Scotland đã sẵn sàng 'ly hôn' Vương quốc Anh?

Theo Tạp chí The Economist của Anh, dù hiện nay đa số người dân Scotland ủng hộ vùng lãnh thổ này độc lập khỏi Vương quốc Anh, song Scotland vẫn chưa có cơ chế, công cụ để thực hiện.

Chặng đường để Scotland tách ra khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh sẽ còn gập ghềnh và nhiều thách thức. (Nguồn: Financial Times)

Chặng đường để Scotland tách ra khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh sẽ còn gập ghềnh và nhiều thách thức. (Nguồn: Financial Times)

Nước Anh trước nguy cơ tan rã

Ngày 28/1, khi Thủ tướng Anh Boris Johnson đáp máy bay đến Scotland để cố gắng thuyết phục người dân xứ này về giá trị của Vương quốc Liên hiệp Anh, mảnh đất dưới chân ông dường như đã sẵn sàng tách ra.

Nhiều người theo chủ nghĩa hợp nhất cho rằng Vương quốc Anh chắc chắn sẽ tan rã. Brexit đã khiến mối quan hệ giữa 4 vùng ngày càng thêm lỏng lẻo.

Số người Anh nghĩ rằng Scotland sẽ giành được độc lập trong 10 năm nữa nhiều gấp đôi số người cho rằng đất nước sẽ vẫn gắn kết. Chưa đến một nửa số người Anh nói rằng họ sẽ buồn nếu Scotland tách ra.

Đảng Dân tộc Scotland (SNP) dự kiến sẽ giành đa số trong cuộc bầu cử Quốc hội Scotland vào tháng 5 tới, và đảng này sẽ tận dụng cuộc bầu cử đó để tìm kiếm một cuộc trưng cầu ý dân lần hai về độc lập. Trong cuộc trưng cầu ý dân đầu tiên năm 2014, người dân Scotland đã bỏ phiếu ở lại Vương quốc Anh, nhưng hiện nay đa số bày tỏ muốn độc lập.

Bà Nicola Sturgeon, lãnh đạo SNP, có tỷ lệ ủng hộ cao, trong khi ông Boris Johnson không có được điều đó.

Brexit đang tàn phá ngành đánh bắt cá của Scotland. Người Scotland hiểu rằng độc lập sẽ khiến họ nghèo hơn, nhưng giống như Brexit, đó là chiến thắng của lý tưởng lập hiến trước lợi ích kinh tế.

Cơ hội mong manh cho Scotland

Tuy nhiên, đối với những người theo chủ nghĩa dân tộc Scotland, Vương quốc Anh dường như rất mạnh mẽ. Dù người Scotland ủng hộ độc lập, cơ chế phá vỡ Vương quốc Anh vẫn nằm ngoài tầm với.

Hôm 24/1, ông Michael Russell, Bộ trưởng chịu trách nhiệm về lập hiến của SNP, đã trình bày với các thành viên thiếu kiên nhẫn của mình một kế hoạch mới để thúc đẩy một cuộc trưng cầu ý dân. Cơ hội thành công của kế hoạch này rất mong manh.

Lý do chính là Hiến pháp Anh. Luật pháp Anh không có điều khoản nào tương đương với Điều 50 của Liên minh châu Âu (EU), điều khoản mà bất kỳ quốc gia nào có thể kích hoạt để tách ra độc lập. Đúng hơn, Đạo luật Scotland, đạo luật giúp thành lập Quốc hội Scotland, quy định lập pháp thuộc thẩm quyền của Westminster (Quốc hội Anh).

Chính phủ của ông David Cameron từng cấp phép cho cuộc trưng cầu ý dân năm 2014 bằng một chỉ thị theo Mục 30, theo đó cho phép Quốc hội Scotland thông qua điều luật thông thường thuộc thẩm quyền của Westminster.

Thủ tướng đương nhiệm Johnson tuyên bố ông sẽ không đưa ra một chỉ thị như vậy và khoảng thời gian chờ đợi giữa 2 cuộc trưng cầu ý dân ở Anh về châu Âu năm 1975 và 2016 là “một điều tốt” - hàm ý rằng sẽ không có cuộc trưng cầu ý dân tại Scotland cho đến năm 2055.

Tuy nhiên, chính phủ vẫn lo lắng về sự ủng hộ độc lập và đang vạch ra một chiến lược để củng cố Liên hiệp. Trong chuyến thăm Scotland, ông Johnson đã ca ngợi vai trò của Whitehall (chính phủ Anh) và Quân đội Anh trong việc cung cấp vaccine Covid-19 cho Scotland.

Ông không phải đối mặt với áp lực trong nội bộ đảng cầm quyền phải tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân như người tiền nhiệm Cameron đã làm về vấn đề châu Âu. Rạn nứt kéo dài về vấn đề độc lập ở Scotland sẽ cho phép những người Bảo thủ lấy được phiếu bầu của những người Scotland ủng hộ thống nhất.

Nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc biết điều này. Những lo ngại của phe dân tộc chủ nghĩa rằng độc lập có thể tuột khỏi tay họ nếu Thủ tướng Johnson giữ vững lập trường của tổ chức “Tất cả dưới một khẩu hiệu” (All Under One Banner) - một hội nhóm đã tổ chức các cuộc tuần hành đòi độc lập.

Việc Scotland độc lập đã giành được sự ủng hộ từ nhiều người dân. (Nguồn: Sohu)

Tại cuộc họp trực tuyến hôm 22/1, một số diễn giả đã kêu gọi đình công và biểu tình bên ngoài trụ sở của SNP, trong khi những người khác cáo buộc ban lãnh đạo đảng này ngày càng chấp nhận việc phân quyền.

Ông Angus MacNeil, Nghị sĩ SNP của khu vực Western Isles, cho rằng Thủ tướng Johnson sẽ không đời nào đồng ý trưng cầu ý dân lúc này và nói rằng SNP nên tận dụng cuộc bầu cử tháng 5 này như một cuộc bỏ phiếu về độc lập.

Bà Joanna Cherry, người có khả năng kế nhiệm bà Sturgeon, lập luận rằng Ireland đã giành được độc lập sau khi các nghị sĩ đảng Sinn Fein giành được thế đa số ở Ireland, nghĩa là không cần trưng cầu ý dân.

Một số nhà hoạt động thấy tiền lệ trong cách Kosovo và Litva tách ra.

Dấu mốc lịch sử

Câu chuyện trên khiến nhóm của bà Sturgeon khó chịu. Bà khẳng định bất kỳ cuộc trưng cầu ý dân nào cũng phải vượt qua vấn đề pháp lý. Nếu không, đó sẽ là một ngõ cụt, bởi EU, mục tiêu mà Scotland tìm cách gia nhập khi độc lập, sẽ bác bỏ kết quả đó.

Scotland cũng sẽ phải mặc cả với chính phủ Anh về ngư trường và lương hưu trong các cuộc đàm phán “ly hôn” kéo dài. Bế tắc sau cuộc trưng cầu ý dân bất hợp pháp của vùng Catalonia (Tây Ban Nha) năm 2017 là một lời cảnh báo.

Nếu SNP giành chiến thắng vào tháng 5 tới, đảng này sẽ một lần nữa yêu cầu Thủ tướng Johnson ra chỉ thị theo Mục 30. Và nếu ông Johnson từ chối, Quốc hội Scotland sẽ thông qua một dự luật trưng cầu ý dân và thách thức chính phủ đưa vụ việc ra Tòa án tối cao.

Chính phủ Anh cho rằng dù kết quả bầu cử thế nào, Quốc hội Scotland cũng không có quyền tổ chức trưng cầu ý dân và nếu Tòa án tối cao (có vẻ) sẽ ra phán quyết có lợi cho chính phủ Scotland, Quốc hội Anh có thể nhanh chóng thay đổi luật để bác bỏ cuộc bỏ phiếu này.

Ngoài ra, London có thể gọi những người theo chủ nghĩa dân tộc là trò lừa bịp và thách thức bà Sturgeon tổ chức cuộc trưng cầu ý dân “bất hợp pháp” mà bà đã cố gắng tránh.

Ông Douglas Ross, lãnh đạo của đảng Bảo thủ tại Scotland, cho biết sẽ tẩy chay bất kỳ cuộc thăm dò “không chính thức” nào.

Stephen Tierney, Giáo sư lý thuyết lập hiến tại Đại học Edinburgh, lưu ý rằng sự chia rẽ lập hiến của Scotland có nguy cơ trở nên sâu sắc hơn nếu Whitehall và chính phủ Scotland không thể thống nhất các quy tắc giải quyết những chia rẽ đó.

Dù khó có thể nói là không thể tránh khỏi, nhưng sự tan rã của Vương quốc Anh sẽ là một dấu mốc lịch sử. Kể từ khi SNP ra đời vào năm 1934, hơn 100 vùng/quốc gia đã giành được độc lập. Hầu hết các nước này đều được sinh ra từ chiến tranh, phi thực dân hóa hoặc kinh tế sụp đổ.

Tách ra từ một nền dân chủ thịnh vượng trong thời bình là một vấn đề khác. Bà Nicola McEwen, Giáo sư về chính trị lãnh thổ tại Đại học Edinburgh, nhận xét: “Có rất nhiều ví dụ về các phong trào dân tộc chủ nghĩa ở các nước dân chủ tiên tiến, nhưng không có phong trào nào trong số này dẫn đến độc lập”.

(theo The Economist)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/scotland-da-san-sang-ly-hon-vuong-quoc-anh-135637.html