SCIC công bố lịch trình thoái vốn tại 5 công ty, dự thu trên 10.000 tỉ đồng

Sau khi thu về 9.000 tỉ đồng thoái vốn khỏi Vinamilk, SCIC tiếp tục công bố lịch trình thoái vốn tại 5 công ty, dự trù thu về hơn 10.000 tỉ đồng.

Nhà nước vừa thu về gần 9.000 tỉ đồng khi nhà đầu tư Singapore mua nguyên lô 48.333.400 cổ phiếu Vinamilk với giá 186.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó, Công ty Jardine Cycle & Carriage cho biết, Quỹ Platinum Victory đã mua thêm 12,8 triệu cổ phiếu VNM trên thị trường để nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty Sữa Việt Nam lên gần 9%. Sau giao dịch này công ty tại Singapore đang nắm giữ 129,1 triệu cổ phiếu VNM, giá trị thị trường hơn 1 tỷ USD. Jardine C&C hiện là cổ đông lớn thứ 3 sau SCIC và F&N, tập đoàn của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi.

Vinamilk vẫn là khoản đầu tư có giá trị lớn nhất của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Với 36% sở hữu còn lại, SCIC có quyền biểu quyết ở Vinamilk. Nước ngoài đang nắm giữ 56,5% cổ phần công ty sữa đầu ngành này.

Cùng với đợt thoái vốn thành công tại Vinamilk, SCIC vừa công bố lịch trình thoái vốn tại: Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC - Hose); Tổng công ty Cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam (VCG - Hnx); Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP - Hose); Công ty Cổ phần Nhựa Tiền Phong (NTP - Hnx); Công ty Cổ phần FPT (FPT - Hose). Trong số này có ba doanh nghiệp nằm trong danh sách được Chính phủ cho phép thoái hết vốn nhà nước từ năm 2015, nhưng đến nay mới được chuẩn bị thực hiện là BMP, NTP và FPT.

Căn cứ vào thị giá các cổ phiếu hiện nay, việc thoái vốn tại 5 doanh nghiệp sẽ mang về cho SCIC tổng cộng 10.266 tỉ đồng. Giữa năm nay, danh mục đầu tư của SCIC có 130 doanh nghiệp, kể cả Vinamilk, với giá thị trường khi đó ước 5 tỉ USD.

Năm 2017, SCIC lên kế hoạch thoái vốn tại 85 doanh nghiệp. Nhưng tính đến nay, SCIC mới chỉ hoàn thành thoái vốn tại 20 doanh nghiệp nhà nước. Vì thế, áp lực thoái vốn trong quý IV/2017 là khá lớn, nhất là khi trong danh sách này, nhiều công ty ít được nhà đầu tư chú ý. Trong đó, SCIC sẽ tiếp tục bán thêm gần 1.000 tỷ đồng cổ phiếu tính theo giá trị sổ sách tại các doanh nghiệp đầu ngành gồm Nhựa Bình Minh, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Domesco và FPT ngay trong tháng 12/2017.

Cuối năm là thời điểm rất phù hợp để SCIC bán vốn nhưng hiện P/E của 3 trong 4 doanh nghiệp bán vốn lần này đều đã quanh ngưỡng 14,15, thậm chí DMC còn cao hơn ở mức trên 22, nghĩa là không còn quá rẻ nữa.

Với đợt thoái vốn mới, SCIC có nhiều thay đổi về quy trình, thủ tục, đặc biệt quan tâm đến quá trình đấu thầu để tăng tính minh bạch thay vì chỉ bán riêng phần lớn cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược như trước kia. Các buổi roadshow chào hàng không chỉ nhằm mục đích quảng bá mà còn để tìm hiểu nhu cầu thực tế của giới đầu tư. Từ đây, SCIC có thể ước lượng mức độ tiềm năng của đợt thoái vốn, tham khảo cung cầu thị trường, thêm cơ sở để xác định mức giá khởi điểm phù hợp.

SCIC cũng chọn cách giao dịch đối ứng trực tiếp qua sàn chứng khoán nếu giá thắng thầu nằm trong khoảng giá đưa ra. SCIC cũng đã có những quyết định đơn giản hóa về mặt quy trình, thủ tục.

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/thi-truong/scic-cong-bo-lich-trinh-thoai-von-tai-5-cong-ty-du-thu-tren-10000-ti-dong-3321254/