SCIC có 30.000 tỷ gửi ngân hàng

Lợi nhuận sau thuế của SCIC đạt 7.426 tỷ đồng, trong đó tiền gửi Ngân hàng có gần 30.000 tỉ đồng chiếm nửa tổng tài sản SCIC.

Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố báo cáo tài chính 2016 hợp nhất, trong đó lợi nhuận trước thuế đạt 8.097 tỷ đồng, sau thuế, mức lợi nhuận ròng là 7.426 tỷ đồng, giảm 6,7% so với năm 2015.

Tổng tài sản trong năm 2016 đạt 66 nghìn tỉ đồng, giảm hơn 7.300 tỷ đồng so với đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản là các khoản đầu tư ngắn hạn với 38.300 tỷ đồng và đầu tư tài chính dài hạn với 27.600 tỷ đồng.

Trước đây, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của SCIC chủ yếu vẫn là tiền gửi ngân hàng. Nhưng tuy là quy mô tài sản giảm sâu nhưng quy mô tiền gửi ngân hàng lại tăng mạnh so với đầu năm.

Cụ thể, trong danh mục đầu tư tài chính, tiền gửi ngân hàng của SCIC và của Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp đã chiếm gần 30 nghìn tỉ đồng, chiếm gần một nửa tổng tài sản của SCIC.

Còn nhớ, năm 2012, SCIC mới đem gửi ngân hàng 19.600 tỷ đồng, sau 5 năm, con số đó đã tăng lên gần gấp đôi.

SCIC báo lãi hơn 7000 tỷ đồng, có 30.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng

Bên cạnh gửi ngân hàng, Tổng công ty cũng dành hơn 6 nghìn tỷ đồng để đầu tư cổ phiếu, bao gồm 3.898 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu niêm yết và 2.433 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu chưa niêm yết.

Tính tới 31/12/2016, giá trị vốn chủ sở hữu của SCIC là hơn 38 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3 nghìn tỷ đồng so với thời điểm đầu năm; Trong đó, vốn đầu tư của chủ sở hữu là gần 22 nghìn tỷ đồng và Quỹ đầu tư phát triển là gần 16 nghìn tỷ đồng.

Ở hướng ngược lại, nợ phải trả của SCIC là gần 28 nghìn tỷ đồng. Hầu hết trong đó là hạng mục các quỹ phải trả - cụ thể là 27.259 tỷ đồng của Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

Trước đó, trao đổi với báo chí, đầu năm 2016, ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch SCIC cho biết ngoài nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp, hiện SCIC còn có quỹ đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng.

Trong số này, tổng công ty chọn một số kênh an toàn như đầu tư trái phiếu Chính phủ, gửi tiền ngân hàng. Năm 2015, SCIC có đầu tư 1.865 tỷ đồng cổ phiếu của MBBank, 450 tỷ trái phiếu Techcombank.

"Tiền gửi ngân hàng thực chất là tiền nhàn rỗi trong thời gian chưa có phương án đầu tư mới. Chúng tôi sẽ chọn một số nhà băng có mức lãi suất tốt nhất. Đây cũng là nguồn tài chính dự phòng để khi có dự án tốt có thể triển khai ngay. Tuy vậy, việc tính toán phương pháp đầu tư hiệu quả, đầu tư vào cái gì luôn khó khăn nhất", ông Chi nói.

Lãnh đạo SCIC cho biết Tổng công ty cho biết đang xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó điều chỉnh danh mục doanh nghiệp thoái vốn và nắm giữ lâu dài.

Chính phủ đã cho phép thoái hết vốn tại Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, FPT Telecom, Bảo hiểm Bảo Minh...Cuối năm 2016, SCIC đã đấu giá thành công 5,4% cổ phần tại Vinamilk, thu về hơn 11 nghìn tỷ đồng, gấp 28 lần so với giá vốn.

Chia sẻ với quan điểm này, Phó TGĐ Lê Song Lai cho rằng sứ mệnh của công ty là làm cho phần vốn của Nhà nước gia tăng, song trên thực tế không phải lúc nào cũng như mong đợi.

Trong bối cảnh để tiền trong túi còn rủi ro thì việc nghiên cứu chiến lược đầu tư mới làm sao để hiệu quả, rủi ro thấp nhất luôn là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp.

Lý giải về việc SCIC được quyền gửi tiền vào Ngân hàng lấy lãi, trao đổi với báo chí, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp lý giải: "SCIC có 2 nhiệm vụ, là công ty đầu tư vốn, được giao quản lý quỹ hỗ trợ quản lý và sắp xếp doanh nghiệp, SCIC là người sử dụng quỹ, việc chi quỹ do Thủ tướng quyết định".

Theo ông Tiến, SCIC được quyền quản lý và đem gửi tiết kiệm. Tất cả lãi đều được hoàn nhập để tăng số dư quỹ. Nguyên tắc hạch toán, SCIC phải công khai trên báo cáo, kèm báo cáo tài chính của SCIC hàng năm ở đâu, tăng quy mô quỹ bao nhiêu và được kiểm toán định kỳ.

Sơn Ca

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/scic-co-30000-ty-gui-ngan-hang-3341193/