Sẽ báo cáo kết quả giám sát với Quốc hội bằng hình ảnh

Tại kỳ họp thứ bảy, việc báo cáo kết quả giám sát trước Quốc hội sẽ có đổi mới. Đoàn giám sát sẽ sử dụng hình thức báo cáo bằng hình ảnh trước Quốc hội, góp phần chuyển tải sinh động về kết quả giám sát chuyên đề.

Thông tin này được nêu ra tại cuộc họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội Khóa XIV, chiều 17-5, tại Nhà Quốc hội. Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, chủ trì họp báo.

 Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc điều hành cuộc họp báo.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc điều hành cuộc họp báo.

Trình bày tóm tắt nội dung, chương trình dự kiến tại Kỳ họp thứ bảy, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tại kỳ họp này, theo thông lệ của chương trình nghị sự kỳ họp giữa năm, Quốc hội chủ yếu tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (12 ngày, chiếm tỷ lệ gần 60% tổng thời gian của kỳ họp). Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác (8 ngày, trong đó có 2,5 ngày dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội).

Cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật và 2 dự thảo nghị quyết. Đó là các dự án, dự thảo: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ (theo quy trình tại một kỳ họp); Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Quốc hội sẽ cho ý kiến với 9 dự án luật, gồm: Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Quang cảnh cuộc họp báo.

Về hoạt động giám sát tối cao, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Tại kỳ họp này, dự kiến, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày cho việc chất vấn và trả lời chất vấn theo các nhóm vấn đề, được lựa chọn dựa trên ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói, hình thức chất vấn tất cả các thành viên Chính phủ như tại Kỳ họp thứ sáu vừa qua chỉ diễn ra vào Kỳ họp cuối năm giữa nhiệm kỳ. Hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ bảy cũng như các Kỳ họp Quốc hội khác diễn ra theo thông lệ. Quốc hội sẽ lựa chọn 4 nhóm vấn đề, thuộc lĩnh vực của thành viên Chính phủ nào thì thành viên Chính phủ ấy sẽ trả lời chất vấn.

Cũng tại cuộc họp báo, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời các câu hỏi của phóng viên về việc thí điểm sử dụng phần mềm để phục vụ hoạt động của đại biểu Quốc hội; việc hướng tới xây dựng Quốc hội điện tử; việc ban hành nghị quyết để xử lý kịp thời tình trạng lái xe sau khi uống rượu, bia.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi trả lời câu hỏi của phóng viên về phòng, chống tác hại của rượu, bia; việc sửa đổi Bộ luật Lao động cho phù hợp với Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Luật Công đoàn sẽ được sửa đổi sau Bộ luật Lao động một kỳ họp.

Phó tổng thư ký Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, để thực hiện yêu cầu về cam kết của Việt Nam tại Hiệp định Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ theo quy trình tại một kỳ họp.

Tin, ảnh: CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/se-bao-cao-ket-qua-giam-sat-voi-quoc-hoi-bang-hinh-anh-574347