SCIC cần hoàn thiện hơn nữa mô hình để đi tắt đón đầu Cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số

Ngày 27/1/2021, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã tổ chức hội thảo về mô hình tổ chức và hoạt động của SCIC.

 SCIC cần hoàn thiện hơn nữa mô hình để đi tắt đón đầu Cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số

SCIC cần hoàn thiện hơn nữa mô hình để đi tắt đón đầu Cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số

Khai mạc hội thảo, ông Phạm Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, sau 15 năm hoạt động, SCIC đã đạt được những kết quả quan trọng đáng ghi nhận, vốn Nhà nước được bảo toàn và phát triển.

SCIC có 2 chức năng là đầu tư kinh doanh vốn nhà nước và là đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp. SCIC đã tiếp nhận vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 1076 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn Nhà nước hơn 30.553 tỷ đồng.

Thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp, SCIC đã áp dụng hệ thống quản trị tiên tiến, thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, tham gia quyết định các phương án kinh doanh của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp sau khi tái cơ cấu, hiệu quả đã tăng lên rõ rệt, từ đó SCIC đã bán vốn tại các doanh nghiệp này thành công, mang lại hiệu quả cao cho Nhà nước, điển hình như Vinaconex, Khách sạn Kim Liên, Nhựa Bình Minh...

Từ khi thành lập đến nay, SCIC đã thoái vốn tại 1.017 doanh nghiệp, thu về 48.847 tỷ đồng, giá bán gấp 4,1 lần giá vốn, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung của cả nước.

Đánh giá về hiệu quả đầu tư của SCIC, ông Phạm Tuấn Anh cũng khẳng định là “đã đầu tư hiệu quả”. SCIC đã đầu tư 29.946 tỷ đồng, thu về cho Nhà nước hơn 9.000 tỷ đồng lợi nhuận.

Tại hội thảo, các chuyên gia cùng ghi nhận 15 năm hoạt động hiệu quả của SCIC đã khẳng định một chủ trương lớn, chủ trương đúng khi thành lập một tổ chức kinh tế đặc biệt của Chính phủ, hoạt động dưới mô hình tổng công ty Nhà nước. Nhưng, vai trò đầu tư, kinh doanh vốn Nhà nước chưa rõ nét, chủ yếu là đầu tư tại các doanh nghiệp hiện hữu, chưa có các khoản đầu tư vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.

Ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc SCIC cho biết thêm, hoạt động của SCIC còn nhiều khó khăn, trong đó có khó khăn từ cơ chế, từ khung khổ quy định. Đặc biệt, quyền chủ động trong triển khai hoạt động kinh doanh của SCIC còn hạn chế: Theo cơ chế hiện hành đối với doanh nghiệp Nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty, trong đó có SCIC, chưa thực sự có quyền chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Nhà nước so với khu vực khác. Biên chế, tiền lương hàng năm của các tập đoàn, tổng công ty phải có sự chấp thuận của bộ quản lý ngành, làm hạn chế sự linh hoạt trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, chưa có cơ chế phù hợp để đánh giá hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư tính trên toàn bộ danh mục vốn đầu tư/vốn quản lý/vốn chủ sở hữu được giao của SCIC.

Trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số phát triển mạnh mẽ thì kỳ vọng và nhiệm vụ của SCIC càng nặng nề hơn. Là người đầu tư vốn Nhà nước, SCIC cần đưa vốn Nhà nước đầu tư để tạo nền tảng cho phát triển, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đầu tư để đi tắt đón đầu cuộc Cách mạng 4.0 và phát triển kinh tế số.

Tại hội thảo, các chuyên gia cùng cho rằng SCIC sẽ phải là nòng cốt dẫn dắt và cùng các tập đoàn kinh tế Nhà nước chuyên ngành khác để đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng của đất nước, đầu tư cho khoa học công nghệ…

“SCIC cần phải trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, đầu tư toàn cầu chứ không chỉ đầu tư trong nước như hiện nay”, PGS.TS. Hoàng Văn Hải, Viện Quản trị Kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội nói.

Các chuyên gia phát biểu tại hội thảo cùng cho rằng, cần phải hoàn thiện hơn mô hình tổ chức và hoạt động của SCIC, cần sửa đổi khung khổ pháp luật để SCIC thực hiện tốt hơn vai trò là nhà đầu tư của Chính phủ. Các chuyên gia cũng kỳ vọng khi Chiến lược phát triển của SCIC được Thủ tướng phê duyệt, SCIC sẽ thúc đẩy tiến trình cơ cấu lại và sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Trong tương lai, SCIC sẽ trở thành nhà đầu tư của Chính phủ, là tổ chức tài chính Nhà nước chuyên nghiệp và hàng đầu ở Việt Nam. Việc nghiên cứu để trong tương lai SCIC trở thành mô hình quỹ đầu tư của Chính phủ cũng đã được nhắc đến tại hội thảo này.

Kết quả 15 năm hoạt động của SCIC: vốn chủ sở hữu của SCIC đạt gần 60.500 tỷ đồng; tổng tài sản đạt trên 64.400 tỷ đồng; vốn hóa thị trường đạt trên 196.700 tỷ đồng (8,3 tỷ USD); doanh thu tăng gấp 54,9 lần; vốn chủ sở hữu tăng gấp 16,5 lần; tổng tài sản tăng gấp 12,1 lần; lợi nhuận sau thuế tăng gấp 56,1 lần; nộp ngân sách Nhà nước tăng 1.006,2 lần; tỷ suất lợi nhuận/Vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân 13,0%/năm; tỷ suất lợi nhuận/tổng tài sản (ROA) bình quân 12,4%/năm.

Linh Đan

Theo Thời báo ngân hàng

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/scic-can-hoan-thien-hon-nua-mo-hinh-de-di-tat-don-dau-cach-mang-cong-nghiep-40-va-kinh-te-so-20180504224248898.htm