Sẽ bỏ quy định hạn mức giao dịch cá nhân ví điện tử 20 triệu/ngày

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Thanh toán, NHNN sẽ tiếp thu và bãi bỏ quy định hạn mức giao dịch 20 triệu đồng/ngày của ví điện tử cá nhân và giữ nguyên hạn mức 100 triệu đồng/tháng.

Trước đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra góp ý "hạn mức thanh toán 20 triệu đồng/ngày cho của cá nhân là không phù hợp thực tế bởi nhiều mặt hàng điện tử và dịch vụ du lịch hiện đã có giá bán vượt quá con số này".

Theo đó, NHNN đã khẳng định sẽ bãi bỏ hạn mức giao dịch hàng ngày/cá nhân và chỉ quy định 100 triệu đồng/cá nhân/tháng.

Thống kê của NHNN cho thấy, giá trị thanh toán qua mỗi ví điện tử mới là 58.000 đồng/ngày, tức mỗi tháng chỉ khoảng 1,74 triệu đồng. Hạn mức bình quân cho mỗi ví điện tử của cá nhân trên toàn cầu chỉ là 206 USD/tháng, tức khoảng 5 triệu đồng.

Như vậy, theo đại diện NHNN, so với quốc tế thì hạn mức 100 triệu đồng/tháng/cá nhân của Việt Nam là không hề thấp.

Ngoài ra, nhà quản lý này cho rằng, vẫn đang có hiện tượng “ví đại lý” làm dịch vụ nhận và chuyển tiền từ ví sang ví, hoặc cho phép người dùng rút tiền mặt ra. Điều này khiến các đại lý trở thành điểm giao dịch tiền mặt, tức lúc này hoạt động của ví điện tử lại cổ vũ cho việc sử dụng tiền mặt.

Mới đây, đề án xin phép thí điểm mobile money của Tập đoàn Viettel và VNPT cũng được xem là một loại ví điện tử. Do đó, dự kiến hạn mức thanh toán của loại ví này thậm chí chỉ từ 5-10 triệu đồng/tháng.

Cũng theo ông Phạm Tiến Dũng, việc quy định hạn mức giao dịch của ví điện từ xuất phát từ nhu cầu phải “bịt kín” kẽ hở trong quy trình xác thực khách hàng hiện nay (gọi tắt là KYC).

Hiện quy trình này tại Việt Nam vẫn còn chưa thật sự hoàn chỉnh, nên khi một số vụ việc nghi ngờ lừa đảo, rửa tiền… xảy ra thông qua ví điện tử thì cơ quan chức năng không thể nào xác minh được người chủ ví thực sự.

Riêng đối với quy định yêu cầu khách hàng xác thực thông tin cá nhân, do thực tế đã xảy ra một số vụ việc nhưng không xác định được người dùng số điện thoại đó là ai nên cần phải đăng ký thông tin với nhiều hình thức xác thực khác nhau.

Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), thanh toán điện tử của Việt Nam tăng trưởng vào hàng cao nhất thế giới (35%/năm). Do đó, ví điện tử một vài năm gần đây cũng bùng nổ về số lượng với hàng chục triệu ví đã có mặt trên thị trường. Tuy nhiên, đến hết năm 2018 cũng mới có khoảng 4,2 triệu ví được kết nối với tài khoản ngân hàng. Giao dịch qua ví điện tử mới chiếm khoảng 1% tổng giá trị thanh toán không dùng tiền mặt trên toàn hệ thống.

Anh Minh

Nguồn Thương Gia: http://thuonggiaonline.vn/se-bo-quy-dinh-han-muc-giao-dich-ca-nhan-vi-dien-tu-20-trieungay-23849.htm