Sẽ ban hành cơ chế thí điểm quản lý quy hoạch đô thị TP HCM

Tại buổi họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ (VPCP) tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết: Trong chương trình họp kỳ này, Chính phủ dành thời gian thảo luận về cơ chế, chính sách thí điểm để phát triển TP HCM, trong đó, một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu là thí điểm cơ chế quản lý đất đai, quy hoạch đô thị của TP.

Ảnh minh họa.

Đây là vấn đề được dư luận cả nước rất quan tâm bởi TP HCM là đầu tàu kinh tế có vị trí cực kỳ quan trọng, đóng góp GDP khoảng từ 27-28% GDP của cả nước, đóng góp Ngân sách chung của cả nước từ 25-26%.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, với một đầu tàu như thế cần có cơ chế thí điểm cho TP về 4 vấn đề: Cơ chế quản lý quy hoạch đô thị, quản lý đất đai; cơ chế quản lý về đầu tư; cơ chế quản lý về tài chính - ngân sách Nhà nước; cơ chế ủy quyền, về thu nhập cán bộ công nhân viên chức thuộc quyền quản lý của TP.

“Đây là những nội dung đã có văn bản quy phạm pháp luật ban hành, ngay cả luật, pháp lệnh, nhưng trong thực tiễn có thể chưa phù hợp, nên chúng ta phải thống nhất với nhau có cơ chế thí điểm đột phá, đổi mới, hiệu quả. Thứ hai, trong thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội rất cần nhưng chưa có quy định để điều chỉnh thì chúng ta cần thí điểm”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đang tiếp tục hoàn thiện để trình tại kỳ họp Quốc hội khóa 14. Đây là một nội dung được nêu trong chương trình nghị sự của Quốc hội. Thông tin tại buổi họp báo cũng đánh giá, công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ đã có nhiều đổi mới, quyết liệt và phát huy hiệu quả. Tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến rất tích cực trên tất cả các lĩnh vực.

Điển hình là theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh toàn cầu (Doing Business 2018), môi trường kinh doanh của Việt Nam có bước tiến vượt bậc, tăng 14 bậc từ 82 lên 68 (năm ngoái, Việt Nam tăng 9 bậc). Cũng theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam và Indonesia là hai nước có nhiều cải cách nhất trên thế giới trong 15 năm qua, mỗi nước có 39 cải cách.

Một tin đáng mừng khác là mới đây, tổ chức xếp hạng Moody’s cũng nâng đánh giá triển vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam từ ổn định lên tích cực. Trước đó, cuối tháng 9, Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng đã công bố năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, từ 60 lên 55 trong tổng số 137 nền kinh tế.

Các chỉ số phát triển trong nước cũng đang tiến triển khả quan, kinh tế vĩ mô cả nước tiếp tục ổn định: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2017 tăng nhẹ so với tháng trước, chỉ 0,41%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân so với cùng kỳ năm trước tiếp tục xu hướng giảm, tính chung 10 tháng đầu năm chỉ tăng 3,71% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, trong phạm vi mục tiêu của Quốc hội (dưới 4%).

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,7% so với cùng kỳ (9 tháng năm 2017 tăng 7,6%); tháng 10, khai khoáng tăng trưởng trở lại (tăng 2,1% trong khi đó tháng 9 giảm 6%) và 10 tháng chỉ còn giảm 7,4% (9 tháng năm 2017 giảm 8,1%); ngành chế biến, chế tạo tăng 10,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,2% (cao hơn mức tăng 7,3% cùng kỳ năm 2016). Một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao như: Bắc Ninh (32%), Hải Phòng (20%), Thái Nguyên (17,9%), Hải Dương (9,7%).

Vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đạt kỷ lục mới, tổng vốn đăng ký mới, bổ sung và mua cổ phần trên 28,2 tỷ USD, tăng 37,4%; vốn thực hiện đạt 14,2 tỷ USD, tăng 11,8%. Tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,69% so với tháng 12 năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 11,81%). Chứng khoán tăng cao nhất trong 9 năm, chỉ số VNIndex vượt mốc 840 điểm và được dự báo hướng tới mốc 900 điểm.

Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh đạt 173,7 tỷ USD, tăng 20,7%, gần gấp 3 lần mức tăng cùng kỳ 2016 (tăng 7,2%). Nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh như rau quả tăng 42,7%, điện tử, máy tính tăng 38,8%, điện thoại tăng 28,8%, máy móc, thiết bị, phụ tùng tăng 28%, thủy sản tăng 18,7%... Xuất siêu đạt 1,23 tỷ USD.

Có trên 105.000 doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 14,6% về số doanh nghiệp và tăng 43,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký đạt trên 1 triệu tỷ đồng (nếu tính cả doanh nghiệp tăng vốn bổ sung đạt trên 2,4 triệu tỷ đồng). Kết quả này sẽ tạo đà thuận lợi hơn để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu trong các tháng còn lại và mục tiêu phát triển bền vững của năm 2018.

Vân Anh

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/se-ban-hanh-co-che-thi-diem-quan-ly-quy-hoach-do-thi-tp-hcm.html