Sẽ báo cáo Bộ GTVT về kế hoạch tăng máy bay của Bamboo Airways

Các hãng hàng không có thể huy động được các nguồn vốn để thành lập một hãng hàng không, ký hợp đồng mua tàu bay rất lớn, nhưng con người là vấn đề phải quan tâm.

Sau khi “giấc mơ” cất cánh đã trở thành hiện thực vào đầu năm nay, Công ty Trách nhiệm hữu hạn hàng không Tre Việt (Bamboo Airways của Tập đoàn FLC) vừa có động thái kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải được điều chỉnh vốn điều lệ, cùng với đó là tăng đội tàu bay khai thác lên trên 30 chiếc nhằm ‘phủ sóng’ khoảng 40 đường bay nội địa và quốc tế trong năm 2019 như kế hoạch đề ra.

Nâng quy mô đội tàu bay

Theo đó, Bamboo Airways vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc xin cấp lại Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không do thay đổi về người đại diện pháp luật; bổ sung thêm chi nhánh; tăng vốn điều lệ lên 1.300 tỷ đồng (vốn điều lệ theo Giấy phép hiện tại là 700 tỷ đồng); thay đổi phạm vi hoạt động thành kinh doanh vận chuyển quốc tế, nội địa và khai thác trên 30 tàu bay (hiện tại kinh doanh vận chuyển quốc tế, nội địa đến 10 tàu bay).

Về vấn đề này, theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, Cục đã thực hiện thẩm định và Công ty Tre Việt có đủ điều kiện để được cấp lại Giấy phép Kinh doanh vận chuyển hàng không với nội dung thay đổi người đại diện theo pháp luật, tăng vốn điều lệ, bổ sung danh sách chi nhánh.

Tuy nhiên, đối với nội dung thay đổi phạm vi hoạt động kinh doanh vận chuyển quốc tế, nội địa và khai thác trên 30 tàu bay, Cục Hàng không nhận định, đây là vấn đề cần xem xét một cách kỹ lưỡng, thấu đáo trên cơ sở các quy định của pháp luật, nhu cầu thị trường, sự phù hợp với kết cấu hạ tầng cảng hàng không cũng như năng lực của Công ty Tre Việt và thực tiễn việc đảm bảo giám sát an toàn hàng không của Cục Hàng không Việt Nam.

“Cục Hàng không đã yêu cầu Công ty Tre Việt giải trình rõ về việc nguồn lực đảm bảo khai thác tàu bay an toàn, an ninh và cung cấp các hợp đồng tuyển dụng lao động đã ký kết, các hợp đồng cung cấp dịch vụ mặt đất, kế hoạch chi tiết việc tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực khai thác đội tàu bay lên đến 40 chiếc trong năm 2019,” văn bản Cục Hàng không nêu rõ.

Ngoài ra, phía Cục Hàng không cũng cho rằng, với nguồn lực hiện tại (đã tính cả biên chế được phê duyệt năm 2019 và lực lượng giám sát viên an toàn hàng không ký hợp đồng làm việc cho Cục), Cục Hàng không đã thông báo cho Công ty Tre Việt về việc Cục Hàng không chỉ đảm bảo quản lý được đến 256 tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam (bao gồm cả các tàu bay trực thăng và tàu bay hàng không chung).

“Với kế hoạch khai thác 40 tàu bay của Công ty Tre Việt vào năm 2019 và kế hoạch nhận tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam đến thời điểm 31/12/2019 là 277 tàu bay, tăng 61 tàu bay so với hiện tại và vượt quá 21 tàu bay so với năng lực giám sát của Cục,” lãnh đạo Cục Hàng không thừa nhận.

Do đó, Cục Hàng không Việt Nam sẽ có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải sau khi Công ty Tre Việt có văn bản giải trình và cung cấp các tài liệu đảm bảo khả năng khai thác đội tàu bay lên đến 40 chiếc trong năm 2019 và đánh giá của Cục Hàng không về vấn đề này, cũng như thực tiễn nguồn nhân lực thực hiện công tác kiểm tra, giám sát an toàn hàng không của Cục,” văn bản Cục Hàng không nêu rõ.

Lo ngại nguồn nhân lực, an toàn bay?

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đặt ra sự băn khoăn khi Bamboo Airways đưa về nhiều tàu bay thế hệ mới thì làm sao đảm bảo an ninh, an toàn cho hành khách, đe dọa an toàn khai thác, tiềm ẩn rủi ro tai nạn, đặc biệt là vấn đề quá tải tại các sân bay trong đó nhiều nhất sân bay Tân Sơn Nhất khi nhà ga T3 và Long Thành chưa khởi động.

Theo một chuyên gia hàng không, cơ quan quản lý Nhà nước cần đưa các vấn đề này lên tầm lớn hơn chính là cần xác định quy hoạch phát triển hàng không đảm bảo đồng bộ tốc độ phát triển của tất cả yếu tố tương đồng nhau gồm phát triển quy mô đội tàu bay phù hợp tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao như phi công kỹ sư, năng lực quản lý, giám sát nhà chức trách để đảm bảo ngành hàng không phát triển bền vững, đảm bảo an toàn tuyệt đối khai thác.

“Kiểm soát được tốc độ phát triển của đội tàu bay không có nghĩa dừng phát triển. Phát triển nóng ngoài gây áp lực cho cơ sở hạ tầng, năng lực quản lý nhà chức trách còn gây áp lực lên tìm kiếm nguồn nhân lực, trong bối cảnh đào tạo phi công kỹ sư ở nước ta chỉ có duy nhất một nguồn từ Vietnam Airlines nên dẫn đến cuộc chiến giành giật, ‘cướp’ phi công bằng cách nâng lương và hãng hàng không thành lập sau này sẽ lại phải nhảy vào cuộc chiến ‘kim tiền’ để có phi công...,” vị chuyên gia này phân tích.

[Đảm bảo an ninh, an toàn hàng không là nhiệm vụ quan trọng đặc biệt]

Ông Phạm Văn Hảo, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, nhà chức trách hàng không cũng phải đủ năng lực để kiểm tra, kiểm soát. Trong trường hợp không đủ năng lực, nhà chức trách hàng không nước ngoài, Tổ chức Hàng không dân dụng Thế giới (ICAO) sẽ khuyến cáo ngay là không đủ năng lực. Chưa kể, Cục Hàng không liên bang Mỹ phải đánh giá năng lực của nhà chức trách hàng không, các hãng hàng không mới có thể mở đường bay thẳng đến Mỹ.

Khẳng định muốn phát triển hàng không bền vững, ông Hảo cho rằng, điều đầu tiên phải đảm bảo an toàn, an ninh tốt nhất. An toàn, an ninh không chỉ đến từ nhà chức trách, hãng hàng không mà cả cảng hàng không, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không.

“Hàng không không chỉ phải chấp hành quy định trong nước mà cả quốc tế. Với hàng không, an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Nếu hãng hàng không chỉ chạy theo lợi nhuận, không đáp ứng được vấn đề về an toàn, khó có thể tồn tại. Lịch sử phát triển ngành hàng không đã chứng minh điều này. An toàn không chỉ quyết định sự tồn tại của một hãng hàng không mà còn là danh dự, uy tín của cả một quốc gia,” ông Hảo nhìn nhận.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, các hãng hàng không có thể huy động được các nguồn vốn để thành lập một hãng hàng không, ký hợp đồng mua tàu bay rất lớn, nhưng con người là vấn đề phải quan tâm. Có phương tiện nhưng phải có người vận hành đảm bảo an toàn tuyệt đối./.

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, năm 2008 tổng số tàu bay của hàng không Việt Nam chỉ có 60 tàu. Còn hiện tại đã tăng lên gấp 3 lần, lên 192 tàu. Độ tuổi trung bình của đội tàu bay Việt Nam hiện nay chỉ là 5,8 tuổi, so với năm 2008 là 8,8 tuổi. Mạng đường bay của hàng không Việt Nam hiện có gần 60 đường bay nội địa và 130 đường bay quốc tế.

(Theo Vietnam+)

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/an-toan-giao-thong/se-bao-cao-bo-gtvt-ve-ke-hoach-tang-may-bay-cua-bamboo-airways_t114c1146n147699