SCIC đang hết sức khẩn trương thực hiện bán vốn BMP, NTP trong năm 2017

Đó là thông tin ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đưa ra tại buổi giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu VNM sáng ngày 18/10.

Theo tài liệu được công bố tại buổi giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu VNM sáng ngày 18/10, tính đến 30/9/2017 danh mục đầu tư của SCIC bao gồm 133 khoản đầu tư với tổng vốn Nhà nước theo giá trị thị trường khoảng 5,4 tỷ USD. Trong đó, số lượng doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hàng tiêu dùng chiếm chủ yếu với 33%, tiếp đó là công nghiệp xây dựng 32%, dịch vụ tài chính 20%, điện, nước và gas là 4%.

Trong các khoản đầu tư lớn của SCIC, FPT Telecom nằm trong danh sách được nắm giữ lâu dài. Còn các đơn vị như VIID, HGM, VNR lộ trình thoái vốn từ 2018 – 2020. Các khoản đầu tư như FPT, BMP, NTP, SGC, BMI và VNM (3,33% vốn) được thực hiện ngay trong 2017.

SCIC còn sở hữu 5,99% vốn FPT ứng với 31,79 triệu cổ phiếu, 37,1% vốn NTP (33,1 triệu cổ phiếu), 29,51% vốn BMP (24,16 triệu cổ phiếu), 40,36% vốn VNR (52,9 triệu cổ phiếu), 47,63% vốn VIID (16 triệu cổ phiếu), 49,89% vốn SGC (3,6 triệu cổ phiếu) và 46,64% vốn BMI (46,3 triệu cổ phiếu).

Năm 2017 đang dần trôi về cuối nhưng SCIC chỉ mới công bố cụ thể lộ trình thoái vốn VNM và còn 5 khoản đầu tư lớn khác cần đẩy nhanh tiến độ để kịp kế hoạch. Trả lời thắc mắc của nhà đầu tư quan tâm tại buổi giới thiệu cổ phiếu VNM, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV SCIC cho biết việc bán vốn BMP, NTP…được thực hiện hết sức khẩn trương để hoàn thành trong năm 2017 nhưng trong trường hợp không kịp thì sẽ triển khai ngay những tháng đầu năm 2018.

Được biết, trong các khoản đầu tư cần thoái trong năm 2017 của SCIC chỉ có BMP là ráo riết thực hiện nới tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu nước ngoài. Và ngày 26/09 vừa qua, room nhà đầu tư nước ngoài của BMP đã chính thức được nâng từ 49% lên 100%. Trong khi đó, NTP có chủ trương từ ĐHĐCĐ thường niên 2017 nhưng đến nay chưa có thông tin thêm, hay SGC đã từng thất bại khi lấy ý kiến cổ đông việc nâng room ngoại bằng văn bản và không trình lại tại ĐHĐCĐ thường niên 2017. Còn BMI thì vấn đề nới room chưa được nhắc đến. Với FPT, SCIC chỉ sở hữu tỷ lệ rất nhỏ 5,99% nên việc FPT có mở room ngoại hay không không nằm trong quyền quyết định của SCIC.

Theo HSC, việc room cho nhà đầu tư nước ngoài tại BMP đã mở ra 100% và có thể kỳ vọng thời gian thoái vốn của SCIC tại đây sẽ sớm được công bố trong khoảng vài tuần tới. Mặt khác, cổ đông chiến lược Thái Lan (Nawa Plastic Industries) hiện đang sở hữu 20,4% vốn BMP vào cuối tháng 9 đã thoái toàn bộ vốn tại NTP (21,3 triệu cổ phiếu). Điều này được hiểu là dấu hiệu cho thấy Nawa Plastic có thể đang huy động tiền phục vụ cho khả năng mua cổ phần BMP từ SCIC. Thực tế tiền Nawa Plastic thu về từ bán cổ phần NTP là khoảng 1.574 tỷ đồng trong khi giá thị trường của số cổ phần BMP mà SCIC muốn bán là khoảng 1.839 tỷ đồng.

HSC kỳ vọng câu chuyện M&A của BMP sẽ trở thành hiện thực trước cuối năm nay trong đó có khả năng nhất là Nawa trở thành người mua. Bởi Siam Cement (SCG) là công ty mẹ của TPC và TPC nắm giữ Nawa Plastic đang có tham vọng xây dựng chuỗi giá trị trong ngành nhựa Việt Nam. Hiện SCG sở hữu một công ty sản xuất hạt nhựa (TPC Việt Nam) và từ lâu đã muốn có thêm doanh nghiệp sản xuất nhựa có mạng lưới phân phối tốt tại Việt Nam. Với tiêu chí đó, BMP và NTP là hai lựa chọn tốt nhất nhưng Nawa đã thoái NTP thì có khả năng sẽ chỉ còn nhắm đến BMP.

Nếu mua cổ phần BMP từ SCIC, Nawa sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên 49,92% vốn và HSC cho rằng Nawa sẽ nâng dần tỷ lệ sở hữu lên thành tỷ lệ cổ phần kiểm soát bằng cách mua thêm trên thị trường hoặc mua thỏa thuận.

Ngọc Điểm

Nguồn NDH: http://ndh.vn/scic-dang-het-suc-khan-truong-thuc-hien-ban-von-bmp-ntp-trong-nam-2017-20171018022548924p4c147.news