nghệ nghiên cứu xem xét phương án bù vênh các vị trí cục bộ nêu trên.

Về trắc dọc cầu, tổng thể cầu Bạch Đằng bảo đảm yêu cầu, tuy nhiên cục bộ tại khu vực trước và sau khối hợp long hai nhịp giữa có hiện tượng không bằng phẳng. Lý giải thêm, ông Thảo chỉ ra nguyên nhân: Do đặc thù cầu dây văng Bạch Đằng có bốn nhịp dầm bê tông cốt thép dự ứng lực và ba trụ tháp, là một hệ chịu lực phức tạp kết hợp giữa hệ dầm, hệ dây văng và các trụ tháp.

Kết cấu dầm mềm nên các yếu tố về biện pháp thi công, tải trọng thi công, nhiệt độ thi công... ảnh hưởng lớn đến độ vồng kết cấu nhịp trong quá trình thi công. Ngoài ra, cầu dây văng thi công theo công nghệ đúc hẫng, trắc dọc cầu phụ thuộc vào độ vồng đặt trước, lực căng dây văng theo từng giai đoạn thi công,...

Tuy nhiên, ông Thảo thừa nhận, cục bộ tại khu vực trước và sau khối hợp long hai nhịp giữa có hiện tượng không bằng phẳng dù trong quá trình thi công các bên tuân thủ chặt chẽ quy trình kiểm soát chất lượng, đặc biệt là độ vồng thi công các khối đúc hẫng và tổng thể trắc dọc cầu vẫn bảo đảm yêu cầu thiết kế.

Qua kiểm tra xem xét các báo cáo của tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, các số liệu quan trắc, số liệu đo đạc cao độ trắc dọc mặt cầu Bạch Đằng cho thấy, quá trình đưa vào khai thác, các thông số kỹ thuật của cầu, trụ tháp, mặt đường, dây văng,... thường xuyên được theo dõi, kiểm tra, quan trắc kết quả đạt yêu cầu thiết kế và duy trì ổn định kể từ khi đưa vào khai thác đến nay.

Mặt đường hoàn toàn không có hiện tượng hư hỏng hoặc lún võng. Đặc biệt, các yếu tố kỹ thuật của cầu chính dây văng gồm ổn định trụ tháp, ứng suất trong bê tông thân trụ, bê tông dầm chính, lực trong cáp văng, ... hoàn toàn bảo đảm yêu cầu thiết kế, an toàn chịu lực.

Tại thời điểm hợp long (ngày 28-4) và hoàn thành cầu (ngày 1-9), tuy phát hiện hiện tượng nêu trên nhưng mặt cầu vẫn đáp ứng tốc độ khai thác nên chủ đầu tư, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế, tư vấn công nghệ, nhà thầu thi công đã thống nhất tạm thời chưa bù vênh mặt cầu mà tiếp tục theo dõi trong vòng từ 3-4 tháng để cầu ổn định rồi mới tiến hành bù vênh.

“Do chưa thực hiện bù vênh trắc dọc ngay nên các điểm không bằng phẳng đó vẫn còn tồn tại, gây ra cảm giác lưu thông chưa êm thuận,” ông Thảo cho biết.

MINH TRANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/giao-thong/item/38252902-se-bu-venh-cau-bach-dang-vao-dau-thang-12-toi.html