Sẽ 'bêu' tên doanh nghiệp nợ bảo hiểm

BHXH tỉnh Khánh Hòa vừa đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp nhằm khắc phục nợ đọng BHXH trong 3 tháng cuối năm 2018. Phó Giám đốc BHXH tỉnh Khánh Hòa Lê Hùng Chính cho biết, tổng số nợ BHXH, BHYT và lãi chậm đóng tính đến ngày 31.8 trên địa bàn tỉnh là hơn 1.982 tỉ đồng. Trong đó 1.055 đơn vị nợ từ 1 - 3 tháng, 225 đơn vị nợ từ 3 - 6 tháng và 220 đơn vị nợ từ 6 tháng trở lên.

Kiểm tra, thu hồi nợ bảo hiểm của chi nhánh Cty Tập đoàn Mai Linh tại Khánh Hòa. Ảnh: N.B

Phần lớn nợ BHXH là do doanh nghiệp cố tình

Nguyên nhân nợ BHXH, BHYT xuất phát từ nhiều phía, trong đó phải kể đến là do áp lực về việc làm, nên NLĐ chưa mạnh dạn đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình; ý thức tuân thủ pháp luật của chủ sử dụng lao động còn chưa tốt, cố tình trốn đóng BHXH (cá biệt có DN đã trích từ tiền lương của NLĐ nhưng không nộp cho cơ quan BHXH).

Trước tình hình trên, BHXH tỉnh đã đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp nhằm khắc phục nợ đọng BHXH trong 3 tháng cuối năm 2018. Theo đó, BHXH tỉnh đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện thanh tra đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính đối với 470 đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên (đã trừ 5 đơn vị “mất tích”, giải thể ngừng hoạt động sau ngày 31.8) vì đây là những đơn vị đã vi phạm pháp luật về BHXH và do điều kiện thời gian, lực lượng thanh tra, kiểm tra còn mỏng, còn phải thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra thường xuyên.

Cụ thể tổ chức thanh tra đột xuất tại 271 đơn vị có số nợ lớn và gửi công văn đôn đốc khắc phục tại 169 đơn vị và giao trách nhiệm như sau: BHXH tỉnh chủ trì thực hiện thanh tra đột xuất thu hồi nợ 100 đơn vị; Sở LĐTBXH chủ trì thực hiện thanh tra đột xuất thu hồi nợ 12 đơn vị; Tổ công tác liên ngành thu nợ BHXH, BHYT thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất thu hồi nợ tại 8 đơn vị và gửi công văn đôn đốc cho 169 đơn vị yêu cầu khắc phục nợ; UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo thực hiện thanh tra đột xuất thu hồi nợ đối với 151 DN trên địa bàn quản lý. Hàng tháng sau khi chốt số nợ BHXH và BHYT, các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên cập nhật tình hình nộp tiền nợ BHXH của các đơn vị trong danh sách gửi đến các cơ quan chủ trì cuộc thanh tra biết, theo dõi, đề xuất thành lập đoàn thanh tra đột xuất theo quy định nhằm tránh tình trạng đơn vị đã nộp hết tiền nợ còn đề xuất đi thanh tra.

Đồng loạt triển khai nhiều giải pháp

BHXH cũng đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xem xét trách nhiệm Đảng viên, trách nhiệm người đứng đầu đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, các DN có vốn Nhà nước cố tình vi phạm, nợ đọng BHXH; không xét thi đua về công tác Đảng và chính quyền đối với các đơn vị nợ BHXH, BHYT; đối với các khối thi đua của tỉnh (kể cả khối DN có vốn Nhà nước) không xét thi đua hằng năm đối với đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN; không tiếp nhận hồ sơ dự thầu, chỉ định thầu các dự án từ nguồn vốn đầu tư công đối với đơn vị nợ BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh.

Theo chỉ đạo và hướng dẫn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sắp tới đây, BHXH tỉnh sẽ thực hiện rà soát, cho đăng tải công khai danh sách các DN nợ BHXH từ 3 tháng trở lên hoặc dưới 3 tháng nhưng có số nợ lớn trên các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan báo, đài của tỉnh, địa phương và trang thông tin điện tử của BHXH tỉnh để tạo sự công bằng, minh bạch và nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH của các cá nhân và DN.

Về hình thức xử lý sau thanh tra đột xuất thu hồi nợ, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Khánh Hòa Lê Hùng Chính cho biết, trường hợp đơn vị cố tình vi phạm, giao cơ quan BHXH là đầu mối phối hợp với Sở LĐTBXH thiết lập hồ sơ nợ chuyển sang cơ quan điều tra xử lý theo quy định tại Điều 214, 215, 216 Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1.1.2018.

NHIỆT BĂNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/se-beu-ten-doanh-nghiep-no-bao-hiem-636647.ldo