SCIC muốn bán trọn lô hơn 46 triệu cổ phần FPT

Phiên đấu giá này không dành cho nhà đầu tư ngoại do đã hết room. Nhà đầu tư trong nước sẽ phải bỏ ra ít nhất 2.273 tỷ đồng để mua trọn lô cổ phần này.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vừa công bố thông tin bán đấu giá toàn bộ cổ phần đang nắm giữ tại Công ty cổ phần FPT (mã FPT, sàn HoSE).

Theo đó, SCIC chào bán theo hình thức đấu giá cả lô hơn 46 triệu cổ phần phổ thông của FPT, với giá khởi điểm là 49.400 đồng/cổ phần, bước giá 100 đồng/cổ phần. Như vậy, nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra ít nhất 2.273 tỷ đồng để mua trọn lô cổ phần này.

Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không được tham gia đấu giá do tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoại tại FPT đã đạt mức tối đa (49%).

Thời gian đăng ký và nộp tiền cọc là từ ngày 31/7 đến 6/8, buổi đấu giá dự kiến tổ chức ở Sở giao dịch Chứng khoán TP. HCM vào 14h30 ngày 7/8.

Tòa nhà FPT Đà Nẵng

FPT tiền thân là Công ty Công nghệ Thực phẩm (The food Processing Technology Company), thành lập vào năm 1988. Năm 2006, doanh nghiệp này bắt đầu niêm yết chính thức trên sàn HoSE với mã FPT. FPT hiện kinh doanh chủ yếu ở mảng công nghệ, viễn thông và giáo dục.

Về cơ cấu cổ đông của FPT, hiện Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang nắm giữ 5,87% vốn điều lệ, Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình nắm giữ 7,07% vốn điều lệ. Nhóm cổ đông nước ngoài đang sở hữu hơn 384 triệu cổ phần, tương ứng 49% vốn điều lệ. Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không được tham gia đấu giá do đã hết room dành cho nhà đầu tư ngoại.

Việc thoái vốn FPT đã được SCIC lên kế hoạch cách đây hơn 3 năm, tuy nhiên đến nay công ty này mới chính thức đấu giá công khai cổ phần FPT. Đơn vị tư vấn cho thương vụ thoái vốn lần này là CTCP Chứng khoán MB.

Buổi đấu giá dự kiến tổ chức ở Sở giao dịch Chứng khoán TP. HCM vào 14h30 ngày 7/8/2020. Thời gian đăng ký và nộp tiền cọc là từ ngày 31/7/2020 đến 16h00 6/8/2020, thời gian nộp phiếu tham dự đấu giá là từ 9h00 đến 14h00 ngày 7/8/2020.

Thương vụ bán vốn FPT gây chú ý không chỉ do số tiền dự kiến thu về lớn mà còn bởi bản thân doanh nghiệp này cũng là một trong các “con gà đẻ trứng vàng” trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Cổ phiếu FPT nằm trong rổ chỉ số VN30 - nhóm các cổ phiếu có vốn hóa lớn và thanh khoản cao giao dịch trên HoSE. Về kết quả kinh doanh của FPT, doanh thu thuần năm 2019 đạt trên 27.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ghi nhận trên 4.600 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,4% và 20,92% so với năm 2018.

Mặc dù tốc độ tăng lợi nhuận trong tháng 4 và 5 giảm do tình hình dịch bệnh, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 5 tháng đạt 1.325 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020, FPT đạt doanh thu thuần trên 6.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt trên 1.100 tỷ đồng, tăng lần lượt 17% và 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

FPT đặt mục tiêu năm 2020 đạt doanh thu 32.450 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5.510 tỷ đồng, tương ứng tăng 17% và 18% so với năm trước.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu FPT hiện đang giao dịch ở mức giá 48.650 đồng/cổ phiểu (giá đóng cửa ngày 13/7). Vốn hóa thị trường của FPT hiện đạt hơn 37.000 tỷ đồng.

Ngoài thương vụ thoái vốn đáng chú ý này, danh mục thoái vốn của SCIC năm 2020 có tới 85 doanh nghiệp. Một số phương án thoái vốn đã được triển khai, có những phiên không có nhà đầu tư nào tham dự nhưng cũng có những cuộc đấu giá đã bán sạch 100%. Gần đây nhất, SCIC cũng chào bán trọn lô cổ phần HND của CTCP Nhiệt điện Hải Phòng nhưng đã không có cá nhân hay tổ chức nào nộp hồ sơ đấu giá.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/scic-muon-ban-tron-lo-hon-46-trieu-co-phan-fpt-d125751.html