SCIC kỳ vọng thu thêm 8.000 tỉ đồng từ thoái vốn

(TBKTSG Online) – Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tự tin sẽ thoái vốn thành công tại 5 doanh nghiệp vào tháng 12 tới và kỳ vọng thu về khoảng 8.000 tỉ đồng từ hoạt động này.

Các nhà đầu tư trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Nhựa Bình Minh (ngoài cùng bên phải) tại buổi roadshow. Nhựa Bình Minh là một trong năm doanh nghiệp được SCIC chào bán vốn lần này. Ảnh: Minh Tâm

Trao đổi bên lề buổi giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phần (roadshow) ở 4 doanh nghiệp gồm Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong (NTP); Nhựa Bình Minh (BMP); Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC) và FPT diễn ra hôm nay, 17-11, ông Nguyễn Chí Thành, Phó tổng giám đốc SCIC cho biết, đợt này, SCIC cùng lúc bán vốn tại 5 doanh nghiệp theo đúng kế hoạch đã đề ra từ đầu năm. Ngoài 4 doanh nghiệp được tổ chức roadshow tại TPHCM thì ngày hôm qua, 16-11, SCIC cũng đã giới thiệu cơ hội đầu tư mua cổ phần tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – mã chứng khoán VCG) tại Hà Nội.

Chia sẻ với TBKTSG Online, ông Thành cho biết, SCIC kỳ vọng thu về khoảng 8.000 tỉ đồng từ đợt bán vốn của 5 doanh nghiệp kể trên, dù thị giá hiện vào khoảng 10.000 tỉ đồng. “Con số 8.000 tỉ đồng là khả thi”, ông Thành nói.

Lý giải về con số 8.000 tỉ đồng, ông Thành cho biết, đó là vì đợt bán vốn này, SCIC sẽ bán hết cổ phần đang nắm giữ tại 5 công ty và tỷ lệ là khá cao, có doanh nghiệp lên trên 30%. Thêm vào đó, trường hợp của Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, vẫn chưa có quyết định mở room 100% với nhà đầu tư nước ngoài (kết quả cuối cùng sẽ có sau đại hội cổ đông của công ty này diễn ra vào 30-11 - PV). Do vậy, vẫn có khả năng không bán hết số cổ phần chào bán.

Cũng theo ông Thành, lần thoái vốn này, SCIC tự tin sẽ thành công bởi thời điểm hiện tại đang rất thuận lợi khi chỉ số VN-Index đạt đỉnh 10 năm qua, các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến Việt Nam sau hội nghị APEC thành công, kinh tế vĩ mô tăng trưởng tốt. “Đặc biệt là chất lượng hàng hóa mang bán rất tốt. Năm doanh nghiệp này đều là những công ty hàng đầu trong lĩnh vực tại Việt Nam”, ông Thành nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, SCIC sẽ lần lượt tổ chức chào bán cạnh tranh vốn tại các doanh nghiệp. Cụ thể, ngày 8-12 là với Nhựa Bình Minh, Vinaconex. Ngày 11-12 là với FPT. Ngày 12-12 là với Domesco và cuối cùng là Nhựa Thiếu niên Tiền phong (ngày 13-12).

Giá khởi điểm sẽ được SCIC công bố lần lượt trong khoảng thời gian từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12 tới.

Khác với Vinamilk, với 5 doanh nghiệp lần này, các nhà đầu tư chỉ được đặt cọc và thanh toán tiền đặt mua bằng đồng Việt Nam.

SCIC dự kiến chào bán 24.159.906 cổ phần (tương đương 29,51% vốn điều lệ) tại Nhựa Bình Minh; 31.633.818 cổ phần (tương đương 5,96% vốn) tại FPT; 12.054.467 cổ phần (tương đương 34,71% vốn) tại Domesco. Riêng với Nhựa Thiếu niên Tiền phong, con số cụ thể sẽ chốt lại sau ngày 30-11.

Minh Tâm

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/265091/scic-ky-vong-thu-them-8000-ti-dong-tu-thoai-von.html