Sẽ 'bơm' 4.000 tỷ đồng ưu đãi cho Vietnam Airlines

Ngân hàng Nhà nước cho biết dự kiến khoản tín dụng ưu đãi 4.000 tỉ đồng hỗ trợ Vietnam Airlines cuối tháng 6, đầu tháng 7 sẽ được giải ngân.

Sáng 21/6, tại buổi họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, định hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú và các cán bộ lãnh đạo của NHNN đã thông tin về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng thời gian qua.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về gói "giải cứu" đối với Vietnam Airlines, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, cho biết đối với chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines đến nay đã có 3 tổ chức tín dụng là SeaBank, Hàng Hải (MSB) và SHB đã có cam kết tài trợ cho Vietnam Airlines vay với tổng số tiền là 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước. Các tổ chức tín dụng và Vietnam Airlines đang tích cực triển khai các thủ tục đàm phán thống nhất ký kết hợp đồng tín dụng để sớm giải ngân dự kiến trong cuối tháng 6, đầu tháng 7 năm 2021.

Trước đó, Vietnam Airlines kiến nghị gói trợ cấp trị giá 12.000 tỷ đồng, gồm việc cho vay tái cấp vốn (4.000 tỷ đồng) và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ (8.000 tỷ đồng) để tháo gỡ khó khăn vì Covid-19.

Ngoài ra, trong giai đoạn trung và dài hạn, Chính phủ bảo lãnh cho Vietnam Airlines phát hành trái phiếu 10 năm, quy mô 10.000 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội bay giai đoạn 2021-2025.

Cuối tháng 11/2020, Quốc hội đồng ý "giải cứu" Vietnam Airlines với việc cho phép NHNN thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần với ngân hàng để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cuối tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đồng ý để Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn không có tài sản bảo đảm cho các ngân hàng để cho Vietnam Airlines vay trước 31-12-2021, lãi suất 0%/năm, được trích lập dự phòng trong 3 năm. Tổng số tiền giải ngân tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng tối đa là 4.000 tỷ đồng.

Báo cáo của Bộ KH-ĐT mới đây cho biết, dự kiến số lỗ trong quý 1/2021 của Vietnam Airlines ở mức 4.800 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỷ đồng.

Hiện tại, số nợ phải trả quá hạn lên tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản.

Đáng chú ý, theo báo cáo, trong khi các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói giải cứu 12.000 tỷ đồng của Chính phủ nên không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp hoặc không gia hạn, hoặc cấp tiếp hạn mức tín dụng.

Vietnam Airlines hiện đang đối mặt với rủi ro kiện tụng pháp lý với số nợ quá hạn quá cao và rủi ro trong việc không cân đối trả các khoản vay ngắn hạn đến hạn tại các ngân hàng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 đã kiểm toán, Vietnam Airlines đang vay ngắn hạn (không có tài sản đảm bảo) gần 6.800 tỷ đồng và vay dài hạn gần 9.000 tỷ đồng. Trong đó Vietcombank đang là ngân hàng cho vay nhiều nhất với tổng cộng 7.500 tỷ đồng, tiếp theo là BIDV với tổng cộng 2.600 tỷ đồng. Ngoài ra, Techcombank có dư nợ 849 tỷ đồng, SeABank 460 tỷ đồng,...

(Theo Người Lao Động)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/ngan-hang-nha-nuoc-uu-dai-cho-vietnam-airlines-747759.html