Sẽ bỏ trần lãi suất vốn vay dự án PPP

Bộ Tài chính vừa có dự thảo thông tư quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công- tư (PPP) và chi phí lựa chọn nhà đầu tư.

Cầu Bạch Đằng được đầu tư theo hình thức BOT, do chính người Việt Nam tự đầu tư, thiết kế, tổ chức thi công vừa khánh thành ngày 1/9 - Ảnh: Đỗ Phương

Điểm đáng chú ý nhất của dự thảo Thông tư là Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định khống chế mức lãi suất tính toán trong phương án tài chính của các dự án PPP không được vượt quá 1,5 lần lãi suất TPCP.

Thị trường hóa lãi suất vốn vay

Tại Khoản 3, Điều 17, dự thảo Thông tư quy định: Trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, mức lãi suất vốn vay được xác định trên cơ sở hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư được lựa chọn; trường hợp chỉ định nhà đầu tư, cấp có thẩm quyền cho phép nhà đầu tư chịu trách nhiệm quyết định mức lãi suất vốn vay trên cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi, hồ sơ mời thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cụ thể, căn cứ xác định mức lãi suất vốn vay trong các bước lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, hồ sơ mời thầu để cấp có thẩm quyền phê duyệt được quy định rõ tại Khoản 2, Điều 17: “Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm tham khảo mức lãi suất Trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn tương ứng với thời gian hợp đồng dự án và lãi suất cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng thương mại làm căn cứ tính toán lãi suất vốn vay trong phương án tài chính của dự án”.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Triệu Thọ Hân, Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), cơ quan chủ trì xây dựng Thông tư cho biết, trước đây, khi xây dựng phương án tài chính để phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án PPP, đối với phần lãi vay cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải dựa vào lãi suất TPCP. Trong đó, Thông tư 55/2016 quy định, lãi suất vốn vay không vượt quá 1,3 lần lãi suất TPCP, Thông tư 75/2017 khống chế lãi vay của các dự án không vượt quá 1,5 lần của lãi suất TPCP.

“Trong dự thảo thông tư mới, Bộ Tài chính cho phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào lãi suất cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng thương mại tương ứng với kỳ huy động vốn của từng dự án để phê duyệt báo cáo nghiên cứu. Đây là quy định mới so với Thông tư 55/2016 và Thông tư 75/2017. Quan điểm của chúng tôi là thị trường hóa lãi suất, còn vay được vốn hay không phụ thuộc vào năng lực của các nhà đầu tư”, ông Hân chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, quy định khống chế trần lãi suất vốn vay các dự án PPP của Bộ Tài chính bằng lãi suất TPCP trong các thông tư trước đây gặp phản ứng rất mạnh từ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư và ngân hàng vì mức lãi suất quá thấp, chênh lệch lớn so với lãi suất thị trường (khoảng 2-3%), khiến không nhà đầu tư nào vay được vốn và các ngân hàng cũng không dám cho vay để đầu tư hạ tầng.

“Đầu tư vào cơ sở hạ tầng bằng PPP là đầu tư dài hạn, tổng vốn đầu tư cao, thời gian thu hồi vốn kéo dài, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Lãi suất huy động của các ngân hàng đã khoảng 6-7%/năm, nếu đem cho vay dài hạn với lãi suất cũng chỉ khoảng 7% là khó khả thi. Vì vậy, đến nay, Bộ Tài chính buộc phải thay đổi quy định về lãi suất vốn vay”, ông Long nói.

Tuy nhiên, ông Long cho rằng, căn cứ xác định lãi suất vốn vay bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng thương mại trong dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính vẫn chưa quy định rõ các ngân hàng thương mại của đối tượng nào. “Nếu là đối tượng ưu tiên cho vay thì lãi suất chắc chắn sẽ thấp, còn đối tượng vay là thương mại, lãi suất lại khác, lãi suất tính theo giá thị trường. Bây giờ, Bộ Tài chính phải quy định cụ thể lãi suất vốn vay xác định bằng lãi suất trung và dài hạn của các ngân hàng thương mại cho đối tượng nào vay, chứ không thể quy định chung chung thế được”, ông Long nói.

Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định khống chế mức lãi suất tính toán trong phương án tài chính của các dự án PPP (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn) - Ảnh: Đình Quang

Cần quy định rõ đối tượng dự án được áp dụng

Từng có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư tài chính, ông Trần Văn Thế, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, căn cứ tính lãi suất vốn vay của các dự án PPP bằng lãi suất của các ngân hàng thương mại, trước đây đã được Bộ Tài chính quy định tại Thông tư 166/2011. Tuy nhiên, sau khi sửa đổi, thay thế Thông tư 166/2011 bằng các Thông tư 55/2016, Thông tư 75/2017, Bộ Tài chính lại bỏ đi quy định xác định lãi vay bằng mức lãi suất bình quân của các ngân hàng thương mại.

Bộ GTVT đề xuất hai phương án xác định lãi vay

Để tháo gỡ những vướng mắc trong việc xác định lãi suất huy động vốn đầu tư các dự án BOT lĩnh vực GTVT, trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 55/2016 theo hai phương án. Thứ nhất, mức lãi suất vốn vay được xác định trên nguyên tắc không vượt lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng + biên độ 4% của 4 ngân hàng thương mại cổ phần lớn tại thời điểm phê duyệt đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi. Thứ hai, mức lãi suất vốn vay được xác định trên nguyên tắc không vượt lãi suất cho vay trung và dài hạn của 4 ngân hàng thương mại cổ phần lớn tại thời điểm phê duyệt đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi.

“Tinh thần trong dự thảo thông tư mới lần này của Bộ Tài chính phù hợp với nguyện vọng của các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Bởi, tính lãi suất vốn vay bằng mức bình quân trung và dài hạn của các ngân hàng thương mại sẽ phản ánh đúng nhất về giá vốn, lãi suất của thị trường tài chính Việt Nam, đảm bảo phần lãi vay cho nhà đầu tư để trả nợ ngân hàng”, ông Thế nói. Tuy nhiên, ông Thế đánh giá, việc làm chính sách của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thời gian qua rất lúng túng và tụt hậu. “Thông tư thay đổi nhiều lần, sau đó lại quay trở về quy định cũ, gây rất nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư trong thời gian dài. Tại sao trước khi ban hành các thông tư sửa đổi, bổ sung, ý kiến các nhà đầu tư, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, tổ chức tín dụng không được Bộ Tài chính tiếp thu mà lại cứ làm chính sách theo kiểu ngẫu hứng? Sau này thấy khuyết điểm lại thay đổi về quy định cũ”, ông Thế băn khoăn.

Ông Thế cũng cho rằng, trong dự thảo thông tư mới, Bộ Tài chính cần phải quy định rõ các điều khoản chuyển tiếp. “Những dự án mới được áp dụng theo quy định của thông tư là điều hiển nhiên. Nhưng các dự án đang trong quá trình đầu tư, dự án đang đấu thầu thì thế nào? Đặc biệt, những dự án vừa qua đã áp dụng chính sách cũ của các Thông tư 55/2016, Thông tư 75/2017 có được áp dụng không? Bộ Tài chính phải quy rõ những đối tượng được áp dụng theo chính sách của thông tư này”, ông Thế nói.

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, các dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện bằng hình thức PPP đang trong quá trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và lãi suất vốn vay của các dự án để tạm tính phương án tài chính áp dụng theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính. Ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP - Bộ GTVT) cho biết, để điều chỉnh lãi suất vốn vay trong phương án tài chính của các dự án, Thông tư mới của Bộ Tài chính bắt buộc phải có điều khoản để các dự án này áp dụng được như dự án đã phê duyệt nhưng chưa đấu thầu thì được phép áp dụng…

“Trường hợp không được áp dụng sẽ không vay được vốn để triển khai các dự án này”, ông Huy nói.

Liên quan đến vấn đề này, thông tin với Báo Giao thông, ông Triệu Thọ Hân nói: “Đối với các dự án cao tốc Bắc - Nam nếu đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi rồi nhưng chưa đấu thầu thì có thể phê duyệt lại. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, nếu có sự biến động lớn đối với phần lãi vay xem xét điều chỉnh lại”.

Đình Quang

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/se-bo-tran-lai-suat-von-vay-du-an-ppp-d271765.html